Tin buồn

“Vua Bơ” Trịnh Xuân Mười và giấc mơ vươn ra biển lớn

Sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo xã Diễn Lợi (Diễn Châu – Nghệ An), năm 1990 lúc mới 16 tuổi, anh quyết định “trốn” gia đình ra đi, với hai bàn tay trắng không có tiền đi xe phải “hành khất thiên hạ, kiếm cơm ăn” nhưng cuối cùng anh cũng vào tới Đắk Lắk.

"Vua Bơ" - Trịnh Xuân Mười
“Vua Bơ” – Trịnh Xuân Mười

Ban đầu mới vào vùng quê Tây Nguyên không có mảnh đất cắm dùi, anh phải làm thuê kiếm sống qua ngày.

Đến năm 1995, anh quyết định lấy vợ, sau một thời gian dài vất vả giờ đây chàng thanh niên Trịnh Xuân Mười (SN 1974, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) đã trở thành ông chủ một thương hiệu lớn: “Công ty Mười Bơ Tây Nguyên”.

Mặc dù rất bận rộn trong việc giới thiệu các loại giống bơ cho bà con nông dân, anh Mười vẫn tranh thủ tiếp chúng tôi. Anh kể: Năm 2002 là thời điểm người trồng cà phê ở Tây Nguyên lao đao vì rớt giá, có gia đình phải bán tống bán tháo nương rẫy chuyển đi nơi khác kiếm sống.

vườn bơ anh Trịnh Xuân Mười
Ông Nguyễn Văn Lạng – Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (áo đen) thăm vườn bơ anh Trịnh Xuân Mười

Chính lúc khó khăn nhất, ngân hàng lại khoanh nợ cho người vay, lúc đó có một gia đình chán nản muốn bán 1,3 ha cà phê tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) với giá 55 triệu đồng. Vợ chồng tôi quyết định vay mượn bà con họ hàng mua lại mảnh đất này, cùng gia đình người bán đất làm giấy trả trước cho ngân hàng 12 triệu đồng dành dụm được, số nợ còn lại trả dần.

Đến năm 2004 với bản tính cần cù, chăm lam chăm làm không nề hà công việc khó khăn khi trả xong được nợ ngân hàng, anh nghĩ ra một cách mà chính những người ở quê hương của Bơ không nghĩ ra, cà phê chắc chắn phụ thuộc vào việc xuất khẩu, giá cả lại thất thường, nhưng với trái bơ lúc nào cũng có giá, vốn đầu tư lại không nhiều, vừa sức.

Nghĩ là làm, vợ chồng anh bắt đầu tính chuyện trồng bơ, nhưng phải là loại bơ có giá trị kinh tế cao.

Những lần đi thu mua bơ, anh Mười bất ngờ phát hiện có một cây bơ trái to, cơm vàng, da mỏng, sai trái của gia đình bà Lý ở huyện Cư Kuin, anh liền nghĩ đến chuyện nhân giống bằng cách ghép cành.

Nhưng ghép thế nào cho hiệu quả là một vấn đề hết sức nan giải, trong lúc chưa biết phải làm sao thì tình cờ anh ghi được số điện thoại của Giáo sư Nguyễn Lân Hùng qua chương trình tư vấn cho nhà nông trên sóng VTV. Sau nhiều lần cầm máy điện thoại lên rồi lại đặt xuống nhưng cuối cùng anh “đánh liều” gọi cho Giáo sư để hỏi về hiệu quả và kỹ thuật ghép giống bơ, và được Giáo sư Hùng nhiệt tình hướng dẫn, cây bơ có tính tạp giao rất mạnh nên với bơ, phù hợp nhất là cách ghép giống.

Anh Mười nói, “Sau lần đó, tôi tìm đến Viện Nghiên cứu giống cây trồng Ea Kmát để hỏi về kỹ thuật ghép, một người trong Viện nhìn tôi trả lời “Bơ gì? Không thấy mọi người đang đổ cho heo ăn à…, ghép sao được mà ghép!”.

Không từ bỏ ý định, anh quay về nhà tìm kiếm tài liệu, mày mò ghép thử, nhưng ghép đi ghép lại cả chục lần vẫn không thành…. Với mơ ước chuyển được giống bơ cao sản về vườn nhà đã thôi thúc anh không bỏ cuộc.

Nhờ việc theo dõi điều các lần ghép trước, anh tự rút ra kết luận chỉ có cách ghép mắt, chồi của cây bơ quả ngon lên gốc bơ ươm bằng hạt, cuối cùng thì anh đã ghép thành công.

Năm 2006, vườn bơ nhà anh đã cho lứa quả đầu tiên, anh mừng vì cây nhỏ nhưng nhiều trái, trái to, cơm vàng, vỏ mỏng, thơm ngon…

Giờ đây, với 150 cây của 4 loại giống bơ do chính anh đặt tên (bơ Trịnh Mười, bơ cơm vàng hạt lép, bơ tứ quý và bơ Thái Lan), hàng năm ngoài thu từ tiền bán bơ trái (khoảng 400 triệu), anh còn thu về khoảng 2 tỷ đồng từ việc bán cây giống. “150 cây bơ ghép của tôi, hàng năm cho thu khoảng 30 vạn chồi, để bảo đảm cho cây sinh trưởng, tôi chỉ lấy khoảng dưới 10 vạn, riêng đầu mùa năm nay, tôi bán được khoảng 4 vạn cây giống, trung bình 40 ngàn/cây thu về được 1,6 tỷ đồng rồi”- anh Mười cho biết.

GS Nguyễn Lân Hùng
GS Nguyễn Lân Hùng tới thăm vườn bơ của anh Mười.

Theo anh Mười, để có cây giống khỏe đảm bảo chất lượng, đòi hỏi người ghép phải có kinh nghiệm, cành ghép phải được khử trùng; chồi ghép phải đủ tuổi (từ 3 đến 4 tháng); khi ghép xong phải chờ 2 tháng sau mới trồng được…

Theo tính toán của anh, một hécta chỉ cần vốn đầu tư ban đầu khoảng 15 triệu đồng để trồng 204 cây bơ ghép, hiện anh đang đầu tư mở rộng thêm vài chục hecta trồng bơ ghép tại các tỉnh như Đắk Nông và Quảng Trị.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nhắc đến Mười bơ không một ai không biết một doanh nhân thành đạt đi lên từ những khó khăn nhất của đời thường, làm giàu từ những việc xung quanh mình mà ít người nghĩ tới. Thương hiệu “Mười Bơ” đã được xuất khẩu ra hàng chục nước trên thế giới.

“Tôi muốn một ngày không xa, bơ của tôi trồng sẽ có mặt ở khắp các thị trường nổi tiếng nhất của thế giới”, Mười Bơ cười giòn tan nói trước khi chúng tôi chia tay nhau.

Tháng 5/2010, nhãn hiệu Bơ Trịnh Mười đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận tại Quyết định số 22987.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cafe Vối

    Năm 90 rời quê nghèo mới 16 tuổi để lang thang kiếm sống. Năm 2002 mua rẫy 15 cây vàng, giỏi, đáng khen. Cần học tập.
    Đi làm cho Cty, các KCN đến bao giờ mới có được số vốn này?

  2. Agri-Envi

    ‘Thương hiệu “Mười Bơ” đã được xuất khẩu ra hàng chục nước trên thế giới.’ Câu này ý nghĩa thế nào nhỉ? nếu là xuất bơ trái thì hơi ngạc nhiên vì bơ bảo quản rất khó, hiện ở VN chưa xuất khẩu được. Nhà báo hình như thổi phồng hơi quá.
    Hiện nay ở Tây Nguyên đang phát triển diện tích bơ rất mạnh. Nếu không có hướng xuất khẩu hay làm mỹ phẩm thì không hiểu 5 năm tới bơ sẽ dùng để làm gì.

  3. bin

    Theo như nhưng gì đã đọc tôi thấy đây là một cách đi mới, anh Mười xứng đáng với những gì mình nỗ lực bấy lâu. Đây là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

  4. Thuocdang

    Mười Bơ quá khoác lác, Nhà báo khoác lác hơn. Hai người đang lòe bịp nông dân.
    Nguyên nhân cái Quyết định số 22987 của Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu BƠ TRỊNH MƯỜI là TRÁI BƠ chứ không phải GIỐNG BƠ.
    Để có một giống bơ trồng trên nhiều địa phương thì giống đó phải được khảo nghiệm, trình diễn trên nhiều địa phương với nhiều điều kiện khí hậu đất đai khác nhau. Sau khi có kết luận của Sở KHCN, Sở NN&PTNT thì mới được công nhận vườn cây đầu dòng để sản xuất giống. Một cây bơ tốt tại BMT chưa hẳn tốt ở địa phương khác và ngược lại cây tốt ở địa phương khác khi về BMT có thể kém chất lượng. Giống tốt cần phải có kết quả khảo nghiệm chính xác.
    Mong bà con hãy cẩn thận khi đầu tư trồng cây bơ của Mười Bơ. Năm ăn , năm thua đó.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82