Sàn giao dịch hàng hóa nhập cuộc

Sự bùng nổ của các sàn giao dịch vàng, đi kèm với nó là khoảng trống pháp lý khi những quy định của cơ quan quản lý chưa ban hành kịp đang đẩy nhiều rủi ro về phía NĐT và kéo theo tình trạng lộn xộn trên thị trường. Nhìn rộng hơn, Việt Nam chưa có sàn giao dịch hàng hóa khác dù hiện rất nhiều NĐT quan tâm tới các mặt hàng như gạo, cà phê, ngô…

Ý tưởng thành lập một Sở giao dịch hàng hóa, trước mắt thí điểm cho mặt hàng cà phê đang được đẩy nhanh thực hiện.

Năm 2004, UBND tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng đề án thành lập sàn giao dịch cà phê với kinh phí ban đầu khoảng 17 tỷ đồng. Năm 2008, Chính phủ Pháp tài trợ 850.000 euro hỗ trợ hệ thống công nghệ cho sàn giao dịch này. Sàn được lập với sự bảo trợ của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), UBND tỉnh Đắk Lắk. Tham gia sàn có một số doanh nghiệp chịu trách nhiệm cho từng phần việc chính, chẳng hạn như Tập đoàn Cà phê Thái Hòa (chịu trách nhiệm về hàng hóa, kho bãi); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam – Techcombank (thanh toán); một doanh nghiệp cà phê trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (chịu trách nhiệm cấp chứng chỉ vào sàn)…

Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (tên gọi của sàn giao dịch) đã được khánh thành nhưng kỳ thực chỉ nhằm lấy ngày và chưa chính thức hoạt động. Nguyên nhân được các thành viên nêu ra là hệ thống công nghệ kỹ thuật vận hành chưa thông suốt, đồng thời tổ chức bộ máy của sàn cũng chưa có sự thống nhất giữa các đơn vị tham gia. Theo chủ trương mới của tỉnh Đắk Lắk, năm 2009 này Trung tâm sẽ được đưa vào hoạt động và theo mô hình công ty cổ phần (đơn vị nào tham gia sẽ góp vốn hoạt động) thay vì đơn vị hành chính sự nghiệp như trước kia.

Thực ra, giao dịch hàng hóa không phải là khái niệm mới tinh tại Việt Nam. Giao dịch bằng hợp đồng tương lai áp dụng với mặt hàng cà phê đã được Techcombank và Công ty Đầu tư xuất nhập khẩu Đắk Lắk (Inexim Đắk Lắk) triển khai từ vài năm nay. Khi tham gia giao dịch tại thị trường kỳ hạn cà phê London (lệnh đặt qua Techcombank, thông qua một nhà môi giới khác tại sàn London), DN sẽ thực hiện việc mua – bán cà phê trên thị trường quốc tế với mức giá được DN “ưng ý” nhất, còn hàng thì giao sau, thời điểm do hai bên thỏa thuận. Điều quan trọng là, tại thời điểm giao cà phê, giá lên hay xuống thì vẫn giao theo giá đã được “chốt” lệnh từ trước.

Khi chưa trực tiếp giao dịch tại thị trường kỳ hạn London, DN xuất khẩu cà phê phải chịu nhiều thua thiệt. Thông thường, chênh lệch giữa giá chào bán cà phê Việt Nam với giá giao dịch trên thị trường kỳ hạn London khá lớn, luôn ở mức trên 100USD/tấn. Nay nhờ giao dịch trực tiếp trên thị trường kỳ hạn London, DN không còn bị thua thiệt về chênh lệch giá như đã nói trên, thay vào đó DN chỉ phải chịu một khoản phí cho nhà môi giới (Techcombank), khoảng 3,5 USD/tấn.

Ngoài việc bảo hiểm rủi ro về giá, hình thức mua bán kỳ hạn này còn được nhiều công ty tham gia như một kênh đầu tư (mua bán các hợp đồng tương lai nhằm kiếm lợi từ chênh lệch giá) hoặc sử dụng hợp đồng tương lai như là một công cụ xác định giá của thị trường hàng thật… Ngoài cà phê, nhiều mặt hàng doanh nghiệp Việt Nam có thể giao dịch trên thị trường tương lai thông qua sàn như gạo, hạt tiêu, ngô, đồng, nhôm thiếc… Không chỉ Techcombank, một số ngân hàng như BIDV, Vietcombank cũng tạo kênh cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế, nhưng mức độ phổ cập vẫn còn hạn chế.

Một vướng mắc hiện được nhiều DN phản ánh là việc doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch quốc tế cần tuân theo những thủ tục nào cũng chưa thấy đề cập trong khung pháp lý của Việt Nam. Chẳng hạn, DN cà phê băn khoăn khi tham gia giao dịch kỳ hạn thị trường giao dịch cà phê London có phải xin phép cơ quan chức năng, hay mua bán trên các sàn quốc tế có đồng nghĩa với việc DN đầu tư vốn ra nước ngoài, bởi vì muốn tham gia thị trường kỳ hạn thì phải có tiền đặt cọc, tiền mua chỗ…

Tham gia trên các sàn quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam chỉ là các nhà đầu tư nhỏ về tiềm lực tài chính. Bên cạnh đó, khả năng phân tích, tập hợp thông tin về thị trường thế giới có hạn, vì thế không ít doanh nghiệp đầu tư kiểu hợp đồng tương lai đã thua lỗ nặng.

Một sân chơi tại Việt Nam, do doanh nghiệp và cơ quan quản lý Việt Nam đứng ra tổ chức, được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích lớn hơn, đồng thời tránh được tình trạng “chảy máu ngoại tệ” sang các sàn quốc tế. Nhìn ra khu vực, Thái Lan đã có sàn giao dịch gạo, Nhật Bản có sàn giao dịch cao su, Malaysia giao dịch dầu cọ, đậu nành…

______________
Theo DTCK

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81