Tin buồn

Trồng cao su tự phát ở Đắk Lắk: lợi bất cập hại !

Giá mủ cao su liên tục tăng trong những năm gần đây khiến người dân nhiều địa phương trong tỉnh đang ồ ạt lấn chiếm đất rừng, chặt bỏ cà phê, điều và nhiều diện tích cây trồng khác để chuyển sang trồng cao su.

Điều này đang gây ra những bất cập lớn không chỉ đối với ngành nông-lâm nghiệp tỉnh mà còn với chính những người nông dân.

Đua nhau trồng cao su

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Đắk Lắk: từ năm 2010 đến nay toàn tỉnh đã trồng mới trên 7000 ha cao su, nâng tổng diện tích cao su của tỉnh lên trên 33.000 ha, trong đó cao su đã cho khai thác trên 19.000 ha; tập trung tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo, Cư M’gar…

Cao su được đánh giá là loại cây trồng khó tính, đòi hỏi phải trồng ở những vùng đất cao, độ thoát nước tốt, và đặc biệt là phải phù hợp với điều kiện khí hậu của từng vùng. Tuy nhiên, do nhận thấy lợi nhuận kinh tế cao từ cây cao su, không ít người dân đang đổ xô trồng loại cây này khiến diện tích cao su Đắk Lắk tăng lên nhanh chóng.

Tại huyện Cư M’gar, với tổng diện tích cao su trên 8.100 ha thì có 68 ha mới trồng từ năm 2010 đến nay. Phần lớn diện tích mới này đều được người dân chuyển đổi từ các rẫy cà phê, điều và vườn cây ăn quả, tập trung trên diện tích lớn hàng chục ha tại các xã Ea H’Đing, Ea Kiết, Cư Suê… có hộ tự đứng ra trồng riêng 1-3 ha, nhiều gia đình ít vốn hơn thì lập thành nhóm 3-5 hộ có đất liền kề, cùng hỗ trợ nhau đầu tư trồng cao su tiểu điền.

Anh Hoàng Văn Sơn ở xã Ea H’Đing cho biết: “việc đầu tư chăm bón cho cây cà phê, điều rất vất vả mà năng suất thấp, giá cả trên thị trường lại bấp bênh; trong khi đó, để chăm sóc một vài ha cao su khá nhẹ nhàng, giá mủ luôn tăng cao. Chính vì vậy, gia đình tôi và nhiều hộ dân trong vùng đã chuyển đổi sang trồng cao su với mong muốn có lợi nhuận cao, ít rủi ro về sâu bệnh và thời tiết…” Hiện gia đình anh Sơn đang tham gia nhóm cùng với 3 hộ dân khác trồng mới được 15 ha cao su từ hơn 1 năm nay.

Tại huyện Buôn Đôn, người dân ở các xã Tân Hòa, Krông Na, Ea Nuôl, Ea Bar… cũng đang đổ xô đầu tư trồng mới nhiều diện tích cao su tiểu điền; đồng thời liên kết với các doanh nghiệp có Dự án trồng cao su trên địa bàn để thực hiện trồng quy mô lớn (doanh nghiệp đầu tư 100% vốn và công chăm sóc, người dân có đất liên kết được hưởng 20- 25% lợi nhuận từ sản phẩm mủ sau khi thu hoạch).

Anh Y Kil Niê, ở xã Ea Nuôl cho hay: gia đình anh có 4 ha cao su, trong đó có 2 ha mới trồng thêm. Nếu mỗi ha cao su kinh doanh thu từ 1,5- 2 tấn mủ/năm, với giá hiện nay khoảng 30.000 đồng/kg, thì hy vọng 5 năm nữa khi lứa cao su mới trồng đi vào thu hoạch ổn định, anh sẽ có thêm 100-120 triệu đồng lợi nhuận mỗi năm.

Vườn cao su trồng mới tại huyện Ea H’leo.
Vườn cao su trồng mới tại huyện Ea H’leo.

Lợi bất cập hại

Việc trồng cao su tự phát, mang tính phong trào như hiện nay đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, tiềm ẩn những nguy cơ đáng lo ngại. Bên cạnh việc phá rừng lấy đất để trồng các loại cây ngắn ngày, nhiều hộ có rẫy gần rừng cũng đang lấn chiếm đất rừng để trồng cao su.

Tại xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn), khi nghe thông tin về việc quy hoạch Dự án trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng trên địa bàn, do Công ty TNHH Sản xuất – Xuất nhập khẩu lương thực Bình Dương (địa chỉ tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) làm chủ đầu tư, người dân nơi đây đã đổ xô đưa các loại cây giống vào đất dự án để trồng “đón đền bù”, trong đó có cả những diện tích đất rừng chưa sử dụng cũng bị người dân chiếm dụng.

Nhiều diện tích rừng tại các huyện Ea H’leo, Ea Súp, Cư M’gar… cũng bị lấn chiếm và tàn phá để lấy đất canh tác loại cây này. Điều đó đang gây khó khăn cho các cơ quan chức năng, Chính quyền địa phương và nhất là những chủ rừng được giao bảo vệ, quản lý.

Bên cạnh đó, khi thành lập các dự án quy hoạch để trồng cao su, nhiều doanh nghiệp đã kêu gọi người dân địa phương góp thêm đất để liên kết trồng cao su, gây nên tình trạng tranh chấp về nguồn gốc đất giữa người dân với nhau; hoặc khi tham gia liên kết thì các doanh nghiệp trên không đủ điều kiện triển khai dự án nên đành bỏ dở…

Chính vì vậy, vừa qua UBND tỉnh đã ra thông báo dừng chủ trương đầu tư đối với 28 dự án trồng cao su tại các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo của các doanh nghiệp tham gia.

Thực trạng trên cũng đang gây ra nhiều áp lực đối với ngành nông nghiệp Đắk Lắk do việc người dân phá bỏ nhiều diện tích cây trồng lâu năm khác để trồng cao su tiểu điền không theo quy hoạch của ngành, của địa phương, không nghiên cứu đến yêu cầu phát triển của cây cao su, trồng cao su trên những vùng đất không phù hợp, tầng đất mỏng, độ dốc cao, độ lạnh, khô hạn lớn…

Ngay như vụ trồng mới năm nay (bắt đầu từ tháng 6), do khan hiếm cây giống nên nhiều hộ “vét” cả những loại cây không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để trồng, cộng với thiếu kỹ thuật trồng, chăm sóc nên cây kém phát triển, còi cọc. Còn những diện tích cao su mới trồng từ 4-4,5 năm, chưa đủ tuổi thu hoạch mủ nhưng một số bà con đã tiến hành khai thác, cạo mủ quá cường độ, cạo lặp, phạm, khiến tỷ lệ cây khô miệng cạo khá phổ biến.

Ông Cao Hùng Cường, Phó trưởng phòng Trồng trọt, thuộc Sở NN-PTNT tỉnh khuyến cáo: để việc trồng cao su đem lại hiệu quả cao, trước hết người dân cần nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác mủ hợp lý; tránh tình trạng trồng ồ ạt, thiếu sự quy hoạch mà phá bỏ những diện tích cây trồng khác đang cho lợi nhuận (bởi cây cao su từ lúc trồng đến khi khai thác mủ phải mất khoảng thời gian khá dài từ 5-6 năm); trong khi việc đầu tư chăm sóc khá tốn kém trong khoảng 4-6 năm đầu; chưa kể giá mủ cao su trên thị trường những năm gần đây có cao, nhưng biến động khó lường. Vì vậy bà con phải cân nhắc kỹ trước khi đầu tư vào loại cây này.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81