“Thiên đường” không dành cho nông dân

Niên vụ cà phê 2007-2008, có lúc giá cà phê vượt ngưỡng 40.000 đồng/kg, mức cao nhất trong gần 15 năm qua. Vì vậy một số doanh nghiệp cà phê có “máu mặt” đưa ra ý tưởng: xây dựng một “thiên đường”, “thánh địa” cà phê toàn cầu tại Đắk Lắk .

Tuy nhiên, nhìn toàn cục, nếu có xây dựng được cái gọi là “thiên đường cà phê toàn cầu” đó thì nó cũng không dành cho nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt ra cà phê. Niên vụ cà phê 2007 – 2008, dù mức giá cà phê nhảy vọt, nhưng đây cũng là năm người trồng cà phê Tây Nguyên chịu cảnh thất bát. Chỉ riêng tỉnh Đăklăk đã tụt giảm hơn 100.000 tấn cà phê so với niên vụ trước.

Thêm vào đó, chi phí bình quân mỗi kg cà phê đã tăng lên xấp xỉ 25.000 đồng. Nhiều người đưa ra một phép so sánh: nếu năm 1994, mỗi kg cà phê tương đương với khoảng 15 kg gạo thì hiện nay chỉ còn chưa đến 4 kg gạo loại ngon. Với kiểu canh tác sử dụng quá nhiều chất kích thích vô cơ để tìm cách tăng “nóng” năng suất trên đơn vị diện tích, hiện người dân đang canh tác cà phê theo kiểu bóc lột đất và vắt kiệt sức của cây cà phê.

Giá cà phê cao hay thấp là do thị trường điều phối giữa cung và cầu. Năm nay do mất mùa, “cầu” vượt “cung” nên giá cà phê tăng vọt, nhưng không ai chắc được giá cà phê luôn ở mức cao. Tuy nhiên, khi giá cà phê tăng cao thì hầu hết người trồng cà phê không được hưởng lợi, bởi trước đó họ đã phải bán cà phê non, cà phê giá rẻ để trả nợ và đầu tư cho vụ cà phê mới.

Với thực tế hiện nay, việc thực hiện ý tưởng xây dựng “thiên đường” hay “thánh địa” cà phê toàn cầu là điều cần nghĩ ngợi. Hoặc nếu cố ép để làm thì cái “thiên đường” đó cũng không phải dành cho người trồng cà phê.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81