Đắk Lắk: Triển vọng từ cây tếch trên vùng đất Ea Súp

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bảo Huy (Trường ĐH Tây Nguyên) cho biết: Cây tếch (tên khoa học Tectona grandis) được trồng nhiều tại một số nước Nam Á và Đông Nam Á như: Ấn Độ, Myanma, Thái lan… do điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp (nóng ẩm, có hai mùa rõ rệt).

Đặc biệt, loại cây này phát triển và sinh trưởng tốt trên tầng đất còn tính chất đất rừng. Những điều kiện ấy, hội đủ trên vùng đất Ea Súp, nhất là rừng khộp nghèo kiệt. Từ cơ sở khoa học đó, với sự hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật của Khoa Nông-Lâm- Trường ĐH Tây Nguyên, từ năm 2010, Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk đã triển khai hướng dẫn người dân xã Ea Bung- huyện Ea Súp trồng thí điểm 5 sào cây tếch.

Ông Mai Văn Hiền – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ea Súp cho biết: cây tếch được trồng ở đây hiện đang sinh trưởng tốt. Mới gần 2 năm, cây đã cao hơn 5 m, đường kính gốc 8-10cm. Ông Hiền cho biết thêm, trước đó đã có một số hộ trên địa bàn Ea Súp trồng tự phát được hơn 5 ha, đến nay sau gần 3 năm cũng đã cho kết quả hết sức khả quan.

Những hộ trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật (như hộ anh Nguyễn Hồng Sơn, thôn 14-xã Ea Lê), cây tếch đã cao hơn 10m, đường kính gốc cây gần 15cm.

Anh Sơn trao đổi: Sau trận lụt cuối năm 2008, vườn điều hơn 1 sào của anh bị nước cuốn gãy đổ hầu hết. Loay hoay không biết trồng cây gì, thì bác Hiền ở Hạt Kiểm lâm Ea Súp khuyên nên trồng thử cây tếch. Anh mua giống từ Trung tâm Ea K’Mát (xã Hòa Thắng-Buôn Ma Thuột) về trồng dưới sự hướng dẫn của cán bộ khuyến lâm huyện. Đến nay, hơn 200 cây tếch của gia đình anh đã khép tán, trở thành vạt rừng xanh mát. Anh Sơn cũng như nhiều hộ trồng thử nghiệm cây tếch hy vọng sẽ nhân rộng loại cây này theo mô hình trồng rừng kinh tế trang trại.

Vườn tếch của gia đình anh Nguyễn Hồng Sơn (thôn 14 – xã Ea Lê) phát triển tốt, hứa hẹn nhiều kết quả khả quan.

Cây tếch được trồng trên vùng đất Ea Súp là hướng đi đúng đắn và đáng tin cậy. Tiến sĩ Bảo Huy phân tích thêm: ở vùng đất nào có trồng cây cà phê và cây cao su thì không nên trồng tếch. Cây tếch chỉ phù hợp với vùng đất có rừng khộp như Ea Súp. Cũng giống như cây khộp, tếch chịu được nắng nóng, nhiệt độ cao, có khả năng tái sinh mạnh mẽ. Nếu xảy ra cháy rừng, thì cây tếch cũng như cây họ dầu tự hồi sinh và phát triển.

Đất rừng Ea Súp hiện đang được bố trí trồng keo, tràm và cao su… Các loại cây trồng này. Khi xảy ra cháy rừng thì chắc chắn sẽ thiệt hại rất lớn; trong khi đó cây tếch thì “trụ” được. Vì vậy cần xem đây là loại cây trồng hợp lý trên vùng đất Ea Súp.

Theo tài liệu nghiên cứu của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bảo Huy, rừng tếch có giá trị nhiều mặt: Hiệu quả kinh tế cao (giá bán trên thị trường nội địa từ 10-12 triệu đồng/m3, xuất khẩu sang các nước EU, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản xấp xỉ 1.000 USD/m3); vừa có tác dụng phòng hộ, cải tạo môi sinh, rất hợp cho trồng rừng công nghiệp trên qui mô lớn. Gỗ tếch chịu được hà, mọt, không cong vênh, biến dạng…được dùng trong xây dựng, đóng tàu thuyền, cầu cảng và làm tà vẹt đường ray xe lửa…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83