Tin buồn

G20 cam kết hơn 1 nghìn tỷ USD ngăn khủng hoảng

Số tiền dành cho Quỹ tiền tệ quốc tế lên tới 750 tỷ USD. G20 còn đưa ra một loạt biện pháp quản lý thị trường tài chính, quỹ đầu cơ chặt chẽ hơn.

Tăng gấp ba tiền cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)

Nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn trên thế giới đã thống nhất với nhau về một số biện pháp ngăn tác hại của cuộc khủng hoảng tài chính tệ hại nhất trong 6 thập kỷ và cam kết dành khoảng 1 nghìn tỷ USD để giúp kinh tế hồi phục.

G20

Nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại London kêu gọi áp dụng chế tài chặt chẽ hơn đối với quỹ đầu cơ, lương thưởng của bộ phần điều hành, các công ty xếp hạng tín dụng và những hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro của các ngân hàng.

G20 cam kết tăng gấp ba lần tiền hỗ trợ dành cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và dành một lượng tiền mặt để hồi sinh hoạt động thương mại nhằm chặn bớt làn sóng thất nghiệp đang dâng cao.

Tuy nhiên đại diện các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới né tránh câu hỏi về khả năng đưa ra thêm kế hoạch tài chính cho nền kinh tế.

Việc một số biện pháp mới được đưa ra đã khiến thị trường chứng khoán các nước tăng điểm. Phiên giao dịch ngày 02/04, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng vượt mức 8.000 điểm lần đầu tiên từ ngày 10/02/2009 và sau đó đóng cửa ở mức 7.978,08 điểm, tăng 2,8% trong phiên.

Thành lập ban ổn định tài chính
Dù nhà lãnh đạo các nền kinh tế cho biết họ sẽ vẫn nắm quyền kiểm soát thị trường của nước họ hơn là dành quyền đó cho một cơ quan điều phối liên biên giới, họ vẫn đưa ra một chương trình hợp tác mới đã bắt đầu được nhen nhóm từ Hội nghị thượng đỉnh lần gần nhất tại Washington.

Giáo sư kinh tế học thuộc đại học Colombia và đồng thời là kinh tế gia từng đạt giải Nobel nhận xét đây là một bước tiến mới quan trọng.

Một ban ổn định tài chính sẽ được thành lập để giúp người đứng đầu các thị trường tài chính hợp tác với nhau và kết hợp với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để đưa ra các cảnh báo sớm về rủi ro. Một khi ngành tài chính hồi phục, ban này sẽ đưa ra một số quy định chặt chẽ hơn trong đó có việc buộc các ngân hàng dự phòng thêm tiền trong thời kỳ kinh doanh thuận lợi.

Quỹ đầu cơ (hedge fund)
G20 thống nhất các quỹ đầu cơ mang tầm quan trọng về hệ thống sẽ chịu sự quản lý chặt chẽ hơn. Các công cụ và thị trường tài chính cũng chịu sự giám sát chặt chẽ hơn. Điều này có thể khiến Pháp và Đức không mấy hài lòng bởi họ muốn quản lý sát sao tất cả các loại hình quỹ đầu tư.

G20 sẽ đưa ra một số quy định mới về tiền lương và thưởng đối với bộ phận điều hành để ngăn bộ phận điều hành vì quyền lợi ngắn hạn mà đánh đổi tương lai dài hạn của công ty. Cơ quan phụ trách luật kế toán cũng sẽ phải đưa cách định giá tốt hơn, cơ quan xếp hạng tín dụng sẽ phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Thuế
G20 cho biết sẽ áp dụng trừng phạt đối với những nước không chịu cung cấp đủ thông tin. G20 có bất đồng về việc liệu Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có công bố bản danh sách những nước đó hay không. Cuối cùng, các nước đã thống nhất sẽ công bố bản danh sách.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao
Rất nhiều công ty, tập đòan lớn, từ hãng xe ô tô Renault SA của Pháp cho đến IBM của Mỹ đều đã sa thải mạnh nhân công. OECD dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng -2,7% trong năm 2009, thương mại giảm 13% và số lượng người thất nghiệp trong nhóm G7 sẽ lên mức 36 triệu người vào cuối năm 2010. Hôm nay, báo cáo về tình hình việc làm Mỹ sẽ cho thấy số lượng người Mỹ thất nghiệp hiện đứng ở mức cao nhất trong 25 năm.

Nhóm 20 nước thuộc G20 bao gồm Achentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Indonexia, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Mêhicô, Nga, Arập Saudi, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu. Ngoài ra hội nghị còn có sự tham dự của đại diện đến từ Tây Ban Nha và Phần Lan. Hội nghị tiếp theo sẽ diễn ra tại New York vào tháng 9/2009.

___________

THỊNH’C
Theo Bloomberg/ CafeF

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80