Tin buồn

Chất lượng kém do thu hoạch sớm?

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), ông Lương Văn Tự cho biết, cà phê Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 14% tổng lượng giao dịch cà phê trên thị trường thế giới, nhưng nếu chỉ tính riêng cà phê Robusta, tỷ lệ này đến 60%.

Về lý thuyết, cà phê Việt Nam đủ khả năng làm giá trên thị trường, nhưng thực tế, giá cà phê xuất khẩu Việt Nam thấp hơn các nước 100USD/tấn.

Một trong những lý do chính làm cho cà phê Việt Nam bán ra với giá thấp trên thị trường thế giới là chất lượng không đồng đều vì cà phê chín và xanh thu hoạch cùng một lúc. Thói quen không hay này đã ăn sâu vào tiềm thức người dân trồng cà phê tại Việt Nam.

Có một lý do mà nhiều người trồng cà phê vin vào để biện minh cho việc hái trái chín và xanh cùng lúc là sợ bị mất trộm cà phê. Đây là vấn nạn mà người trồng cà phê ở Tây Nguyên, vùng cà phê trọng điểm của Việt Nam lo ngại. Vì vậy, với quan niệm “thà hái trái xanh còn hơn bị mất trắng”, người trồng cà phê bất chấp thua thiệt về chất lượng, thu hoạch cả trái chín và xanh cùng một lúc.

Ông Lương Văn Tự cho rằng, bà con trồng cà phê có thể cùng liên kết với nhau để bảo vệ cà phê cho cả khu vực.Việc liên kết này sẽ giúp cho việc bảo vệ nạn trộm cà phê hiệu quả hơn. Thực tế mất trộm chỉ là một nguyên nhân của việc thu hoạch cà phê chín và xanh cùng một lúc. Lý do chính vẫn là do thói quen của người trồng cà phê. Thu hoạch cùng một lúc giúp giảm chi phí thuê mướn nhân công. Tiếp tay cho việc này là không ít doanh nghiệp mua cà phê xô không có sự phân biệt cà phê chín và cà phê xanh. Trong khi đó, bà con trồng cà phê Arabica ở tỉnh Quảng Trị thu hoạch trái chín lên đến 90%.

Tương tự, ông Nguyễn Văn An, Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Thái Hòa cho biết, ở Lào tỷ lệ trái chín công ty mua được do bà con bán lên đến 97%. Điều này cho thấy, chính sự tranh mua của doanh nghiệp, bất chấp cả việc có nhiều cà phê xanh, điều này đã tiếp thêm lý do tồn tại của một thói quen xấu từ bao lâu nay của người trồng cà phê mà đáng lẽ ra cần phải xóa bỏ từ sớm. Vì vậy mà chất lượng cà phê Việt Nam, dù được đánh giá là ngon nhưng giá bán ra thị trường thế giới lại thấp hơn cà phê của Brazil, Colombia.

Hàng năm, Tập đoàn Nestlé mua 200.000 – 250.000 tấn từ Việt Nam (chiếm khoảng 25% lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu) để chế biến làm cà phê hòa tan. Sản phẩm được người tiêu dùng khắp thế giới ưa chuộng này có xuất xứ từ Việt Nam nhưng thực tế giá bán cà phê hạt của Việt Nam trên thị trường thế giới vẫn rất thấp so với cà phê của các nước trên. Cà phê Việt Nam đang tìm đến giá trị thực, để thật sự là cường quốc cà phê, cần nhiều việc phải làm, trước hết cần chấn chỉnh lại khâu thu hoạch.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cư Né

    Có cầu ắt có cung.
    Nhiều công ty, đại lý mua không phân biệt giá cà xanh hay cà chín thì nông dân tội gì mà để cho chín, tốn kém thêm tiền thuê người canh giữ.
    Đã dở hơi đâu !

    1. Tâm Nhân

      Cứ nói huyên thuyên mà chẳng có biện pháp nào khả dĩ giải quyết được cái gốc của vấn đề.
      Ai nói cứ nói, ai kêu cứ kêu, ai hái cứ hái… Thế nà thế nào?

    2. Hoàng BL

      Hoàn toàn đồng ý với bạn Tâm Nhân
      Diễn đàn đưa ra là để chúng ta nhìn lại vấn đề đang khá nhức nhối này, và cùng thảo luận cách giải quyết.
      Chứ ai cũng nói như anh Cư Né thì báo chí họ nói ra để làm gì.

  2. Lê thị Thúy Nga

    Chín hay xanh đều cùng một giá, công thu hoạch cao, thêm nạn “cà tặc”.
    Hãy cứu mình trước khi trời cứu.

  3. Thuận Hòa

    Nguyên nhân xâu xa của vấn đề chưa hẳn đã là do thu hoạch cafe xanh chưa chín. Vấn đề ở đây là…”Hàng năm, Tập đoàn Nestlé mua 200.000 – 250.000 tấn từ Việt Nam (chiếm khoảng 25% lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu) để chế biến làm cà phê hòa tan. Sản phẩm được người tiêu dùng khắp thế giới ưa chuộng này có xuất xứ từ Việt Nam”. Họ vẫn thu mua với số lượng cao, cafe họ làm ra vẫn có thương hiệu và được người tiêu dùng trên thế giới ủng hộ. Còn riêng tại Việt Nam ta là do có quá nhiều các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh thu mua xuất khẩu ký hợp đồng giao trước thời hạn nên tự đưa giá cho các nhà đầu cơ ép nên mất giá.
    Nếu cứ cho các DNNN vào cạnh tranh thu mua-xuất khẩu một cách lành mạnh thì cafe Việt Nam tất yếu sẽ có tiếng nói trên thị trường. Các nhà làm quản lý cũng nên vì lợi ích của người dân không nên vì lợi ích của một vài bộ phận nhóm nào thì sẽ thấy sự tiến triển của đại bộ phận người lao động nói chung và ngành cà fe nói riêng khác hiện tại ngay.

  4. Phạm Văn Khiêm

    Cái đó thì đã rõ như ban ngày. Nhưng chất lượng kém không phải hoàn toàn chỉ do thu hoạch sớm mà còn do trong quá trình chăm sóc (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật), thời tiết trong quá trình thu hoạch, trong phơi phong….
    Theo tôi, để nâng cao chất lượng sản phẩm, ngoài việc nâng cao tư duy, nhận thức cho người nông dân trong quá trình chăm sóc, thu hái, mà nhất là nên có quy định tỷ lệ quả chín khi thu hoạch như của UBND tỉnh Đắk Lắk thì một biện pháp hết sức quan trọng là phải có giá mua khác nhau giữa quả chín và quả xanh. Tôi nghĩ sẽ có thiết bị kiểm tra, phân biệt chất lượng giữa quả chín và quả xanh.
    Quy luật giá trị sẽ điều tiết dễ dàng khi mà giá mua quả chín cao hơn nhiều với giá mua quả xanh thì ai dại gì hái quả xanh. Còn cách thu mua như hiện nay thì cũng chẳng ai dại gì mà hái có tỷ lệ chín thật cao. Chẳng lẽ đến nay chưa có thiết bị kiểm định chất lượng, phân biệt quả chín quả xanh?

  5. phamvanloi2608

    Báo SGGP nói cũng đúng 1 phần.

    Đúng ra thì cần phải chấn chỉnh khâu “thu mua” mới đúng. Chứ thu mua cà phê giá cà chín cũng như cà xanh thì bà con đi lượm từng trái chín cho vào bao thì có mà chưa kịp đẩy được giá cà lên thì đã ngấp ngoái vì tiền nhân công và trộm cắp rồi.

    Trộm cắp thì có thể khắc phục được. Chứ giá cà lẹt đẹt liệu bà con có kéo được lên ngay hay ko?
    Tôi muốn nói là “Chính sách” cần phải đi trước. Bây giờ giả sử nhà nước có chính sách ưu đãi với hạt cà phê chín đầu vụ này với giá 40 chẳng hạn (cao hơn 2.000đ/1kg) đố ai dám hái cà xanh. Còn bảo 2 lúa hay 3 cà phê làm mà ko có chính sách ưu tiên, hay là đảm bảo cái giá tốt thì sao bà con làm.

    Bà con tầm nhìn ko phải hạn hẹp mà “cái khó nó bó cái khôn”. Bây giờ hái cà chín thì ai dám đứng ra bảo trợ cái giá cao ? (trong khi trăm thứ tiền phải lo khi vào vụ thu hoạch)
    Hay bỏ 1 mớ tiền công ra rồi quả cà chín giá vẫn bằng cà xanh ?
    AI ĐẢM BẢO !

  6. tranduong_76

    Tạo thương hiệu và giá trị hàng hóa cao hay thấp hơn người là do quản lý nhà nước, Hiệp hội cà phê VN, các doanh nghiệp … chứ ? Sao cứ lôi nông dân vào làm gì? Vô lý! Vì chúng tôi là những người chấp nhận giá của các ông mua rồi bán cơ mà… Muốn mua tỷ lệ 90% trái chín cứ trả 50ngàn/kg xem có ai hái xanh mà bán nữa không ? Đằng này xanh chín gần như đánh đồng, chênh lệch vài ba trăm đồng ký tính làm gì ? Tôi làm quen với nghiệp này lâu rồi, kinh nghiệm thế này, trên cây đã có tỷ lệ trái chín 50% là tôi cho hái hết sạch, chưa chín tới cỡ đó để lại… Hái thế mang về phơi phóng chà ra nhân, tôi đảm bảo không phân biệt được mầu sắc nữa, 10 hạt mầu như một. Xanh chín cái gì nữa? Đừng đổ thừa cho nông dân nữa, mà hay lo kinh doanh quản lý tốt, phân chia lợi ích thỏa đáng hợp lý cho nông dân đi mấy ông ơi… Nông dân không có lỗi gì trong việc giá cà phê VN rẻ hơn người ta đâu. Tự các ông hết cả thôi !

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85