Gia Lai: Nhộn nhịp mùa thu hoạch cà phê

Hàng năm cứ vào mùa thu hoạch cà phê là có hàng ngàn lao động từ các nơi kéo về huyện Chư Prông để hái thuê cà phê. Nông dân địa phương gọi những người hái cà phê thuê là “thợ” hái cà phê.

Hàng ngày khi xe buýt từ Pleiku về huyện Chư Prông dừng tại các điểm đón, trả khách thì bắt gặp hàng chục, hàng trăm người lao động đã được các chủ vườn đón sẵn để đưa về nhà, quang cảnh thật nhộn nhịp. Chúng tôi đến xã Ia Phìn, xã có diện  tích cà phê hơn 1.500 ha. Mỗi năm đến vụ thu hoạch, hàng trăm người lao động các nơi về đây để hái thuê cà phê. Từ tỉnh lộ 663 chạy dọc xã đến các con đường trong thôn, trong xóm lúc nào cũng đông người, các con đường như nhỏ hẹp lại so với ngày thường.

Theo ông Trịnh Ngọc Bình- Trưởng Công an xã Ia Phìn cho biết: “Hiện nay có hơn 500 lao động từ các nơi đến hái cà phê đăng ký tạm trú trên địa bàn của xã. Thực tế thì số lao động hái thuê cà phê ở đây phải lên đến hơn 600 người vì còn một số thôn, làng chưa báo cáo danh sách tạm trú, tạm vắng”. Nếu tính cả huyện Chư Prông thì mỗi vụ thu hoạch cà phê cũng có hàng ngàn lao động từ các nơi đến hái thuê cà phê. Gọi là “thợ” nhưng việc hái cà phê là công việc giản đơn nên những người đi hái lần đầu chỉ cần nhìn những người đã từng đi hái cà phê chỉ dẫn một, hai lần là có thể làm được.

Theo ông Ngô Văn Nam- một nông dân có nhiều kinh nghiệm trong trồng và thu hái cà phê ở thôn Hoàng Yên, xã Ia Phìn thì người hái cà phê phải đảm bảo: “Hái đạt sản lượng đối với cà phê bình thường là từ một tạ rưỡi đến hai tạ một ngày. Không chỉ hái nhanh và sạch quả trên cành, tránh rơi vãi mà còn hạn chế tối đa việc tuốt nhiều lá xanh hoặc làm gãy cành để cây cà phê không bị kiệt sức ở mùa sau”…

Theo ông Lưu Văn Cơ- một chủ vườn ở thôn Grang 2, xã Ia Phìn thì: “Nếu tính tổng chi phí thì các chủ vườn phải trả cho người hái thuê gần 5 triệu đồng tiền công/ tháng”. Thời gian làm việc người hái cà phê thuê một ngày 8 giờ, buổi sáng từ 7 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ. Đối với những lô cà phê ở xa nhà thì việc thu hái trong ngày thường được kết thúc và lúc 16 giờ, thời gian còn lại người lao động sẽ thu xếp dụng cụ, tập kết cà phê ra xe công nông để chủ nhà vận chuyển về nhà.

Người đi làm thuê cũng có nhiều hoàn cảnh nhưng chủ yếu vẫn là do ở quê đất chật, người đông, thiếu việc làm. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Ngoan quê ở huyện Bá Thước-tỉnh Thanh Hóa lên Tây Nguyên làm thuê đã mấy năm nay. Cứ ăn Tết Nguyên đán xong là anh chị nhờ ông bà nội nuôi con để vào Gia Lai kiếm việc làm; gần đến Tết cổ truyền thì lại trở về quê cùng gia đình.

Cũng có trường hợp ở quê hương gặp thiên tai, mùa màng thất bát hoặc gia đình gặp rủi ro nên bà con phải lên Tây Nguyên làm thuê để kiếm sống. Thường thì sau khi thu hoạch vụ lúa mùa, lúc nông nhàn, nhiều người đi hái cà phê thuê. Anh Đỗ Xuân Kim từ huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lên Chư Prông hái cà phê thuê đã mấy mùa tâm sự: “Chúng tôi cũng rảnh rỗi nên vào đây để hái cà phê kiếm ít tiền về trang trải gia đình trong lúc túng thiếu và chi phí trong dịp Tết sắp đến”.

Ông Nguyễn Văn Phái- một chủ vườn ở làng Grang 2, xã Ia Phìn có 3 ha cà phê, năm nào đến mùa thu hoạch cũng có hàng chục lao động từ tỉnh Phú Yên lên thu hái cà phê. Giữa chủ vườn và người hái cà phê thuê, tiếng là hợp đồng thuê mướn lao động nhưng thực ra chỉ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau nên mọi thỏa thuận đều bằng lời nói mà không hề có văn bản hợp đồng. Vì vậy nên khi người lao động thu hái hàng ngày không đạt sản lượng thì chủ vườn có quyền thanh toán tiền công và không thuê hái nữa. Người hái thuê phải đi tìm việc ở một chủ vườn khác. Ngược lại khi chủ vườn không đáp ứng đầy đủ các thỏa thuận thì người hái thuê đề nghị chủ vườn thanh toán tiền công và đi tìm việc chỗ khác…

Sự tin cậy và tình cảm chủ-thợ ở đây không chỉ là việc thực hiện đúng những thỏa thuận ban đầu mà còn được thể hiện ở chỗ người làm thuê tự nguyện giúp đỡ chủ vườn trong các công việc khi đã hết thời gian làm việc như:  Hái gắng số ít cây cà phê còn lại trong một lô cà phê nào đó mà chủ vườn yêu cầu; hoặc những công việc phơi cà phê, tập kết cà phê đã khô vào kho… Việc làm thêm giờ này nếu người hái thuê không yêu cầu tính thêm tiền công thì chủ vườn sẽ bồi dưỡng lại bằng cách tăng thêm thực phẩm trong bữa ăn và mua đồ uống để đãi thợ. Cũng có trường hợp khi quan hệ chủ, thợ đã ở mức thân thiết thì khi vụ thu hoạch kết thúc chủ vườn không chỉ thanh toán tiền công đầy đủ mà còn tặng quà, mua vé xe ô tô cho người làm…

Số lao động từ các nơi đến thu hái cà phê đông nên việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hội cũng được địa phương hết sức quan tâm. Theo ông Trần Văn Duân- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phìn, huyện Chư Prông cho biết, địa phương đã chỉ đạo Công an xã làm tốt công tác quản lý tạm trú, tạm vắng, vận động nhân dân giáo dục con em không tham gia trộm cắp cà phê, không bán cà phê xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động từ các nơi đến địa phương thu hái cà phê.

Người hái cà phê thuê đến địa phương đều với mục đích chính đáng là kiếm thêm thu nhập để phụ giúp gia đình ở quê; họ đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động trong ngày mùa, giúp thu hoạch sản phẩm nhanh, gọn, vì vậy họ được các chủ vườn trân trọng và chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87