Nạn trộm cắp cà phê: Đến hẹn lại … lo

“Chỉ trong vòng một tháng qua, vườn cà phê của tôi đã bị trộm càn quét đến 6 lần” – ông Ngô Nhiên ở buôn Jốc, xã Ea H’Đing, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk bức xúc.

Ông Nhiên là một trong hàng trăm nghìn nông dân ở khắp Tây Nguyên – vùng chuyên canh hơn 400.000ha cà phê – đang ngày đêm khốn đốn vì đạo tặc.

Nạn trộm cắp cà phê
Người dân luôn nơm nớp lo sợ khi vào mùa cà phê

Đến hẹn lại… lo!

Với 2.135ha cà phê kinh doanh, xã Ea H’Đing, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk luôn là “miền đất hứa” của đạo tặc mỗi khi vào mùa. Đúng vào thời điểm này năm ngoái, Công an huyện đã khởi tố, bắt khẩn cấp 4 đối tượng “thu hoạch giúp” 720kg cà phê của người dân xã này, nhưng không vì thế mà nạn cướp mồ hôi, công sức của nông dân năm nay bớt nóng.

Chỉ có 1ha cà phê, gồm 6 sào ở buôn Drang và 4 sào trong buôn Jốc – mỗi sào ở Tây Nguyên là 1.000m2, nhưng vào những ngày này, anh Trần Đình Long ở buôn Jốc đã sắp… kiệt sức vì canh trộm. Hai mảnh rẫy cách nhau 3 cây số, ban ngày, vợ chồng anh chia nhau trông coi, ban đêm chỉ mình anh. Chập tối đi một lượt, nửa đêm đi lượt nữa, mờ sáng đi lượt cuối. Vậy mà vợ anh – chị Phan Thị Thủy – vừa ký đơn gửi Ban Công an xã trình báo việc 26 cây cà phê ở buôn Jốc bị kẻ gian tuốt sạch, bẻ cả cành.

Anh Long nói: “Như thường lệ, hôm đó, tôi đi kiểm tra lượt cuối lúc 4 giờ sáng thấy vẫn còn, đến sáng ra thì một góc vườn tan hoang. Mất trộm thì năm nào cũng có chú ạ, nhưng năm nay bọn ác ôn còn bẻ cả cành, không những vụ này thất thu 6 tạ quả tươi, mà 2 – 3 năm sau cũng mất ăn”.

Gần nhà anh Long, ông Ngô Nhiên cũng vừa nộp đơn tố cáo việc đạo tặc phá hoại vườn cà phê ở buôn H’Ring. Ông Nhiên bức xúc: “Chú hỏi mấy năm trước làm gì, chỉ trong vòng một tháng qua, vườn cà phê của tôi đã bị trộm càn quét đến 6 lần rồi. Lần đầu vào ngày 14.10, lần thứ 6 vào ngày 16.11. Từ giờ đến lúc thu hoạch xong, không biết còn bao nhiêu lần nữa, chắc chỉ đem về được mấy hạt tượng trưng. Mấy năm trước, chúng chỉ tuốt quả, năm nay bẻ luôn cành mới ác chứ, nhiều cây không còn một cành nào. Đây không phải chuyện ăn cắp vặt, tôi tố cáo bọn phá hoại kinh tế”.

Những nông dân ở xã khác, huyện khác đến làm rẫy ở Ea H’Đing cũng khốn đốn không kém. Trong khi nhiều rẫy cà phê ở buôn Drang chín đỏ cây, rẫy của ông Đàm Văn Nhập – nhà ở thị trấn Quảng Phú – vẫn còn xanh, ông đinh ninh rằng chắc… trộm chừa mình ra. Không ngờ một sáng kia, ông Nhập tá hỏa phát hiện 100 cây đã bị vặt trụi quả, thiệt hại khoảng nửa tấn cà phê.

Khổ chủ Trần Văn Phước – ở khối 8, phường Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột – bị trộm khoắng cả mấy bao cà phê để trong kho giữa rẫy ở Ea H’Đing. “Tôi mệt mỏi lắm rồi, có người mua rẫy là tôi bán, thu hồi đủ vốn là được” – ông Phước nói. Còn theo ghi nhận của Công an xã Ea H’Đing, dù vụ thu hoạch chỉ mới bắt đầu được hơn 1 tháng, nhưng trên địa bàn xã đã xảy hơn 20 vụ trộm cắp và phá hoại cà phê.

“Xanh nhà…” cũng không dễ

Vào những ngày này, trên các cụm loa của Đài Truyền thanh xã Ea H’Đing liên lục phát chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Đak Lak về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ cà phê, nghiêm cấm việc thu hái, mua bán cà phê xanh non. Ngoài ra, phát thanh viên còn đọc chỉ thị của Công an huyện Cư Mgar và theo đó mọi hoạt động vận chuyển, mua bán cà phê từ 17 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau sẽ bị coi là bất hợp pháp.

Ông Y Xơrớp Mlô – Phó Trưởng Công an xã – cụ thể: “Nếu phát hiện việc mua bán cà phê ban đêm, lực lượng chức năng của xã, thôn sẽ kiểm tra. Nếu người mua hoặc bán chứng minh được nguồn gốc rõ ràng thì vẫn bị nhắc nhở, còn không chứng minh được thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Mặc dù vậy, nạn trộm cắp cà phê trên địa bàn xã Ea H’Đing vẫn không hề giảm, mà còn diễn biến phức tạp hơn các năm trước. “Xã có hơn 2.000ha cà phê rải khắp các thôn buôn, lực lượng Công an xã lại quá mỏng, trong khi phải đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn nói chung.

Về mô hình tổ dân phòng ở thôn Hòa Thắng, xã Hòa Đông, huyện Krông Păk, Đak Lak đang bảo vệ 50ha cà phê của thôn, thu mỗi sào 350.000 đồng và cam kết bồi thường nếu xảy ra mất trộm, nhiều nông dân ở Đak Lak cho rằng không phải nơi nào cũng áp dụng được, vì cà phê không tập trung như vùng Hòa Thắng. Cũng vì quy mô manh mún, rải rác mà mô hình liên kết bảo vệ cà phê giữa các hộ nông dân chưa áp dụng rộng rãi, dù ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên đã có chủ trương từ lâu.

Anh em đi làm không có tiền ăn, không cả tiền đổ xăng cũng là một trở ngại cho chúng tôi. Như tôi đây còn có lương, chứ công an viên thì mỗi tháng chỉ được phụ cấp 400 nghìn đồng. Bắt họ làm việc quá sức cũng không được” – ông Y Xơrớp Mlô phân trần. Có lẽ vì vậy mà trong hơn 20 vụ trộm cắp cà phê được ghi nhận từ đầu vụ đến nay, Công an xã Ea H’Đing chỉ mới xử lý hành chính được 1 vụ.

Trong khi nương rẫy xa, trộm cắp hoành hành, không thể trông chờ vào lực lượng chức năng thì “xanh nhà hơn già đồng” được coi là phương châm hay nhất để bảo vệ sản phẩm, vườn cây của mình. Tất nhiên, họ biết rõ hái xanh sẽ giảm sản lượng khoảng 25%, chất lượng cà phê không đảm bảo. Nhưng trên thực tế, muốn “xanh nhà” cũng không phải dễ.

Anh Trần Đình Long than thở: “Lẽ ra, tôi thu hoạch xong cả tháng nay rồi chứ giữ làm gì, khổ nỗi không có người”. Không riêng gì anh Long, hàng nghìn chủ vườn ở khắp Tây Nguyên đang từng ngày mong ngóng những anh xe ôm chở người đến cho, dù phải trả 150 nghìn đồng hay 500 nghìn đồng cho mỗi người được chở đến cũng… vui vẻ. Nhưng đội quân hái cà phê từ miền Trung không thấy lên Tây Nguyên nhiều như mọi năm nữa. “Vẫn biết đêm dài lắm mộng, nhưng quả thật chẳng biết làm sao” – anh Long buồn rầu nói.

Xem thêm:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. hồng điệp

    Bọn trộm chủ yếu là các đối tượng lười lao động, chỉ muốn làm giàu một cách bất lương nên bọn chúng mới đi ăn trộm, đa phần bọn trộm cắp là những người ở gần rẫy cà phê, vì bọn chúng biết rõ gia chủ đến thăm vườn cà phê và về lúc nào rồi nên bọn chúng với mạnh tay như vậy.
    Để bắt được bọn chúng chúng ta phải biết liều phục kích cho bằng được, ngày chúng ta ngủ đêm chúng ta thức nằm ở gốc cà phê nhâm nhi ly cà phê thiệt đặc để xua tan đi giấc ngủ, chúng ta phải kiên nhẫn bắt cho bằng được, khi chúng hái chúng ta chuẩn bị gậy quất thiệt mạnh vào ống chân cho chúng năm xuống nhưng không chết, vì đánh vào chân không thể chết được, rồi hô mọi người ra trói mang ra bêu ở giữa làng cho chúng nó bỏ xứ mà đi. Chỗ tôi cũng có gia đình bị mất liên tục nên đành cử người phục kích rốt cục lúc 1h45 sáng mới bắt được trói mang ra giữa cổng trại bêu, một lần gia đình đó bỏ xứ đi đâu mất không biết, từ đó nhà đó không mất trộm cà phê nữa.

  2. Hoàng

    Đánh cả xe công nông đi… trộm cà phê

    (Dân Việt) – Bọn cướp đi từng đoàn hàng chục tên, đánh cả xe công nông đi hái cà phê, thậm chí người dân phơi cà phê trong sân nhà cũng bị chúng tràn vào dọn sạch.

    Anh Lại Văn Minh – Trưởng Công an xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ cho biết: “Mấy năm trước, Cư Bao là điểm nóng về nạn cướp cà phê. Bọn cướp đi từng đoàn hàng chục tên, đánh cả xe công nông đi hái cà phê, thậm chí người dân phơi cà phê trong sân nhà cũng bị chúng tràn vào dọn sạch. Năm nay, mới đầu mùa đã tiếp nhận 3 vụ báo mất cà phê, trong đó một vụ người dân bị hái trộm hàng trăm cây.

    1. Ngóe

      Tôi cực ghét mấy bài báo viết theo kiểu báo lá cải, tin vỉa hè.
      -Mấy năm trước là năm nào?
      -Sân nhà ai bị dọn sạch?
      -Rẫy nhà ai bị hái trộm hàng trăm cây?
      Tổng cộng có 3 vụ báo mất!
      Mới đọc qua tưởng như ở Cư Bao xe công nông dàn hàng ngang đi cướp cà phê, náo loạn hết Buôn Hồ rồi.

  3. Nông dân cà phê

    Dù sao thì bài báo này cũng là hồi chuông báo động đến mọi người hãu cảnh tỉnh với nạn trộm cắp cà phê, chính quyền hãy can thiệp vào các vụ này. Riêng tôi mà bắt được bọn trộm cắp thì cứ đánh cho chừa.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

89