Tin buồn

Hàng nông sản Việt Nam mất lợi thế

Ngay cả nông sản – ngành hàng Việt Nam có thế mạnh – cũng đang mất dần lợi thế sau khi Trung Quốc dựng hàng rào kỹ thuật về chất lượng

Từ giữa tháng 3, Trung Quốc, thị trường nhập khẩu chủ lực mặt hàng nông sản Việt Nam bắt đầu dựng hàng rào kỹ thuật, nhằm siết chặt vấn đề chất lượng.

Nếu như năm 2008, thặng dư thương mại mà doanh nghiệp Việt Nam mang về cho nhóm ngành hàng này con số 203,25 triệu USD, thì nay, với hàng rào mới thiết lập như vậy, dự báo, xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam sẽ gặp khó khăn.

Trung Quốc dựng hàng rào kỹ thuật

Từ giữa tháng 3, cao su là mặt hàng đầu tiên ảnh hưởng từ chính sách “đóng biên” mà phía Trung Quốc đưa ra. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu mủ cao su sang thị trường Trung Quốc nói, lượng mủ xuất qua con đường mậu biên đã giảm mạnh kể từ khi nước này tăng cường áp dụng chính sách giám sát.

Theo số liệu của bộ Công thương, lượng mủ cao su xuất sang Trung Quốc trong hai tháng đầu năm đã giảm khá mạnh. Mặc dù qua tháng 3 tăng trở lại 36,12% về lượng và 28,07% về trị giá so với tháng trước, đạt trên 34 ngàn tấn với trị giá 49,2 triệu USD, nhưng con đường xuất khẩu chỉ còn lại chính ngạch qua cảng biển.

Do đó, theo dự báo của trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp và nông thôn, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cao su thiên nhiên sang Trung Quốc trong năm 2009 nhiều khả năng sẽ giảm nhẹ khoảng 1,98% so với năm 2008.

Cũng từ tháng 3, mặt hàng mì lát, cũng bị Trung Quốc đưa vào danh sách “cần phải giám sát chặt” việc nhập khẩu. Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, mì lát xuất sang Trung Quốc trên bao bì phải ghi rõ nơi sản xuất, phẩm cấp, tên doanh nghiệp, ngày tháng chế biến, đồng thời ghi rõ là tinh bột sắn dùng cho công nghiệp hay dùng cho thực phẩm, không được phép vận chuyển lẫn lộn.

Từ ngày 1/7/2009, phía Trung Quốc cũng đưa ra yêu cầu năm loại quả gồm dưa hấu, nhãn, vải, chuối, thanh long của Việt Nam khi xuất vào thị trường này cũng phải có nguồn gốc từ các vườn trồng và nhà máy đóng gói đã được đăng ký.

Giảm phụ thuộc, tránh “đụng” hàng

Xét về tương quan thương mại hai chiều nhóm ngành nông lâm thuỷ sản và vật tư phục vụ ngành này, thì Việt Nam vẫn chiếm lợi thế. Năm 2008, xuất khẩu Trung Quốc sang Việt Nam mặc dù đạt khoảng 1,7 tỉ USD, gồm các mặt hàng chủ yếu như phân bón (trên 700 triệu USD), chế phẩm chăn nuôi (173 triệu USD), dầu đậu tương (36,4 triệu USD), thuốc trừ sâu (166 triệu USD)…

Thế nhưng, giá trị kim ngạch mà doanh nghiệp Việt Nam xuất sang thị trường này lại lên tới trên 1,9 tỉ USD, thặng dư 203,25 triệu USD, gồm các mặt hàng cao su, hạt điều, tinh bột, inulin, sắn, dong, khoai, cà phê, rau, củ, quả, gỗ…

Với giá trị kim ngạch như vậy, Trung Quốc là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Nhiều mặt hàng, như cao su (Trung Quốc chiếm tới 64% sản lượng xuất của Việt Nam năm 2008), điều, rau, củ quả, tiêu… từ trước tới nay, vẫn lệ thuộc thị trường Trung Quốc. Trung Quốc ăn hàng thì giá tăng, không ăn hàng thì giá giảm, dội chợ… Doanh nghiệp phải chủ động cơ cấu lại thị trường để giảm thiểu rủi ro.

Ông Nguyễn Đức Thanh, quyền chủ tịch hiệp hội Chế biến, xuất khẩu điều Việt Nam thừa nhận, Trung Quốc chiếm 22% sản lượng xuất khẩu nhân điều, nhưng thị trường nước láng giềng này thường không ổn định về chính sách. Về lâu dài, theo ông Thanh, doanh nghiệp trong ngành cũng phải tính tới giảm bớt sự phụ thuộc, bằng cách tăng cường xuất sang Trung Đông, EU, Nga…

Bà Võ Mai, từng có nhiều năm gắn bó với ngành xuất khẩu rau, củ, quả sang Trung Quốc cũng nhìn nhận, thị trường Trung Quốc không ổn định, “ăn” hàng chủ yếu theo đường mậu biên, mua bán qua thương lái nên rất ít doanh nghiệp có khách hàng tin cậy.

Xuất khẩu theo kiểu này, theo bà Mai, sẽ gặp nhiều rủi ro, giống như tình cảnh hàng ngàn xe tải dưa hấu thối rữa hồi tháng 3 vừa qua. Do đó, bà Mai cho rằng, ngoài việc phải đa dạng hoá thị trường, nông dân cần phải thay đổi thói quen sản xuất không theo nhu cầu.

“Trước đây Trung Quốc không sản xuất được dưa hấu, nay nông dân họ đã sản xuất được nên chúng ta phải cơ cấu lại mùa vụ để tránh đụng hàng” – bà Mai dẫn chứng.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79