Chư Sê: Tiêu lại chết hàng loạt

Từ khoảng trung tuần tháng 7 đến nay, hàng chục hộ dân ở làng Roh Lớn (xã Al Bá, huyện Chư Sê) và nhiều hộ khác ở các xã: Ia Pal, Bờ Ngoong, Kông Htôk phải sống trong cảnh mất ăn, mất ngủ vì tiêu chết hàng loạt. Hộ ít thì dăm bảy chục trụ, hộ nhiều có đến hàng ngàn trụ.

Anh Kpuih Nhac (làng Roh Lớn, xã Al Bá) bên trụ tiêu vừa phát bệnh. Ảnh: Lê Hòa

Dẫn chúng tôi thăm vườn tiêu 300 trụ không còn lấy một cây, anh Kpuih Nhac (làng Roh Lớn, xã Al Bá) ngậm ngùi: “Chưa bao giờ tiêu chết nhiều như năm nay. Nhà mình chỉ có 300 trụ nhưng đã bị chết gần hết, vài trụ thưa thớt còn lại lá cũng đang thi nhau úa vàng, thối rễ, thối thân. Chẳng bao lâu nữa cũng sẽ chết cả thôi”. Khi hỏi anh “Không cứu tiêu à?”, anh lắc đầu ngao ngán: Vô ích! Không còn kịp nữa rồi! Năm ngoái còn thu được 1 tạ tiêu chứ năm nay không mong được cân nào. Đói là cái chắc!”.

Cùng tình cảnh lao đao vì tiêu chết như anh Nhac, anh Nguyễn Minh Nhánh ở cùng làng còn xót xa hơn: “Vườn nhà tôi có tổng cộng 700 trụ tiêu, 300 trụ đã chết còn trơ trụ gỗ. Chưa kể chúng tôi đã “đổ” vào đó 6 triệu đồng tiền thuốc mà tiêu chết vẫn cứ chết! 300 cây này chủ yếu rơi vào diện tích mà gia đình mới phá cà phê để trồng”.

Thiệt hại nặng nhất là hộ gia đình ông Trần Xuân Thọ (cũng ở làng Roh Lớn) có hơn 2.000 trụ tiêu thì có đến gần 1.000 trụ bị chết. Nhà ông Vũ Văn Thìn có 1.000 trụ, bị chết gần 600 trụ, hay nhà bà Trần Thị Lành (làng Roh Nhỏ, xã Al Bá) có trên 1.000 trụ thì chết mất vài trăm trụ… Đa số trụ tiêu bị chết đều rơi vào độ tuổi chuẩn bị cho thu hoạch bói hoặc mới thu hoạch một vài năm. Điều này khiến cho người trồng tiêu ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Tiêu chết, không chỉ mất đi nguồn thu, mà bao nhiêu vốn liếng, công sức của bà con nông dân cũng đổ sông, đổ biển, thậm chí nhiều hộ vốn ít còn còng lưng vì nợ vốn, phân bón đầu tư…

Theo lời những chủ vườn thì tốc độ chết của mỗi trụ tiêu chỉ kéo dài trong vòng 1 tuần. Dấu hiệu mắc bệnh ban đầu là tiêu bị vàng úa lá, sau đó thấy rễ và thân thối đen và cả trụ tiêu rụng sạch lá, quả, còn trơ lại thân bám trên trụ. Một số hộ may mắn phát bệnh sau nên cảnh giác và đổ thuốc sớm. Số “dính” bệnh sớm hầu hết đành bó tay trước sự chết hàng loạt của tiêu. Những hộ “dính” bệnh nặng, dù lặn lội tìm cả kỹ sư nông nghiệp về tư vấn, chữa trị song tiêu bệnh vẫn không thoát khỏi chết.

Cũng theo các hộ này, đây cũng không phải là năm đầu tiên xuất hiện bệnh, tuy nhiên, chết hàng loạt như hiện nay thì chỉ năm nay mới thấy. Điều lạ là, dù bệnh dịch xảy ra cách đây khá lâu, song ngành chức năng và chính quyền địa phương gần như chưa có động thái gì đáng kể để hỗ trợ nông dân trồng tiêu khắc phục.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ riêng tiêu ở Ablă, Ia Pal mà còn một số khu vực lân cận khác như Kông HTốk, Bờ Ngoong cũng xuất hiện rải rác hiện tượng này nhưng với mức độ ít nghiêm trọng hơn. Thiệt hại của người dân đã quá rõ, nhưng nhìn cách cứu vãn của họ bằng cách chạy đi tìm “thầy” hết nơi này đến nơi khác trị bệnh cho tiêu quả thực xót lòng!

Thông tin từ Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh cho biết, ngay từ khi nắm được thông tin Chi cục đã cử cán bộ xuống các địa phương có tiêu chết để tìm hiểu nguyên nhân nhưng đến nay vẫn chưa xác định được bệnh. Hơn nữa, từ đầu năm Chi cục cũng đã hướng dẫn bà con quy trình chăm sóc, phòng ngừa bệnh.

Lê Hòa- Ngọc Vũ

Theo  báo Gia Lai

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. trung_tin_727

    Có thể năm nay mưa quá nhiều nên bệnh hại bùng phát thành dịch chăng? Không chỉ bị vàng lá rồi rụng đâu nha, vườn nhà em còn bị rụng đốt nữa đó, rụng trụi từ ngọn trở xuống. Năm nay được giá mà bệnh hại như vầy thì vẫn chưa ăn thua rồi. Đầu năm thì hạn hán nặng, giữa năm thì mưa quá chừng, sao làm nông khổ quá vậy nè.

  2. cafe vũng tàu

    Tình trạng này giống hệt như tình trạng mà huyện Châu Đức Tỉnh BR-VT cách đây vài năm mắc phải. Tiêu đang trong thời kì thu hoạch chẳng thể sống nối, đổ thuốc vào cũng vậy thôi. Tiêu mà vừa mới đôn xong thì có lẽ sẽ vượt qua được. Bà con, nhà ai còn nhiều thì nên đào thêm mương thoát nước kết hợp thêm bón vôi, như vậy có thể cải thiện được tình hình đấy. Còn nguyên nhân của bệnh tiêu chết nhanh này chủ yếu do mưa quá nhiều, hệ thống chống ngập úng chưa thật sự chất lượng…

  3. chuotdong

    Bệnh chết nhanh ở cây tiêu khi bùng phát rất khó chữa nếu ko phòng bệnh đầu mùa. Tui năm nay dính 8 cây như thế, phát hiện kịp thời phun và đổ gốc AGRI-FOS400 kết hợp jzomil 720WP, 10 ngày phun 1 lần, 2 lần lặp lại, chỉ chết 2 cây ko chữa trị do chủ ý để rút kinh nghiệm và xem thuốc có tác dụng đến mức nào. Mình xin nói thêm, đứa em mình bị 1 cây mùa vừa rồi thu hoạch ko dưới 15 kg tiêu khô nay nặng đến nỗi bông và lá rụng gần hết, khi tui phun liền kết hợp phun dùm, có lẽ sống sót vì nay còn lại nhành lá nào là ko thấy héo rũ nữa. Mấy ngày qua đến định kỳ phun lần 3 mà mưa dữ quá, ngày mai có lẽ phun được rồi.
    Khi phun nhớ phun phòng những cây chưa bị chứ ko phải điều trị cây đã bị là xong các bạn nhé.

    1. Nông Văn Dân

      Chà giỏi trị bệnh chết nhanh ở cây tiêu, ấy thế mà vừa rồi chuotdong chẳng vào Eahu, Cư Kuin tư vấn giùm, chứ ở đó nhà vườn bị bệnh chết nhanh hoành hành có gia đình sạch vườn luôn. Nếu dễ như chuotdong nói thì chắc người dân EaHu không khốn đốn, chính mắt Văn Dân thấy họ phun và đổ gốc AGRI-FOS400 kết hợp jzomil 720WP ngay từ khi mới phát hiện ấy thế mà hàng ngày số tiêu chết vẫn tăng lên .

  4. Lê Định

    Chào cô chuột đồng. Có lẽ cô chưa hiểu lắm về bệnh chết nhanh của cây tiêu cô nhỉ, bệnh mà vườn tiêu nhà cô gặp chỉ là bệnh bình thường, như rệp sáp hoặc một vài loại nấm đơn giản thôi, chứ gặp phải bệnh chết nhanh ở cây tiêu thì hiện nay chưa có một loại thuốc nào chữa được, các nhà nghiên cứu khoa học kĩ thuật nông lâm nghiệp hàng đầu của Tây Nguyên, Việt Nam và Thế Giới cũng chưa tìm được phương pháp chữa trị hữu hiệu nữa, vậy mà cô nói có thể chữa được.
    Tôi nghĩ có lẽ cô nên đề nghị xin một chân vào làm nhà khoa học kĩ thuật viện EaK’Mat đi cô chuột đồng ạ. Lần sau hy vọng rằng cô hãy tìm hiểu kĩ rồi lại viết kẻo người khác lại tưởng nhầm đi chữa lung tung tốn tiền họ cô nhé!

  5. Đào văn xới

    Bạn Định nói đúng. Chuột đồng chỉ được cái giỏi nổ thôi, lúc nào lên mạng cũng chỉ thấy khoe minh giàu có và tài giỏi cả

    1. Bù Na

      Kể ra làm ăn khá giả như cô chuotdong thì mới mạnh miệng được chớ bạn. Làm mãi mà vẫn không khá như nhà tui thì đâu dám nói gì.

  6. Bốn Cà

    Bệnh chết nhanh chỉ phòng trừ thôi, khi đã bị thì bó tay, vô phương cứu chữa. Nhà tôi có 700 nọc mùa mưa năm 2009 chết chỉ còn 4 nọc vẫn tươi tốt mặc dù năm rồi tôi không bón phân, nước chỉ tưới theo với cà phê con mới trồng thôi, vậy vụ rồi tôi thu được 53 kg hạt tiêu khô. Hỏi bà con nào có kinh nghiệm giải thích dùm để tôi được học hỏi để trồng lại rẫy khác. Hiện giờ nhà tôi còn gần 700 trụ cây căm xe đã nhỗ và dìm xuống ao định năm nay trồng nhưng vẫn chưa an tâm vì vậy vẫn còn để dưới ao.

  7. quockhang

    Sao bạn Bốn Cà lại có nhiều cái như mình thế, mình có 500 trụ chết 300 cách đây 3 năm mình cũng đem bỏ xuống ao nhưng năm nay đã lôi lên trồng và tiêu cũng bò được 60 cm rồi, chẳng biết nó có chết nữa không buồn quá bạn ơi. Bạn yên tâm đi trụ tốt thì không hề mục đâu

  8. chuotdong

    Chữa được 6 cây tiêu mà khoe hả bạn xới, óc bạn có làm sao ko? Tui nghĩ bệnh trên tiêu của tui chính xác chết nhanh rồi. Nếu ko là bệnh ấy sao chậm vài ngày trở tay ko kịp khi tiêu thoát nước, lại trồng trên sườn đồi. Hôm qua phun thuốc lại phát hiện tiếp thêm 1 cây héo rũ và đổ lá, bông, đốt… đầy gốc như các cây cũ nữa.Có lẽ đầu mùa mưa mình đã phòng nên bị bệnh điều trị hiệu quả hơn chăng? Mình đã làm và thấy tốt nên nói vô tư vậy thôi chứ nào có khoe khoang như bạn nghĩ. Mình mua và tìm hiểu qua sách: CÁCH PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH TIÊU CHẾT NHANH để làm theo và rất nhiều người cũng đã làm bạn ạ.
    Văn Dân chưa kể thêm nhiều vườn tiêu bị chết trụi ở xã mình đâu. Xóm Đảo đội 40 nhà ai ở thấp đợt mưa vừa rồi chết sạch chỉ vài ngày nhưng chắc gì là bệnh chết nhanh mà phun thuốc. Ông Bách CT xã ngày xưa là một trong vô kể gia đình như Văn Dân nói đó.

  9. trung_tin_727

    Agri-fos400 là loại thuốc đặc trị bệnh chết nhanh như nhiều trang web đã quảng cáo. Người ta đã áp dụng trên hầu hết các khu vực trồng tiêu như Châu Đức của Bà Rịa-Vũng Tàu, Chư Sê của Gia Lai, Cẩm Mỹ của Đồng Nai… cho kết quả rất tốt. Thuốc chặn đứng bệnh và giúp cây xanh tốt trở lại đó. Nhưng đó là người ta đưa tin thế, còn theo em thì không hoàn toàn là vậy, nếu được thế thì sao người ta phai bó tay chịu trận, điển hình như em chẳng hạn.
    Bác Bốn Cà ở đâu vậy, 700 trụ căm xe đó bác không xài thì bán lại cho em đi, nếu trụ tốt và được giá thì em lấy.
    Mà cô chuotdong ơi, dàn cây hông cô mới cấy giờ lớn tới đâu rồi cô, được 2m chưa? Cô đã cấy tiêu vào chưa? Cô rút được kinh nghiệm gì thì chỉ cháu với nhé !

  10. HUY

    nguyên tố sinh trưởng của cây tiêu áp dụng từ ông bố tôi trồng tiêu trên 20 năm gắn bó
    -có ai bết vì sao ngày xửa ngày xưa con người sống lâu không, (suy nghĩ kỹ là hiểu liền)
    -cây tiêu cũng như con người, phải để nó tự nhiên, họ thân leo ăn bám ở rừng, chỉ có thể sống ở vùng đất không bị úng thủy, thoát nước nhanh, và đặc biệt rễ tiêu rất ít ở dưới đất, chủ yếu là bám, cho nên phải tập trung thoát nước tốt, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ là đa số, vô cơ hạn chế, xịt phân bón lá ở dạng dễ tiêu, đầy đủ trung vi lượng.
    -nếu trồng tập trung thì thay vì đào hố trong gốc thì ngược lại đào ở bên hông hoặc là chắn tư để thoát nước, cào lá khô xuống và thoát nước tốt, mùa khô tưới tập trung một cách bình thường, tưới nhiều lần, (không áp dụng những nơi thiếu nước, hoặc úng thủy)
    -thế thôi, còn lại càng để tự nhiên càng tốt, không cần quan tâm nhiều, càng quan tâm càng làm cho cây tiêu bị chết, (không áp dụng cho người biết kỹ thuật cao)
    Kính chúc bà con một mùa zui zẻ.

    1. hung gia lai

      Bạn Huy nói rất đúng cứ phải là tự nhiên. Bón phân vi sinh, hữu cơ hoai mục. Còn phân hóa học nên hòa tan với nước rồi tưới là tốt nhất.

  11. DinhNhi

    Bệnh chết nhanh chỉ có cách đề phòng thôi … (ví dụ như chống úng, không cào xới vào gốc, dọn vệ sinh cành gốc cho thông thoáng …) chứ còn nếu đã bị là chết chắc (“trời kêu ai nấy dạ”), thấy tiêu chết trị bệnh chỉ có tiền vô túi mấy ông bán thuốc.
    Có vậy nên tiêu mới có giá cao chứ không bị bệnh này chắc giá tiêu rẻ lắm. Nhiều người trước đây trồng tiêu rất nhiều nhưng cũng vì bệnh này mà phải nhổ hết nọc đem bán … Nói vậy chứ không phải vì bệnh này là không dám trồng, vẫn cứ trồng lại … Lại phải đề phòng bệnh hơn !

  12. thienhathuy

    Tôi có vườn tiêu gần một ngàn trụ hàng năm thu hoạch cũng khá, vậy mà chỉ từ đầu tháng 10/2011 đến nay, vườn tiêu đã chết 1/3. Xót ruột quá, đứng nhìn cây tiêu héo lá, rụng quả, tháo đốt rồi chết, không có cách nào ngăn lại được sao hả các bác. Lần đầu tiên tôi tham gia diễn đàn này, các bác chỉ giáo với. Tôi đã đổ thuốc 3 lần cách nhau 7 ngày một lần theo hướng dần mà không đỡ. Các bác chỉ giùm với.

  13. tieuphong

    Chào bạn thienhathuy, bạn phải cho mọi người biết tiêu của bạn chết như thế nào (thật chi tiết). Cổ rễ có bị xì mủ không? Thử đào gốc lên xem có bị rệp sáp hay tuyến trùng và bạn đã sử dụng thuốc gì? Tôi thấy diển đàn này có nhiều người rất giỏi, cầu mong cho bạn gặp được bạn tốt giúp bạn. Chào thân ái.

  14. levan

    Tôi nghĩ tiêu bị bệnh chết hàng loạt đã xảy ra từ lâu rồi. Ai có điều kiện và còn ham mê trồng tiêu thì cứ làm, trong cái khó sẽ ló cái khôn, đừng nên bi quan bỏ cuộc, cũng như đồng bằng sông Cửu long phải chấp nhận chung sống với lũ thôi bà con ạ.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

91