Tin buồn

Sàn hàng hóa ở Việt Nam: Chợ hay chiếu bạc?

Vài năm trở lại đây, nhiều sàn giao dịch hàng hóa được thành lập ở ViệtNam. Việc thành lập các sàn giao dịch hàng hóa được tiến hành ồ ạt, đa dạng về mặt hàng và trải dài khắp các vùng miền.

Đây là nỗ lực chung của các doanh nghiệp và các nhà chức trách trong việc gầy dựng thị trường giao dịch hàng hóa nguyên liệu thô tại Việt Nam.

sàn giao dịch hàng hóa
Nhà môi giới trên sàn giao dịch hàng hóa NYSE

Đầu cơ hay chiếu bạc?

Trước tiên, sàn giao dịch giúp “làm phẳng” các cơ hội trong nội địa.Vì khi có sàn thì sẽ có mức giá chung làm phong vũ biểu của thị trường. Người nông dân, nhà kỹ nghệ hay giới đầu cơ đều có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin của thị trường.

Sau đó, việc thành lập sàn giao dịch cũng là cơ hội để Việt Nam “làm phẳng” mình với phần còn lại của thế giới. Vì rằng, Việt Nam là đất nước xuất khẩu nguyên nhiên liệu thô với trữ lượng lớn nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo; nhất thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta và nhì thế giới trong xuất khẩu cà phê nói chung; cùng nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác như dầu mỏ, cao su, chè, tiêu, hạt điều…

Việc có sàn giao dịch hang hóa giúp xây dựng một chuẩn thống nhất về chất lượng, tạo dựng thương hiệu và giới thiệu các sản phẩm nông sản Việt Nam trực tiếp với thế giới.

Đấy là câu chuyện vĩ mô. Ở tầm vi mô, sự cố gắng thành lập sàn giao dịch cũng là do nhu cầu nội tại và thiết thực của các thành phần trongchuỗi cung ứng hàng hóa nguyên liệu thô trong cuộc tìm kiếm giá tối ưu.

Thật vậy, các doanh nghiệp kinh doanh nguyên liệu thô như cà phê, cao su, gạo, vàng, sắt thép, hạt điều… phải luôn theo dõi, tham chiếu giá, mua bán hoặc thậm chí hợp tác với các trung tâm giao dịch lớn trên thế giới để kết nối và tìm kiếm thêm cơ hội.

Trong thực tế, các sàn giao dịch hàng hóa ở Việt Nam hầu như chưa đạt được thành tựu đáng kể nào như mong đợi nhưng đã bắt đầu làm cho nhà quản lý phải lo ngại. Cụ thể như trường hợp phá sản của nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê hạt trong nhiều năm trở lại đây.

Từ rất lâu, cùng với việc xuất hiện các doanh nghiệp hoặc văn phòng đại diện của các công ty kinh doanh cà phê hạt nước ngoài tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành cà phê đã biết đến hợp đồng“futures” và các sàn giao dịch cà phê trên thế giới, chủ yếu là sàn LIFFE (London International Financial Futures and options Exchange) ở London giao dịch cà phê Robusta và sàn NYBOT (New York Board of Trade) ở New York giao dịch cà phê Arabica.

Ban đầu, các doanh nghiệp cà phê theo dõi giá và tiếp theo sau là học cách sử dụng hợp đồng “futures” để bảo hộ rủi ro giá. Nhưng với đòn bẩy tài chính của tiền ký quỹ bảo chứng, số tiền lời từ hợp đồng futures sau một đêm có thể bằng với lợi nhuận hàng tháng trời của họ. Điều này cuốn hút họ lao vào đầu cơ và rồi dẫn đến phá sản.

Hay như gần đây, Chính phủ ra quyết định đóng cửa toàn bộ các sàn vàng vào cuối tháng 3 năm 2010.

Lý do của sự sụp đổ các sàn vàng được khái quát hóa như sau: nhờ vào đòn bẩy đầu tư của mô hình ký quỹ, nhiều người lao vào thị trường hàng hóa mang tính đầu cơ, bài bạc; các nhà môi giới tìm kiếm huê hồng bằngcách cò mồi, lôi kéo khách hàng vào thị trường thiếu sự kiểm soát; nhiều người tham gia vào thị trường thiếu trang bị kiến thức về thị trường, về phòng ngừa rủi ro; nhà làm luật thì chưa dự liệu, xây dựng được một hệ thống luật đồng bộ để ngăn ngừa rủi ro của thị trường này.

Sàn vàng trở thành một chiếu bạc hợp pháp, nhiều nhà đầu tư trở thành con bạc hung hăng. Điều này thu hút nhiều nhà đầu cơ vàng lao vào sàn như con thiêu thân và phá sản vì nó.

Ông Nguyễn Quang Bình, một chuyên gia và có kinh nghiệm lâu năm trong quản lý rủi ro thị trường cà phê, cho nhận xét về những hạn chế trong việc sử dụng thị trường hàng hóa ở nước ta qua ba điểm chính.

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam chưa biết cách sử dụng công cụ tài chính “futures” trong việc bảo hộ giá hàng hóa.

Thứ hai, việc sử dụng hợp đồng “futures” hiện nay chủ yếu là đầu cơ. Việc quyết định mua hay bán chỉ do cảm tính, qua các nguồn thông tin và mang tính bầy đàn.

Thứ ba, do thiếu quản lý nên ai cũng có thể nhảy vào làm môi giới, làm broker của broker. Việc gia tăng các cấp môi giới làm tăng chi phí và giảm cơ hội cho người đầu tư tiếp xúc thật sự với thị trường. Đồng thời, các nhà môi giới này chỉ tập trung lôi kéo khách hàng mua bán để có số lượng chứ không quan tâm đến nhu cầu bảo hộ của khách hàng. Đó là hành động tiếp tay cho việc đầu cơ.

Nhìn chung, sàn giao dịch hàng hóa là nơi cung cấp các công cụ bảo hộ và tự thân nó cũng cuốn hút người ta lao vào đầu cơ. Nếu việc quản lý không hiệu quả thì sàn giao dịch hàng hóa sớm biến thành một chiếu bạc hợp pháp quy mô lớn và những hệ lụy của nó cũng không nhỏ.

Luật pháp và hướng quản lý

Quy định pháp luật về sàn giao dịch hàng hóa xuất hiện lần đầu tại Việt Nam ở Luật Thươngmại năm 2005. Luật này dành hẳn một mục“Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hang hóa” gồm 11 điều đề cập đến những vấn đề cơ bản liên quan đến mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch. Luật Thương mại quy định nhữnghợp đồng thực hiện qua Sở giao dịch bao gồm “hợp đồng kỳ hạn” và “hợp đồng quyền chọn” (điều 64) và khẳng định “Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa là hoạt động thương mại” (điều 63).

Sau hơn một năm, Chính phủ đã ban hànhNghị định số 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa. Nghị định này cũng liệt kê các cơ quan quản lý nhà nước về Sở giao dịch hàng hóa gồm: Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan nhà nước khác.

Trong đó, Bộ Công Thương giữ vai trò chủ đạo trong quản lý nhưng hướng quản lý cũng rất mở như ban hành văn bản pháp quy, cấp phép, chế tài trong trường hợp khẩn cấp, thanh tra, kiểm tra, xây dựng lộ trình phát triển và quản lý chung.

Luật Thương mại và nghị định hướng dẫn gọi tên Sàn giao dịch, nơi diễn ra các giao dịch hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn, là Sở giao dịch hàng hóa. Bộ trưởng Bộ Công Thương là người có thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép và điều lệ hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa.

Như vậy, theo như thông cáo báo chí thì Sở giao dịch hàng hóa Triệu Phong (TPE), nay đã đổi tên thành VNX thì phải, được cấp phép giao dịch cà phê, cao su, thép là Sở giao dịch hàng hóa đầu tiên ở Việt Nam theo đúng tinh thần của Luật Thương mại.

Vấn đề là: Trung tâm giao dịch cà phê BuônMa Thuột (BCEC) được thành lập tại Đắc Lắc vào năm 2006; các sàn giao dịch vàng tồn tạit ừ năm 2007 đến cuối tháng 3/2010; 3 sàn hàng hóa là sắt thép, đường và hạt điều được thành lập và quản lý bởi Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom-STE) từ cuối năm 2009; Sàn giao dịch lúa gạo của ViệtNam khai trương thử nghiệm nhân dịp Festival Lúa gạo tại Hậu Giang; Sàn giao dịch nông sản sắp được thành lập tại tỉnh Kiên Giang, … cũng thực hiện các giao dịch kỳ hạn nhưng không được gọi là Sở giao dịch hàng hóa.

Vì vậy, không rõ các sàn giao dịch kể trên hoạt động dựa trên cơ chế pháp lý nào?

Không chỉ có sự lúng túng trong việc định danh “sàn” hay “sở”, sự lúng túng trong việc gọi tên hợp đồng “futures” còn được ghi nhận ngay trên các văn bản luật hiện hành.

Cụ thể là Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành gọi hợp đồng này là hợp đồng kỳ hạn, Luật Chứng khoán gọi hợp đồng này là hợp đồng tương lai. Còn trong nhiều sách, báo, tài liệu nghiên cứu thì gọi hợp đồng này là hợp đồng giao sau.

Nguồn gốc của sự đa dạng tên gọi dành cho hợp đồng “futures” bắt nguồn từ giới nghiên cứu khi họ cố phân biệt hợp đồng này với hợp đồng “forward”. Vì từ trước khi ra đời của loại hợp đồng “futures”, trong tập quán thương mại lẫn tài liệu đều gọi hợp đồng “forward” là hợp đồng kỳ hạn. Khi các nhà nghiên cứu bắt đầu viết về hợp đồng“futures”, họ không biết nên sử dụng tên gọi nào cho đúng.

Tên gọi “hợp đồng kỳ hạn” nghe rất hay nhưng đã được dùng rồi. Do đó, đa phần các nhà nghiên cứu đều gọi nó là “hợp đồng giao sau”, một số ít hơn dùng “hợp đồng tương lai” và một nhóm rất ít dùng “hợp đồng kỳ hạn”.

Việc sử dụng tên gọi không đồng nhất ở cấp độ luật dễ gây ra lúng túng cho các thành phần kinh tế khi sử dụng. Đó là lý do mà bài viết này chỉ sử dụng thuật ngữ hợp đồng futures, hợp đồng forward thay vì phải sử dụng thuật ngữ tiếng Việt.

Thương mại hay tài chính?

Việc lần đầu tiên xuất hiện quy định pháp luật về “Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch” trong hệ thống luật Việt Nam đã là một bước tiến lớn. Nhưng, do đánh giá thấp những loại giao dịch này, các nhà làm luật chỉ xem “Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa là hoạt động thương mại”. Xuất phát từ quan điểm như vậy nên LuậtThương mại đã không quy định quá chặt chẽ loại hoạt động này.

Thực ra, hợp đồng futures và hợp đồng quyền chọn (option) được hầu hết các nước xem là những công cụ tài chính cao cấp và rủi ro cao. Các loại hợp đồng này tồn tại dựa trên cơ chế quản lý việc thanh toán bù trừ tài khoản ký quỹ của cơ quan thanh lý. Do đó, về thực chất, đây là một dạng thị trường vốn, thị trường tài chính. Chúng cần có một cơ quan quản lý có đủ chuyên môn, hoạt động thường trực để hoạch định chính sách và giám sát rủi ro; cần có các điều kiện và yêu cầu giám sát các công ty môi giới; cần thiết lập các biện pháp ngăn ngừa rủi ro cho nhà đầu tư tương tự như trường hợp của thị trường chứng khoán.

Do thiếu những yếu tố này, những thiệt hại của các nhà đầu tư sàn cà phê, sàn vàng không phải là điều quá ngạc nhiên. Việc đóng cửa các sàn vàng của Chính phủ là một quyết định can đảm, đúng đắn và cần thiết của nhà quản lý khi các định chế đi kèm chưa hề có.

Tránh cái họa tương tự cho những sàn hàng hóa mới thành lập và sẽ thành lập, các nhà làm luật và quản lý cần phải xem rằng đây là những quan hệ tài chính và cần có những biện pháp thắt chặt quản lý, đừng nghĩ rằng nó là cái chợ thương mại thông thường.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79