Tin buồn

Thay đổi thói quen nông dân: nhìn từ sàn cà phê

Việc Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) với vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng mở cửa cuối năm ngoái đã dây lên hy vọng đây sẽ là  mô hình mẫu, giúp phá bỏ tập quán mua bán nông thủy sản theo lối mòn bao năm qua của nông dân Việt Nam bắt đầu từ hạt cà phê.

Thế nhưng, sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động mới thấy rằng thay đổi tập quán của nông dân, lẫn doanh nghiệp không hề đơn giản chút nào.

Trường hợp BCEC gợi lại những câu chuyện trước đây, khi nhiều sàn giao dịch nông thủy sản được nhà nước tốn tiền tỉ xây dựng nhưng đã phải “chết yểu” như sàn giao dịch thủy sản Cần Giờ, sàn giao dịch hạt điều, rồi một loạt chợ đầu mối nông sản chỉ còn lại hệ thống kho chứa.

Tưng bừng lễ khai trương
Tưng bừng lễ khai trương

Giao dịch 4 tháng: hơn 1 tỉ đồng

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC), cho biết trong 3 tháng đầu năm nay chỉ có 2 phiên giao dịch với sản lượng vài chục tấn nhưng riêng tháng 4 này đã có nhiều phiên thành công, như trong ngày 24-4, lượng cà phê giao dịch qua sàn đạt giá trị hơn 220 triệu đồng. Tuy nhiên, dù nói gì thì nói thì tới nay, sau hơn 4 tháng mở cửa, giá trị giao dịch qua sàn chỉ hơn 1 tỉ đồng.

Do vậy, trên diễn đàn cà phê tại địa chỉ https://y5cafe.info, cư dân mạng quan tâm tới cà phê đã cho rằng khối lượng và giá trị cà phê giao dịch qua BCEC còn thua xa một đại lý cà phê cỡ nhỏ ở cấp huyện, trong khi trung tâm được nhà nước đầu tư hàng chục tỉ đồng.

Họ không chê sao được khi đại lý cỡ nhỏ ở xã, huyện, trong mùa vụ thu hoạch cà phê có thể mua bán hàng chục hay hàng trăm tấn một ngày là chuyện bình thường, còn ở sàn thì có ngày như ngày 8-4, chỉ giao dịch có 5 tấn vỏn vẹn được 125 triệu đồng.

Cũng thật đáng buồn khi danh sách thành viên đăng ký bán cà phê ở sàn tới giờ, dù có tăng nhưng cũng chỉ 15 cá nhân mà ai nhìn vào cũng biết chắc một điều đó đa phần là đại lý, hay nói nôm na là thương lái cà phê (dân trồng cà phê gọi tắt là “lái cà”), như hạt muối trong biển cả nếu so với hàng vạn hộ dân trồng cà phê ở Đắk Lắk nói riêng và hàng trăm ngàn hộ nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên mà sàn này định hướng nhắm tới.

Thành viên đăng ký kinh doanh, hay nói chính xác hơn là đăng ký mua, cũng chỉ mới 14 doanh nghiệp, con số quá nhỏ bé so với hơn 140 doanh nghiệp có kinh doanh cà phê hiện nay ở tỉnh Đắk Lắk.

Thói quen cũ không dễ bỏ

Thay đổi tập quán mua bán cà phê của nông dân không phải là điều dễ dàng trong ngày một ngày hai và chúng tôi đang cố gắng vận động nông dân, đại lý cũng như tìm cách hỗ trợ nông dân về vốn ứng trước cho cà phê ký gửi vào kho của BCEC cũng như phương tiện vận chuyển cà phê”, ông Hà cho hay.

Ông thừa nhận đây là mô hình giao dịch không chỉ mới mẻ với nông dân mà mới mẻ với ngay cả các nhân viên của BCEC hay cả ngành thương mại của Việt Nam. Do vậy, trung tâm liên tục cử cán bộ đến các xã trồng nhiều cà phê xung quanh thành phố Buôn Ma Thuột, vận động các hộ trồng cà phê lớn tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, xem nông dân bị khúc mắc, khó khăn khi đưa cà phê tới sàn ở điểm nào để tháo gỡ.

Những cuộc làm việc giữa cán bộ của trung tâm với hội nông dân xã, huyện càng ngày càng nhiều lên. Nhờ vậy, từ một vài thành viên đăng ký ban đầu, nay theo ông Hà, tăng lên 15 thành viên cũng là con số chứng minh nỗ lực của sàn.

Gần 1 tháng trước, khi biết người viết bài này đang công tác ở 1 huyện trồng cà phê của Đắk Lắk, ông Hà đã điện thoại “nhờ” người viết tranh thủ “điều tra” giúp các hộ nông dân nơi người viết làm việc, xem thử tại sao nông dân chưa muốn bán cà phê qua sàn, khó khăn vướng mắc ở đâu? Nhưng khó khăn mà nông dân vấp phải mà người viết biết được cũng chẳng khác ông Hà và các cán bộ ở sàn nắm được trong nhiều tháng qua.

Đó là thói quen mua bán cũ khá tiện lợi cho nông dân. Nông dân thu hoạch cà phê với bất kỳ khối lượng nào cũng được đại lý, thương lái ở thôn buôn, trong xã tới mua cà phê xô mà tiền có thể trao ngay hoặc ghi nợ mà nông dân có thể lấy bất kỳ lúc nào mình muốn.

Trong khi nếu muốn bán cho sàn, đầu tiên phải làm ra cà phê đạt tiêu chuẩn Việt Nam – vốn khá rắc rối với nông dân, may ra đại lý cấp huyện trở lên mới đủ điều kiện phân loại cà phê. Sau đó nông dân phải chuyên chở tới sàn mà không ai cũng có phương tiện.

Hay nói khác hơn, bản chất của kiểu mua bán cũ là qua nhiều tầng nấc trung gian để đưa hạt cà phê từ nông dân tới nhà xuất khẩu hay chế biến. “Đột phá để phá vỡ một phần trong hệ thống mua bán cũ đã ăn sâu vào nông dân, đại lý không phải là điều dễ dàng vì mua bán kiểu cũ quá tiện lợi cho nông dân nhưng giá trị của hạt cà phê lại nằm rải rác qua nhiều khâu”, ông Hà tâm sự.

Doanh nghiệp lớn chưa muốn vào sàn

Thuyết phục nông dân đã khó thì thuyết phục doanh nghiệp chẳng dễ dàng gì. Tuy hiện nay mới chỉ có 14 doanh nghiệp đăng ký làm thành viên kinh doanh tại sàn nhưng trong số này lại thiếu vắng những doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu ở Buôn Ma Thuột như Simexco, Vinacafe Buôn Ma Thuột…

Điều này khá dễ lý giải bởi đây là những doanh nghiệp có mạng lưới thu mua cà phê đủ mạnh thông qua các đại lý của mình ở huyện, xã và họ cũng chẳng cần tham gia sàn dù thừa biết đây là phương thức mua bán hiện đại mà nhiều nước tiên tiến đã và đang áp dụng cho nông sản.

Thế nhưng khác với các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh cà phê thì cả 3 liên doanh chế biến cà phê nhân của nước ngoài có mặt tại Đắk Lắk là Công ty liên doanh Chế biến Cà phê Xuất khẩu MAN – Buôn Ma Thuột, Công ty TNHH Cà phê Hà Lan – Việt Nam (Nedcoffee) và Olam Dak Lak đều đăng lý làm thành viên của sàn ngay từ đầu.

Không thể trách nông dân hay doanh nghiệp, ông Hà cũng thừa nhận mô hình giao dịch của sàn quá mới mẻ ở Việt Nam và với chính đội ngũ nhân viên sàn, nên vừa làm học, vừa tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, lẫn góp ý của doanh nghiệp và nông dân.

Chẳng hạn khi mới ra đời, BCEC dự tính giao dịch mỗi lô (lot) là 5 tấn cà phê, nay còn xuống còn 1 tấn cho phù hợp với quy mô của nông dân, trước thì mỗi ngày chỉ mỗi phiên giao dịch buổi sáng, bây giờ tăng lên 2 phiên, có cả buổi chiều cho tiện lợi, rồi làm việc với ngân hàng ủy thác thanh toán tại sàn là Techcombank hỗ trợ vốn sau khi nông dân mang cà phê tới kho mà chưa bán được.

Xem thêm: Những bất cập ở sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tuyết Xuân

    Mấy doanh nghiệp nhà nước lớn đầu tàu ở Dak Lak họ không vào sàn là đúng thôi, dù sàn có thành công, có xôm tụ thì họ vào làm gì vì giữa họ và các chân rết có quyền lợi gắn chặt với nhau, mua bán qua sàn làm sao họ kiếm được “nhuận bút”, làm sao “gửi giá” được.

  2. Đức

    Bác Hồng Văn là chuyên gia đâm chọt.
    Sau hồi câu chuyện cà phê bị dân tình lên án giờ nhảy sang châm chọt sàn giao dịch.

    Chán bác này quá. Hãy viết những gì thực sự có ích.

  3. Minh Thư

    Tôi đọc bài viết này của bác Hồng văn,thấy bác viết như thế đúng như tình hình thực tế chứ có đâm chọt ai đâu mà bác Đức nhột vậy.Số tiền hơn 80 tỷ đâu phải là nhỏ ???? Khg lẻ bác Đức có người nhà hay chính bản thân bác đang ở trong guồng máy đó????

  4. Hữu Thắng

    Bạn Xuân có vẻ cũng am hiểu “nhuận bút” và “gửi giá” quá hen,hôm nào cho tôi xin thọ giáo bạn với hen.Thân chào

  5. Hanh Ha Noi

    Tôi thấy bài viết đúng không chỉ cho hạt cà phê ở Buôn Mê mà còn các loại nông sản khác như gạo, tiêu chè.

    Phải kiên nhẫn thôi.

  6. le@

    Chỉ là hiện tượng mà sao không là bản chất? cái cốt lõi là chiến lược tổ chức và kinh doanh, Trung tâm hình thành nên là có mục đích – có chiến lược ngay ban đầu, các chuyên gia đầu ngành về cà phê và các chuyên gia của Bộ Thương Mại ( nay là Bộ Công Thương) đâu phải là những người thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết hay thiếu nhiệt tâm đối với trung tâm? trách nhiệm thuộc về ai? xin đừng chủ quan phá vỡ quy luật vốn có của nó .
    Hãy xem thực tế cà phê An Giang đứng trong Trung tâm này kể từ khi Trung tâm khai trương đến nay thì họ đã thu vào bao nhiêu ngàn tấn cà phế? câu hỏi một phần nằm ở đây, ngay trong Trung tâm, vậy vì sao không học tập? và phải hỏi vì sao các doanh nghiệp lớn kinh doanh XK cà phê lại không đăng ký vào Trung tâm?
    Xin dừng kỳ vọng nhiều ở tất cả ngừoi nông dân trồng cà phê, bởi đừng bắt ai dó chưa biết đi mà phải chạy!
    Xin các huynh đệ cùng suy nghỉ và góp tiếng nói trung thực nhất để may mà Trung tâm có chuyển hướng mới tốt hơn.
    Đa tạ.

  7. Hanh Ha Noi

    Tôi nghĩ nhà tổ chức sàn giao dịch cà phê cần phải kiên nhẫn. Nên nhớ nhiều nước xung quanh ta như Trung Quốc, Thái Lan khi đưa sàn giao dịch nông sản vào hoạt động, họ cũng mất 5-7 năm đi vận động cho nông dân và doanh nghiệp thay đổi thói quen cũ, tập quán cũ.

  8. Hữu Thắng

    Theo tôi nghĩ đã gọi là tập quán thì không thể thay đổi hay xóa bỏ nó trong ngày một ngày hai.Với số tiền đầu tư hàng chục tỷ đồng cho sàn có lẻ một phần nào đó người ta chỉ thấy cái lợi trước mắt đó là “cha chung không ai khóc” và “tiền thầy bỏ túi” rồi từ từ hãy tính đến bước kế tiếp.
    Theo tôi được biết,ông Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột thừa nhận: “Người dân ở xa địa bàn của Trung tâm thì việc vận chuyển hàng hoá lên rất là khó khăn. Do đó chúng tôi cũng khuyến cáo rằng người nông dân nên hình thành các tổ, nhóm tại các khu phố của mình hoặc là tại thôn xóm của mình để mà tiết kiệm được chi phí”,xin thưa mỗi cây mỗi hoa ,mỗi nhà mỗi cảnh ,vậy thì ai đó có đủ kiên nhẫn để chờ đợi chứ nông dân như tụi tôi thì không có đủ kiên nhẫn đâu bạn Hanh Ha Noi ah.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81