Cà phê Việt thua trên sân nhà? – Kỳ 1: Những “căn bệnh” trầm kha

Bên cạnh sự bất lợi về đồng vốn, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê của VN còn yếu kém về trình độ quản lý, nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, thậm chí còn triệt tiêu lẫn nhau bằng mọi giá…

Đây là những “căn bệnh” trầm kha khiến lĩnh vực xuất khẩu cà phê của VN tụt dốc thảm hại trong vài năm gần đây.

Thu hẹp hoạt động

Trong 153 DN tham gia xuất khẩu cà phê của VN hiện nay, chỉ có 20 DN kinh doanh ổn định, xuất khẩu được lượng hàng tương đối lớn, còn phần lớn chỉ hoạt động cầm chừng với quy mô nhỏ lẻ. Từ năm 2008 đến nay, thị trường cà phê VN lại chứng kiến sự thua lỗ, đổ vỡ của hàng loạt DN trong nước.

Cà phê Việt nam
Vận chuyển cà phê xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu cà phê 2.9 Đăk Lăk.

Nếu như 10 năm trước, thủ phủ cà phê Đăk Lăk có hàng chục DN xuất khẩu cà phê danh nổi như cồn, nay chỉ còn lại hai “ông lớn” là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu cà phê 2.9 Đăk Lăk (Simexco Đăk Lăk), Công ty CP Đầu tư xuất khập khẩu cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột) và một vài DN nhỏ mua đứt bán đoạn.

Ngay cả Simexco Đăk Lăk – “đại gia” xuất khẩu 10% tổng sản lượng cà phê của VN cũng đang có dấu hiệu thu hẹp quy mô hoạt động. Từ 33 trạm thu mua rải khắp Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, nay mạng lưới thu mua của Simexco Đăk Lăk chỉ còn 6 trạm tại những vùng nguyên liệu trọng điểm.

Nếu như trước đây, DN này sẵn sàng ứng trước hàng trăm tỷ đồng cho các đại lý, nay Simexco Đăk Lăk chỉ giao tiền khi hàng đã vào kho. Một lãnh đạo Simexco Đăk Lăk cho hay, DN thường xuất khẩu 90.000 – 100.000 tấn/năm, nhưng niên vụ này chỉ làm khoảng 50.000 – 60.000 tấn. Tại Đăk Nông, các DN xuất khẩu cà phê hàng đầu đang làm thủ tục phá sản như Công ty Thương mại – Du lịch tỉnh, hoặc tồn tại ngắc ngoải như Công ty Cà phê Đức Lập.

Thiếu vốn, non kém nghiệp vụ

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (Vicofa), có nhiều “căn bệnh” đã và đang làm yếu DN xuất khẩu cà phê VN, nhưng trước hết phải kể đến tình trạng “đói” vốn. Cũng vì thiếu vốn, các DN thường phải bán sản phẩm ồ ạt ngay từ đầu vụ để kịp trả nợ hoặc quay vòng vốn cho nhanh.

Trong khi nhu cầu của thị trường thế giới chỉ khoảng 80.000 – 100.000 tấn cà phê robusta/tháng thì DN Việt lại bán đến 200.000 tấn mỗi tháng. Đây là cơ hội lý tưởng để 12 nhà nhập khẩu và 8 nhà rang xay lớn trên thế giới tha hồ ép giá.

Điều này dẫn đến nghịch lý: VN đứng đầu thế giới về sản lượng, đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu cà phê robusta nhưng khả năng điều tiết, chi phối thị trường lại nằm trong tay các nhà đầu cơ nước ngoài.

Ông Đỗ Quyết – Phó Giám đốc Simexco Đăk Lăk – cho biết: “Giải pháp tốt nhất để chống ép giá là tạm trữ, VN cũng làm rồi nhưng không hiệu quả. Bởi vì mình tạm trữ thì DN nước ngoài cũng tạm trữ. Muốn có hiệu quả phải trữ cà phê cả vụ, hoặc ít nhất cũng 9 – 10 tháng chứ tạm trữ 3 – 6 tháng thì ăn thua gì. Nhưng tạm trữ cũng rủi ro lắm, cơ chế hiện nay chưa đủ khuyến khích các DN trong nước mạnh dạn tham gia”.

Theo ông Quyết, ngoài cấp bù lãi suất, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho DN một phần thiệt hại trong trường hợp tạm trữ bị thua lỗ, vì đây là chiến lược quốc gia chứ không phải vì quyền lợi của một vài DN”.

Ngoài chính sách tạm trữ chưa hiệu quả, lâu nay DN xuất khẩu cà phê trong nước vẫn thường kêu ca lãi suất tín dụng quá cao, không dễ tiếp cận nguồn vốn. Trước thềm mỗi niên vụ, UBND các tỉnh Tây Nguyên đều có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đề nghị hỗ trợ vốn cho DN xuất khẩu cà phê, song khả năng đáp ứng vẫn hạn chế. Vốn ít, phải quay vòng nhanh, DN xuất khẩu cà phê càng thêm bị động.

Về phương thức mua bán, DN Việt thường chấp nhận nguyên tắc trừ lùi, ký hợp đồng tương lai để có thời gian huy động vốn gom hàng. Khi giá cà phê tại các thị trường kỳ hạn giảm liên tục hoặc lên xuống thất thường là lỗ ngay, không được cấp tín dụng để gỡ lại.

Theo Vicofa, hàng loạt DN VN đổ vỡ trong năm 2009 chủ yếu do mù thông tin, non kém nghiệp vụ kinh doanh khi tham gia vào thị trường kỳ hạn, để mặc cho các cơ quan đại diện hoặc công ty môi giới dẫn dắt, từ đó bị chi phối hoàn toàn về giá cả.

Triệt tiêu lẫn nhau

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Toàn Thắng – Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở KHĐT Đăk Lăk cho biết: “Các DN trong nước kêu ca nhiều lắm, nhưng tôi nghĩ trước hết họ phải tự nhìn lại mình. Chính bộ máy quá cồng kềnh, nhân sự thiếu năng động, thu nhập cào bằng, nhiều chi phí không cần thiết… là những lực cản ngay trong bản thân họ”.

Còn ông Phan Trọng Hiền – Giám đốc Nhà máy Chế biến cà phê, chi nhánh Olam Đăk Lăk – nói: “Tỷ suất lợi nhuận trong kinh doanh cà phê thường rất thấp, chỉ khoảng 0,04 – 0,05% trên tiền vốn nên nếu không tiết giảm chi phí, không quản lý chặt chẽ là thua lỗ ngay. Chúng tôi có nhân viên ngay tại Sàn giao dịch Nyse Liffe London để nắm bắt thị trường một cách nhanh nhất, trong khi đó VN chủ yếu bán hàng qua trung gian nên dễ bị thao túng”.

Trong 153 DN tham gia xuất khẩu cà phê của VN hiện nay, chỉ có 20 DN kinh doanh ổn định, xuất khẩu được lượng hàng tương đối lớn, còn phần lớn chỉ hoạt động cầm chừng với quy mô nhỏ lẻ.
Số lượng bạn hàng quốc tế có hạn, trong khi có quá nhiều DN xuất khẩu cà phê nên khó tránh nạn tranh mua, tranh bán. Thạc sĩ Đào Trung Kiên (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) nói: “VN có Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Hiệp hội Cà phê – Ca cao nhưng tính đồng thuận khi đàm phán giá cả của các thành viên hiệp hội với đối tác nước ngoài chưa cao. Câu chuyện hai nhà xuất khẩu của VN đồng thuận chốt cùng mức giá khi đàm phán với nhà buôn quốc tế trên bàn họp, nhưng về đến công ty họ sẵn sàng chào giá thấp hơn để bán hàng cho nhanh là rất phổ biến”.

Một tình trạng phổ biến là khi người nông dân cần bán thì DN trong nước chưa có hợp đồng xuất khẩu hoặc thiếu vốn, đến lúc cần mua thì không ai bán cho. Từ đó mối quan hệ giữa các DN xuất khẩu và người trồng cà phê ngày một lỏng lẻo, thị trường nguyên liệu trong nước hỗn loạn, tạo cơ hội cho DN nước ngoài đục nước.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. V. Đ. Hùng

    Tôi nhất trí với bài báo: thiếu vốn, đói vốn. Nhưng thử hỏi lại: nếu vốn tràn lan như xưa, liệu các nhà xuất khẩu có giữ được vốn an toàn hay vung đi khắp rồi lại trắng tay, rồi lại đổ thừa nào do doanh nghiệp nước ngoài chơi xấu, nào do khách quan này nọ.
    Tiền mình có bao nhiêu, làm bấy nhiêu mà còn chưa nổi nữa thì làm sao để ngân hàng tin mà ứng vốn nhiều thêm. Ngoài ra, tình hình xù hàng để chập chờn kiểu này, không cho ngân hàng biết ai mất uy tín để tránh xa, thì làm sao biết ai còn uy tín mà cho vay?

  2. Phước Trung

    Nghe đến đây thấy sao mà tương lai cà phê VN u ám vậy.
    Nếu không tìm ra giải pháp mang tính đột phá thì có lẽ các DN NN sắp tới sẽ thâu tóm hết quá.
    Vậy ở đây vai trò của Vicofa đâu nhỉ, Nhà nước đâu nhỉ?
    Có lẽ không phải là “Căn bệnh trầm kha” mà là căn bệnh thế kỉ của cà phê VN.

  3. Cafe Việt

    Cty xuất khẩu nào cũng tuyển dụng con cháu, người nhà vào “ngồi chơi lãnh lương thưởng trên trời”, ăn chơi mua sắm xa xỉ, vung tay quá trán, gặm hết vào vốn… còn kinh doanh kém cõi, hiệu quả không có, chỉ lo chi tiền đánh bóng tên tuổi…còn tự mình đánh mất uy tín, lừa lọc người dân gửi cà phê… đầy rẫy trên mạng như vụ Hứa Thanh Hồng tham ô, vụ gần 200 tấn của bà con Dak Mil ký gửi, vụ buông lỏng quản lý, chi tiêu vô tội vạ ở Cty Đức Lập, vụ hơn 18.000 tấn của Vina BMT mới ra hầu tòa… đủ mọi tai tiếng, không dẹp tiệm sớm là còn lạ đấy !
    Như vậy hỏi sao mà không thua?

  4. V. Đ. Hùng

    Bài báo viết: “Theo Vicofa, hàng loạt DN VN đổ vỡ trong năm 2009 chủ yếu do mù thông tin, non kém nghiệp vụ kinh doanh khi tham gia vào thị trường kỳ hạn, để mặc cho các cơ quan đại diện hoặc công ty môi giới dẫn dắt, từ đó bị chi phối hoàn toàn về giá cả.”
    Không đúng. Chưa ai biết nhiều và xử lý thông tin giỏi bằng các nhà xuất khẩu nhà mình. Thế nhưng, khi thua thì đổ tội cho thiên hạ. Lãnh đạo Vicofa cứ đi hỏi các nhà xuất khẩu xem họ mua bán trừ lùi hay người ta bắt họ bán trừ lùi.
    Nên nói toạc ra rằng vì không phải tiền túi của mình nên nhiều nhà xuất khẩu dùng tiền của nhà nước và nhân dân đánh bài, đầu cơ, ngậm hàng, vung tiền cho cấp dưới đầu cơ ghim hàng, đánh bạc trên thị trường hàng giấy… thì thua thôi chứ do ai đâu nà!
    Lỗi nằm ở đó trước. Không nên đổ lỗi cho khách quan, quý ông ạ.

      1. Teppi

        Ông V.Đ. Hùng này chẳng biết tí gì về cà phê cả. Nói thì dễ lắm, ngon thì làm đi

  5. V. Đ. Hùng

    Hãy nhìn kỹ lại một tí: trồng cà phê, dễ hơn kinh doanh nhiều, mà cây còn chết rụi cả như trường hợp Thanh Hóa, trước đây có Sơn La và một số nơi khác, cũng thế. Mặc dù, có cả chuyên gia gạo cội về trồng cà phê làm tư vấn, hỗ trợ. Thế thì nói trồng cây, cây chết, chắc do quỹ đầu tư giúp mình vì từ nước ngoài nên làm hư cây mỉnh chắc?
    Nên chăng, đề nghị Nhà Nước chấn chỉnh ngay từ gốc, như trường hợp mấy hôm nay rộn ràng vụ xăng dầu… Nếu cần, Nhà nước nên mạnh dạn trao cho tư nhân có nghề, kinh nghiệm quản lý bằng các hình thức đấu thầu trong việc trồng cà phê các nơi thì mới có cái để trả nợ nước ngoài, chứ không lấy tiền về, gặm nhấm hết, sau này con cháu mình khắp nơi trả không hết…

  6. quan tam

    Chúng ta đã có những bài học đắt giá đó là việc nộp học phí để trưởng thành. Ngoài những nguyên nhân mà tác giả bài báo và ý kiến thảo luận đóng góp theo tôi chúng ta chưa chú trọng tuyển chọn người có tài và có tâm nên cơ sự xem ra càng ngày càng bi đát hơn. Hàng năm chúng ta có nhiều SV ra trường giỏi thường bị NN thu hút còn DNTN dửng dưng thế nên DNNN cứ mạnh lên. Do vậy con người là yếu tố quyết định chứ không phải lý do khác.

  7. Thuận Hòa

    Việc các công ty thu mua trong nước không liên kết và tranh giành hợp đồng và thi nhau chốt giá bán trừ lùi để tìm kiếm đối tác đã vô tình tự giẫm chân lên nhau làm đánh mất thương hiệu và uy tín với các doanh nghiệp thu mua nước ngoài. Việc xù hợp đồng hoặc giao hàng chậm vì giá lên hoặc do nguồn cung bị thắt chặt nên vô tình đã làm mất uy tín….
    Thua thì nên chấp nhận sự thật để cho các DNNN vào trực tiếp cạnh tranh lành mạnh mới mong thị trường khởi sắc được. Cứ kinh doanh theo đúng khả năng không đánh bài liều ký hợp đồng trừ lùi thì các DNVN đâu thể bị tan nát sớm vỡ trận thế được.

    1. V. Đ. Hùng

      Xin lỗi Thuận Hòa.
      Chuyện bạn nói chỉ có nhảm nhí mà thôi. Nếu bạn chưa biết, thì đừng nghe “những gì con gái nói”!
      Thế trận, chính các nhà xuất khẩu nhà mình tự đặt ra, nhưng cuối cùng mỗi người thích theo ý mình! Vì chính họ tin rằng chính họ sẽ là bá chủ, chính họ sẽ tạo nên thương hiệu! Nhưng, nào dè, thương hiệu Buôn Ma Thuột thì đang bị mất; tiền kinh doanh, cũng mất; uy tín, cũng mất vì cả làng đều xù không giao hàng và rủ nhau xù; bây giờ phải đổ tội cho ai?
      Chỉ còn một chỗ để nói: sân nhà bọn nó đá, tiền tôi bọn nó lừa, thiên hạ (người bán hàng) bọn nó chiếm… nhưng họ cố tình quên phát biểu với chính phủ câu này:… tiền ngân hàng và tiền công ty… bọn con cháu tôi ôm.

  8. Quota

    Cấp quota xuất khẩu cà phê!
    mỗi tháng xuất khẩu tối đa 1/12 sản lượng trong năm!
    Bên cạnh có điều tiết linh hoạt +- % lượng xuất theo giá và mức cầu của thế giới!
    Tiến tới cà phê VN điều khiển giá thế giới!

    1. ho cu duc

      Cấp quota? bài học về quota ngành dệt may và cha con Thứ trưởng bộ Thương mại còn đó! hãy động não lên thôi, đừng đem mấy bài cũ rích ra mà xào nấu lại.

  9. Mê Cà phê

    Bác Nông dân ơi ! “có một con đường sống” – Đó là phải “có một Công Ty của dân, do dân và vì dân”.
    Công ty này phải đủ tâm, đủ tầm và đủ lớn thì chả sợ thằng tây nào… phải không các bác ?
    Xưa đến nay dân làm vẫn tốt ” Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Có điều chính phủ phải ra tay tổ chức, tập hợp được người trồng cà phê và hỗ trợ cho doanh nghiệp này phát triển trên quy mô của ngành cà phê Việt. Việc gì có lợi cho dân thì nên làm “dân giàu thì nước sẽ mạnh”.
    Bác nào nhất trí thì xin được cao kiến và ứng cử làm GIÁM ĐỐC coi..? Nhưng phải trình bày giải pháp để cộng đồng Y5Cafe bình chọn đấy nhé..!

    1. thaihy

      Theo mình nghĩ chỉ có người VN mới giúp người VN, nghĩa là mình tự cứu mình trước, mỗi người trồng cà pê trong 1 năm giữ lại trong nhà 1 tấn hoặc 5 tạ cà phê. Chờ giá hợp lý thì bán thì ko ai có thể ép người nông dân được, dù cho đó là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài. Các bạn ko nên trông chờ ở người khác nhất là dân kinh doanh ai cũng vì lợi nhuận cả. Mình tự cứu mình trước khi trời giúp !

      1. Cà bi

        Dạo này diễn đàn nhiều thầy quá, nói ko ra sao cả.
        Làm ơn : uốn lưỡi 7 lần trước khi nói!

  10. cafeculi

    Lên diễn đàn này đọc, nói thật là tôi không thấy một ý kiến nào là không chê trách các đại lý, công ty của VN trong việc kinh doanh cà phê với nông dân.Thật sự là tôi hoang mang, chẳng lẽ tất cả đều như vậy ư, không có một doanh nghiệp nào làm ăn đàng hòang cả sao, tôi bi quan quá. Nếu vậy thì cho dù nói như bác nông dân và bác mê cà phê ở trên là thuê giám đốc giỏi, lập công ty của dân v,v… thì một thời gian sau mấy ông này cũng sẽ quay lại thịt mấy bác thôi. Tôi nghĩ các bác nên là giám đốc của chính mình đi, đừng trông chờ vào ai đó lo giúp cho mình và bớt cái nhìn tiêu cực về những công ty, đại lý thu mua cà phê vì họ cũng là một mắt xích quan trọng đưa hạt cà của các bác ra thị trường.

  11. Lão Nông Tri Điền

    Tôi nhất trí với đọc giả QUAN TAM, Tôi nhớ vụ mùa 2009 – 2010 khi giá nằm ở mức 24 nđ/kg bức xúc quá nên ôm hết sản phẩm làm ra của mình đợi đến tháng 5/2010 mà giá vẫn không thấy dao động chút nào và đành phải bán để lấy tiền làm việc khác, đến niên vụ 2010 -2011 vì lo về giá nên khi thấy mức giá đã chấp nhận được thế là bán hết sản phẩm, nào ngờ sang tháng 05/2011 giá lại lên đỉnh. Tôi xót xa và suy ngẫm: Các nhà đầu cơ đã nghiên cứu được điểm yếu của ta nên họ đã chuẫn bị sẵn “lộ trình” để thao túng thị trường nội địa. Và vụ thu hoạch năm nay đã cận kề, bà con ta cứ bình tỉnh, mọi thứ sắp diễn ra sẽ tốt đẹp hoặc xấu đi, trước hết bà con mình là người trực tiếp làm ra sản phẩm thì mình phải tự cứu lấy mình là tốt nhất.

  12. ChuotCong

    Tôi cũng từng có góp ý với mô hình Công ty :
    Là ” Công ty Cổ phần ” có phần góp vốn từ :
    +) Nhà nước góp vốn ( nhằm tăng năng lực và kiểm soát tình hình hoạt động ).
    + ) Doanh nhân góp vốn và chịu tránh nhiệm về tổ chức và hoạt động của Công ty.
    +) Nhà nông dân góp vốn ! ( cùng chịu trách nhiệm và hưởng lợi từ công ty ).

    Nguy hiểm khi mà các DNNN kiểm soát Thị trường cà phê là gì ?
    +) Chuyển giá vốn : các doanh nghiệp đóng tại VN chỉ là các Công ty con của họ ở NN.
    Các DN tại VN có thể thu mua sơ chế và bán cà phê nguyên liệu với giá cực thấp , vì thực ra cũng là bán cho chính mình >>>> Nhằm báo lỗ và khỏi phải nộp thuế Thu nhập DN tại VN ! Đây cũng là hiện tượng khá phổ biến hiện nay với các nghề khác !
    +) Với cách bán Cà phê nguyên liệu giá thấp như vậy họ dễ ràng kéo giá cà phê tại VN xuống thấp !

  13. Trương Ba

    DNTN bị “Căn bệnh trầm kha”, nếu không nhanh chạy thày chạy thuốc điều trị và phải tự vận động cho khỏe, nếu không sẽ chết. Và sẽ có nhiều DN khỏe trong và ngoài nước thay thế.
    Bà con trồng cà phê phải tự lo lấy mình trước, bằng nhiều cách trong đó có biện pháp đừng bán tháo, tìm mọi cách xoay sở vốn cho sản xuất, cho chi dùng sinh hoạt, cần đến đâu, bán tới đó.
    Bà con trồng tiêu 2 năm qua làm được như vậy, thắng to, giá cuối vụ gấp 2 lần đầu vụ . Cà phê noi theo hãy làm như thế.
    Tương lai gần: Chính người trồng tiêu, cà phê, điều là lực lượng quyết định chi phối thị trường, giá cả. Nhà đầu cơ làm đủ trò hòng mưu cầu lợi nhuận và làm không được thì bỏ cuộc hoặc làm sai thì thua lỗ, phá sản . Đó là quy luật của cuộc chơi kinh tế thị trưỜng hội nhập quốc tế .

  14. phan kim Ngan

    Một trong những thủ thuật, điều kiện cần phải có trong bất kỳ ngành kinh doanh nào cũng phải biết: Mạnh vì gạo, bạo vì tiền.
    Đó là nguyên lý.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85