Đắc Lắc: Các doanh nghiệp cà phê FDI đang làm gì?

Ngoài việc tận dụng triệt để những kẽ hở của pháp luật Việt Nam để thâu tóm vùng nguyên liệu cà phê, các doanh nghiệp FDI tại Đắc Lắc chỉ xuất khẩu cà phê thô với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng thấp.

Vì vậy, chẳng những doanh nghiệp FDI không làm tăng giá trị cà phê như kỳ vọng, mà ngân sách nhà nước cũng không thu được gì.

“Đại gia” báo lỗ

Doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê tại Đắc Lắc là Công ty TNHH chế biến cà phê Man – Buôn Ma Thuột (Dakman), được Bộ KHĐT cấp giấy phép năm 1995. Đây là liên doanh giữa Cty ED&FMAN VIETNAM HOLDING B.V Vương quốc Anh với một DN nhà nước là Cty TNHH MTV xuất nhập khẩu cà phê 2.9 Đắc Lắc (Simexco), tỉ lệ góp vốn 66,4% và 33,6%.

Từ năm 2008 đến nay, Dakman liên tiếp báo lỗ nên không phát sinh thuế thu nhập DN. Dễ thấy là nếu tiếp tục lỗ, Dakman sẽ trở thành DN… 100% vốn đầu tư nước ngoài như nhiều liên doanh khác tại VN. Lúc đó không chỉ mất vốn, DNVN còn mất luôn lợi thế xuất xứ, khách hàng, thương hiệu…

Doanh nghiệp cà phê Daklak
Với sự xuất hiện ồ ạt của các DN FDI, càphê VN vẫn xuất khẩu thô với giá trị thấp.

Ngoài Dakman, đã có thêm 7 DN và chi nhánh DN FDI được UBND tỉnh Đắc Lắc cấp giấy chứng nhận đầu tư, bao gồm Cty TNHH cà phê Hà Lan Việt Nam (Nedcoffee), Cty TNHH cà phê Ngon, chi nhánh Cty TNHH cà phê Vĩnh An, chi nhánh Cty TNHH Armajaro, chi nhánh Cty TNHH Olam, chi nhánh Cty TNHH Neumann Gruppe và chi nhánh Cty TNHH Louis Dreyfus Commodities. Nếu liên doanh Dakman báo lỗ thì các DN này lách luật, lấn sân các DN trong nước mà không bị xử lý gì. Nghị định 23/2007 chỉ cho phép DN FDI mua hàng hóa qua hộ kinh doanh hoặc DN trong nước, nhưng các DN này vẫn tổ chức thu mua đến tận gốc cà phê.

Điển hình là chi nhánh Neumann Gruppe và chi nhánh Olam mua trực tiếp 125,28 tấn trong năm 2009; 226,6 tấn trong năm 2010 – số liệu do DN tự báo cáo. Các cơ quan quản lý địa phương biết rõ, nhưng rất ngại xử lý vì Luật Đầu tư không cấm DN nước ngoài mua hàng trực tiếp như Nghị định 23.

Ngân sách thất thu

Theo thống kê của UBND tỉnh Đắc Lắc, trong niên vụ 2010 – 2011, các DN FDI này đã thu mua hơn 180.000 tấn cà phê, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng cà phê của tỉnh.

Trong đó nhiều DN tăng tốc thu mua rất nhanh, thường là tăng gấp 2 – 3 lần sau mỗi năm. Điển hình như Cty TNHH ca phê Vĩnh An năm 2009 chỉ mua 4.029 tấn thì năm 2010 là 14.018 tấn, chi nhánh Armajaro là 7.096 tấn và 19.698 tấn, chi nhánh Olam là 23.936 tấn và 58.177 tấn tương ứng v.v… Đây quả là sự phát triển thần tốc.

Theo Sở KHĐT Đắc Lắc, chủ trương của tỉnh là khuyến khích DN nước ngoài chế biến sâu, làm gia tăng giá trị cà phê, tăng thu ngân sách nhà nước. Nhưng hầu hết các “nhà máy chế biến” của DN FDI chỉ thu mua, phân loại, đánh bóng cà phê hạt rồi xuất khẩu. cà phê nhân xuất khẩu là mặt hàng được hoàn thuế GTGT nên ngân sách cũng không thu được đồng nào.

Nếu một ngày, nhờ đồng vốn và nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, các DN FDI thâu tóm toàn bộ cà phê xuất khẩu của VN mà hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng, nộp ngân sách vẫn không cải thiện thì rất nguy. Ông Võ Thanh – Giám đốc Sở Công Thương Đắc Lắc – cho biết, UBND tỉnh và các ngành chức năng nhận thức rõ điều này, nên sắp tới chỉ ưu tiên cho DN FDI nào đầu tư chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan, các sản phẩm có giá trị khác.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Mê Cà phê

    Tương lai của ngành cà phê Việt Nam chỉ có thể do người sản xuất cà phê lựa chọn và quyết định. Nếu không có quan niệm đúng đắn này thì ngành cà phê Việt Nam không biết rồi sẽ đi về đâu ? Khi đó người nông dân sản xuất cà phê sẽ chịu nhiều tổn thương nhất.
    Hy vọng rằng thời thế tạo anh hùng, sẽ có một doanh nhân Việt nào đó xuất hiện, tập hợp được nguồn lực để xây dựng được một thương hiệu Cà phê Việt xứng với cái tâm của người Việt và xứng tầm quốc gia để đưa hương vị cà phê Việt bay xa..!

  2. V. Đ. Hùng

    Chào Mê cà phê!
    Mê cà phê, tốt. Mê muội. xấu!
    Bài viết của báo Lao động rất có lòng yêu nước. Nhưng bài báo chưa nắm hết logic của chuỗi cung ứng. Nên tìm hiểu thêm với hải quan, cà phê Trung Nguyên, Thái Hòa, An Thái, Vinamilk và Vinacafe Biên Hòa cái khó của bán hàng cà phê hòa tan, cà phê rang như thế nào thì mới rõ yêu cầu nhà đầu tư “chế biến sâu” là không tưởng. Cứ hỏi Hải Quan, Trung nguyên, Thái Hòa… hàng năm người ta phải nhập khẩu bao nhiêu hàng cà phê hòa tan từ các nước thì mới biết giá cà phê nhân nội địa của ta hưởng hết tất cả các hồng ân của dân tộc và trời đất.
    Cứ 1,2 triệu tấn cà phê nhân, bán cho hết, đã là một kỳ công. Còn chuyện các cơ quan thuế, quản lý… không trị được DNNN là “tội” của họ. Ăn xong lo đi nhậu mà không chịu tìm các chuyên gia để hiểu thêm người ta làm ăn lời chỗ nào, lỗ chỗ nào, thì rõ ràng chẳng phải là chuyện”quốc gia” mà là chuyện cá nhân.
    Hãy lấy mía làm thí dụ. Nhiều nơi hứa bán cho nhà máy đường để nhà máy đường hoạt động tốt, nhưng giá chỉ cần cao 10 đồng là đưa hàng đi bán cho thương lái để thương lái đi bán chỗ khác. Như thế thì làm sao để gọi là liên kết “lâu dài”, “trung thành”, “bền vững”…
    Các bạn nên nhớ, chiêu bài “hàm lượng công nghệ”, “đầu tư chiều sâu” chẳng qua để cho một vài doanh nghiệp trong nước kiếm vốn vay ưu đãi từ chính phủ hay từ nước ngoài để làm chuyện riêng cho lợi ích của mình, thậm chí bỏ túi riêng, rồi sau này hô hoán “tôi không có thị trường” và bỏ của chạy lấy người. Ai sẽ trả nợ vay đó? Con cháu của Mê cà phê, của chúng ta, của dân tộc Lạc Hồng. Tôi đề nghị chính phủ một khi có doanh nghiệp nào trong nước xin cấp tín dụng để làm hàng cà phê hòa tan, rang xay, phải hỏi thật kỹ họ trước rằng thị trường nào, ở đâu, bao nhiêu năm trả lại vốn chứ không dân tình chúng tôi và con cháu chúng tôi phải trả nợ cho các doanh nghiệp “thương dân” (tức làm dân bị thương) thì quá tội!

    1. Việc Nhà

      Em không rành cà phê lắm nhưng xin hỏi bác Hùng là từ trước đến nay có năm nào VN bị ế cà phê không bán được chưa?
      Đồng ý với bác ở điểm là không phải tất cả cái gì chúng ta cũng đòi chế biến sâu. Chế biến sâu rồi đưa ra đến hàng hóa tiêu dùng, có thương hiệu riêng… nhưng làm sao xuất khẩu được những hàng đó mà cạnh tranh được các thương hiệu nước ngoài.
      Mỗi quốc gia có một lợi thế cạnh tranh riêng, trong mỗi ngành hàng thì mỗi quốc gia cũng có một lợi thế riêng. Mình chỉ cần bán cà phê xô mà được giá cao thì đã tốt, có khi còn lời cao hơn làm từ ra cà phê hòa tan thương hiệu xxx mà không bán được.

  3. Nguyễn Chính Nghĩa

    Chào hai bạn Mê caphê và V.Đ.Hùng, chào bà con và quí vị: Tôi cũng đang định muốn nói điều mà hai bạn vừa nói. Xin góp thêm vài ý thế này:
    –Nói như bạn V.Đ.Hùng, trên một triệu tấn cà phê nhân của chúng ta bán cho hết đã là một kỳ công. Thật đúng vậy. Nhà báo lo nếu một ngày nào đó do đồng vốn và nghiệp vụ KD giỏi các doanh nhghiệp FDI THÂU TÓM TOÁN BỘ CÀ PHÊ XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM Ư? Ta đang lo không có tiền để mua cà phê cho nông dân, thậm chí còn lo cà phê không xuất khẩu được. Bây giờ họ mang USD vào họ mua đền tận đại lý hay hộ trồng cà phê mà lại gọi là họ thâu tóm ư. Thử hỏi các DN xuất khẩu của chúng ta xuất khẩu cho ai ? Nói cho oai là xuất khẩu đến nước nọ nước kia, chứ thật ra họ cũng chí bán giá FOB cho các DN FDI này tại cầu cảng Việt Nam và khi hàng xuống tàu mới có được USD đem về. Bây giờ họ dời cầu cảng về tận đại lý và các hộ nông dân của chúng ta, có nghĩa là giá trị của hàng XK càng được thanh toán sớm hơn so với trước kia. Điều đó là có lợi cho nền kinh tế. Một thực tế nữa cho thấy là giá của các DN FDI mua cao hơn nhiều so với các DNTN và nông dân là người được hưởng lợi.
    -Trong khi VICOFA và G20 (các DN xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam) lên tiếng la ó rằng các DNNN trực tiếp thu mua nguyên liệu từ nông dân, cho đó là vi phạm pháp luật VN, là nguy cơ lớn, là cuộc xâm lăng của doanh nghiệp ngoại . Trong khi đó các DN ngoại chẳng hề lên tiếng cải chính hay phản hồi các thông tin này, bởi vì họ hiểu rằng họ đang làm đúng pháp luật Việt Nam. Chúng ta càng kêu gào thì chỉ càng đánh mất đi lòng tự trọng, càng thể hiện trình độ và năng lực KD yếu kém của chúng ta mà thôi.
    -Theo ông Võ viết Thanh, Giám đốc sở Công thương Dak Lak thì 10 tháng niên vụ 2010-2011, cả tỉnh có 12 DNTN thu mua XK số lượng trên 223.407 tấn nhân, trong khi đó 6 DNNN gồm Olam, Dakman, Amazaro, Newman… đã thu mua được trên 195.000 tấn. Ông Thanh cho biết việc thu mua của các DN này thực hiện theo đúng qui định của pháp luật.
    – Phó CT UBND tỉnh DakLak, ông Trần Hiếu cũng cho rằng: để các DN có vốn đầu tư nước ngoài, thu mua trên địa bàn là tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN. Qua đó các nông hộ sản xuất cà phê được lợi nhiều hơn vì có cơ chế giá cạnh tranh. Đây cũng chính là động lực để các DNTN tự nâng cao năng lực, hoàn thiện bộ máy mở rộng thị trường.

    1. Anh đã đọc luật chưa mà bảo DN FDI làm đúng luật?

      Anh Nguyễn Chính Nghĩa đã đọc hết luật, hết thỏa thuận của VN khi tham gia WTO chưa mà đã khẳng định các DN nước ngoài làm đúng luật?
      Họ không lên tiếng vì làm đúng luật hay không dám nói vì họ đang lách luật, làm sai luật VN?

      1. Bien Ho

        Tôi cho rằng các DNNN đã thực hiện đúng LUẬT VN, chính ông Nguyễn viết Thanh GĐ sở Công Thương DakLak cũng nói vậy mà . Hơn nữa nói thật ở vùng chúng tôi chẳng thấy họ mua trực tiếp của Nông dân bao giờ, ngay chính các DNTN nhỏ giao hàng mà chưa kịp có hóa đơn VAT là họ không thanh toán tiền.
        Để cho họ vào mua bán là tạo sự canh tranh bình đẳng, là có lợi cho thị trường và nông dân, nếu các doanh nghiệp FDI nào cố tình trốn thuế thì đã có Cục Thuế lo, họ có trách nhiệm ngăn chặn chuyện đó, nếu sai thì phạt hay có các biện pháp chế tài khác.
        Bắt đầu năm 2012 VN phải mở cửa thị trường nông sản theo lộ trình gia nhập WTO, có ngăn chận được việc họ vào thị trường mình không mà tôi thấy thời gian gần đây có nhiều tờ báo lên tiếng kêu gọi việc ngăn cấm các doanh nghiệp FDI vào thu mua cà phê. Thay vì như vậy thì hãy kêu gọi các nhà XK hàng đầu VN hãy tự chỉnh đốn cách làm ăn của mình lại, cải tổ cơ cấu tổ chức, hãy vì sự tồn tại của mình mà can đảm nhìn vào sự thật hơn là mong tìm sự hỗ trợ của nhà nước như thời gian trước đây, cái thời mà ngân sách nhà nước như nguồn sữa của VÚ MẸ vô tư uống, cái thời mà cà phê của nông dân như chùm khế ngọt tha hồ hái …. Những cái đó qua rồi các bác ạ .

  4. leminh

    Mê cà phê-Nguyễn Chính Nghĩa-V.Đ.Hùng : các vị nói quá chuẩn! cảm ơn các vị nhiều nhiều.
    Nói thật với các vị… làm ăn theo kiểu doanh nghiệp nhà nước hiện nay… thấy mà kinh!

    1. Vậy làm như FDI trốn thuế mới là tốt?

      Vậy theo anh leminh thì làm ăn như doanh nghiệp FDI trốn thuế nhà nước mới là tốt?

  5. Cafe Việt

    Hiện nay các DNNN chuyển giá và báo lỗ để được miễn giảm thuế làm cho ngân sách thất thu đã đến hồi phải báo động. Ngành Thuế, Hải Quan cần tìm ra biện pháp để ngăn chặn. Chống gian lận thuế là việc cực kỳ quan trọng đối với các nền kinh tế lớn. Ở nước ngoài nhà KD gian lận thuế sẽ bị phạt sập tiệm luôn chứ không như VN mình, loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra được biện pháp nào khả dĩ.
    Cần phải nâng cao năng lực, nghiệp vụ quản lý chứ đừng làm theo cách xưa nay cái gì không quản được là… cấm, non kém lắm!
    Nói như các vị “mọt sách” thì đâu phải là thị trường mà chỉ mới là bộ mặt phải của thị trường.
    Không có DNNN nào sai luật đâu các vị ạ. Họ nghiên cứu luật của mình còn rành rẽ, chi tiết hơn các quan nhà mình nữa đấy!

    1. Trung ngôn

      Doanh nghiệp FDI nghiên cứu rất kỹ luật của ta, họ làm rất đúng luật. Chỉ tại luật của ta chưa chặt chẽ nên họ mới có chỗ để lách. Hơn nữa còn do ta phải mở cửa để hội nhập kịp thời, tránh lạc hậu quá xa trong khi ta chưa chuẩn bị đầy đủ.
      Không thể chờ đến khi ban hành đầy đủ luật, ta vừa làm vừa bổ sung điều chỉnh.

      Góp ý là việc cần thiết nhưng nhiều góp ý bộc lộ thái độ và tầm nhìn rất bảo thủ, chủ quan và phiến diện. Chưa nói được gì hoặc cũng còn thiển cận mà vội vàng phủ định cho mình là thông thái. Đó là bệnh phổ biến của những anh “chiên ra” nữa mùa.
      Mở cửa nhưng phải bảo vệ lợi ích của đất nước. Hòa nhập chứ không thể hòa tan!

  6. Tư Mõ Cày

    Mở cửa là điều cần thiết, nhưng bộ phận gác cổng còn nhiều việc cần phải bàn. Nhà nước không thể chần chừ vì thời gian đi nhanh lắm.
    Cán bộ công chức của mình cứ giữ thói quen đủng đỉnh như thời bao cấp.

  7. Anh Văn

    Nhiều bạn đòi “đóng cửa”,”ngăn chặn” là sai lầm về nhận thức. Vấn đề ta cần là biện pháp thiết thực để hội nhập. Thời gian không chờ chúng ta, khi ta đang còn tranh cãi thì bạn đã chuẩn bị hết sức chu đáo cho thời khắc hội nhập. Điều này các cấp quản lý biết rõ ; tôi cũng đã từng nhắc nhở trong một bài viết đã đăng:
    -Kể từ tháng 1.2012 sắp tới, lộ trình thực hiện cam kết của Chính phủ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ từng bước được thực thi. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, sẽ có biến động sâu sắc khi sự kết hợp giữa nhà nông và doanh nghiệp, đặc biệt trong việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đến khi đó sẽ không dễ xảy ra chuyện chơi trò cút bắt chạy quanh diễn biến của giá cả thị trường để phá bỏ cam kết với nhau giữa nhà nông với doanh nghiệp, tranh mua tranh bán vùng nguyên liệu của nhau giữa các nhà doanh nghiệp. Và doanh nghiệp trong nước cũng sẽ có ít cơ hội để sửa sai, để xem lại chiến lược kinh doanh của chính mình trong việc kết hợp, hỗ trợ, đảm bảo lợi ích hài hòa với nhà nông. Bởi một lẽ đơn giản, các nhà kinh doanh nông sản nước ngoài đang chuẩn bị một kế hoạch vô cùng mạnh mẽ và chặt chẽ để đầu tư vào vùng nguyên liệu, nhất là giúp cho nhà nông an tâm (chỉ biết?) sản xuất.
    Mời bà con đọc thêm: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=218954

    1. Dân Dak Mil

      Bác nói phải, hèn gì nhiều bà con nông dân lên án, tẩy chay doanh nghiệp nội vì xưa nay đã thu lợi nhuận quá dày bằng cách chèn ép giá của bà con. Suy nghĩ của bà con mình cũng đơn giản thôi, ai đưa lại lợi nhuận thiết thực lại cho thì bà con ủng hộ, ai chèn ép thì cũng chỉ biết than thở. Bà con đâu có suy nghĩ sâu sắc như các bác.
      Mong các bác lên tiếng cho bà con được nhờ vì cuộc sống của bà con nông dân mình còn khổ lắm. Ăn bát cơm chan đầy mồ hôi, nước mưa là chuyện thường xuyên của bà con.
      Bác kêu gọi doanh nghiệp san sẻ lợi nhuận, tôi không tin và không bao giờ tin họ sẽ làm đâu bác ơi.
      Cám ơn các bác.

  8. Việc Nhà

    Tôi chưa dám nào doanh nghiệp FDI trực tiếp thì tốt hay xấu.
    Ở đây tôi chỉ nêu ra vấn đề là luật pháp.
    Xin mọi người lưu ý: năm 2012 VN mở cửa thị trường nông sản. Nhưng mở cửa không có nghĩa là mọi ngành hàng và doanh nghiệp FDI đều có thể tham gia mua bán trực tiếp với nông dân (tham gia trực tiếp vào khâu phân phối).
    Theo tôi biết thì theo quy định WTO VN không cho phép các doanh nghiệp FDI mua trực tiếp từ nông dân các bác ah.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85