Còn thứ gì mất nữa!

Sau nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre…, nay đến lượt cà phê Buôn Ma Thuột bị thiên hạ mang đi đăng ký và sở hữu nhãn mác thương mại.


Tạm bỏ qua sự ranh ma của người bên ngoài, chúng ta phải tự hỏi với nhau rằng: liệu sự việc trên rồi có diễn ra với hạt gạo đồng bằng sông Cửu Long, hạt tiêu Gia Lai, hạt điều Bình Phước, cọng rau ở Đà Lạt, đọt trà ở Thái Nguyên…?

Không phải vùng đất nào cũng nổi tiếng và cây trái ở đâu cũng có “thương hiệu”, chất lượng và giá trị được thừa nhận. Đất nước nông nghiệp, theo nhiều kiếp đời đi qua cùng với sự lao lực miệt mài của người nông phu mới hình thành những vùng cây trái danh tiếng, định vị được thương hiệu cho nông sản mà hương thơm có thể tỏa ra được ngoài lãnh thổ. Cho đến bây giờ, số sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu như thế nào phải nhiều nhặn. Nhưng trong thế giới tiêu dùng ngày nay, đến giày dép mà người ta còn xem trọng thương hiệu huống chi thực phẩm, những thứ cho vào bao tử. Vì thế, thương hiệu nông sản hẳn phải là tài sản quốc gia.

Những ngày qua, hàng vạn nông dân luôn thầm lặng với rẫy vườn ở Buôn Ma Thuột làm sao không có những tâm tư. Hàng ngày họ đã tự bơi trên ruộng vườn của mình để tạo ra từng hạt lúa, quả thanh long, trái điều… và còn có thể đổ thêm mồ hôi để hoa trái càng trở nên ngon hơn, tốt lành hơn. Nhưng nông dân không thể tự đi bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm làm ra hay lường định được đạo lý làm ăn ở không gian thương mại toàn cầu… Họ đóng thuế để nuôi hệ thống chính quyền cùng các cơ quan hữu trách lo việc đó cho mình. Thời bình, công việc chính là phát triển kinh tế, tranh đua thương mại, không dồn thời gian và công sức cho những việc này thì làm gì?

Địa phương nào sở hữu được những thứ nông sản có giá trị, uy tín mà không nâng niu, chăm sóc chu đáo là có tội với nông dân, cũng như bỏ quên niềm tự hào cho xứ sở. Chỗ nào không đọc ra được xu thế, mánh thói, trật tự, đặc thù của nền bán buôn thế giới ngày nay để có thể đi trước, đón đầu, phản xạ đủ nhanh sẽ được nhận xét là gì nếu không phải non kém, hoặc thiếu trách nhiệm.

Gần 100 năm trước, học giả Phan Kế Bính, một trí thức có tư tưởng duy tân dân tộc, đã chỉ ra điểm yếu của việc bán buôn ở xứ ta là hàng hóa không có thương hiệu. Chẳng lẽ điều ấy lại vẫn tồn tại mãi đến bây giờ!

Chúng ta vẫn còn là quốc gia nông nghiệp, canh nông hãy còn là thế mạnh mà không giữ nổi những sản phẩm nông nghiệp thì còn giữ được cái gì đây?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Phan Văn Lộc

    Tôi ủng hộ bài báo trên nếu không có sự lên tiếng của Báo chí thì các nhà chức trách quên hết trách nhiệm của mình với đồng bào với đất nước…
    Tôi nghĩ Việt Nam mình nên học hỏi các nước như Nhật… lúc tranh cử phải có kết hoạch hành động cụ thể… nếu không thực hiên tốt phải từ chức.

    1. vũ anh

      Làm gì có tranh cử mà có “hành động cụ thể”. Còn nếu như “không thực hiện tốt phải từ chức” như ý bạn thì “mất cán bộ” à nghen !

  2. quan tâm

    Bài báo của tác giả quá hay thể hiện một tấm lòng sâu sắc với bà con nông dân Việt nam. Biết nhìn xa trông rộng vì tương lai.
    Tôi thiết nghĩ nếu các ngành sản xuất của nước ta đều có những người lãnh đạo có tầm nhìn như thế chắc chúng ta khác lắm rồi phải không bà con? Sự tồn tại của bà con chúng tôi với nghê nông chắc không nhỏ trong sự hưng thịnh của nước nhà hiện nay!

  3. Đinh tân lâm

    Cám ơn tác giả của bài báo rất hay, thể hiện đúng tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân lâu nay, vì bà con nông dân thấp cổ bé họng nói chẳng có quan nào nghe, nay có bài báo thay cho những ấm ức trong lòng bà con được nhẹ bớt. Xin chân thành cám ơn tác giả Nguyễn Hàng Tình.

  4. Phạm Vỹ

    Lâu lắm mấy lại thấy lại anh Nguyễn Hàng Tình.
    Ngày gặp anh ở Đà Lạt có dễ mấy năm rồi nhỉ ? Biết có dịp nào…
    Rất ủng hộ mấy bài viết của anh. Hy vọng thời gian tới sẽ được đọc bài anh nhiều hơn.
    Phạm Vỹ -giacaphe.

  5. Hoàng tuyên

    Có lẽ nhà báo này xuất thân từ vườn rau ao cá. Nhưng ít người có được lương tâm nghề nghiệp này đâu, cái gì đã mất đi đâu dễ gì lấy lại, hậu quả này là lỗi của các ngành liên quan, mà xuất phát của một số cán bộ trong ngành, không có trình độ, yếu kém về năng lực, không thương dân, ko có trách nhiệm với nhân dân những cán bộ đó phải nên hạ ghế sớm chứ sợ gì mất cán bộ. Đó là hệ lụy của việc bằng giả học giả, chạy chức chạy quyền. Người nd muôn đời nay khổ, chỉ mong sao sản phẩm họ làm ra xứng đáng với giọt mồ hôi!

  6. leminh

    “chúng ta vẫn còn là quốc gia nông nghiệp, canh nông hãy còn là thế mạnh mà không giữ nổi những sản phẩm nông nghiệp thì còn giữ được cái gì đây?”… mấy “nhà lãnh đạo” hãy bỏ chút thời gian đọc bài báo nêu trên xem nông dân muốn gì và sợ mất thêm cái gì… cảm ơn tác giả!

  7. Nông dân cà phê

    Nước ta chưa có luật biểu tình, luật tranh cử…. vậy thì các “quan” làm gì thì cứ làm, không lo mất chức, ai khổ mặc ai. Và quan trọng nhất là luật tự do báo chí (hình như nước ta chưa cho tự do báo chí thì phải, nếu có 1 tờ báo chuyên đăng tin các vụ tham ô hối lộ, kiện tụng oan sai … thì hay biết mấy) Mấy đợt vừa rồi báo Tuổi trẻ có đăng vụ CSGT ăn mãi lộ, Kiểm lâm vòi vĩnh… ta mới thấy thực tế xã hội còn rất nhiều bất công, xe quá tải thì vẫn hiên ngang chạy, đường xá thì hư hỏng nặng. Việt Nam có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng nhưng thương hiệu thì không có, chẳng nhẽ tôi có 1 ha cà phê tại Buôn ma thuột mà lại bắt tôi đi đăng ký thương hiệu? việc này đúng ra là việc của các “quan”.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87