Tin buồn

Sản xuất cà phê: Hệ lụy của việc khát vốn

Những ngày đầu tháng 9/2011, giá cà phê xô tại Tây Nguyên nằm ở mức giá từ 47 – 50 triệu đồng/tấn, nhưng người trồng cà phê vẫn không mấy phấn khởi bởi hầu hết không còn cà phê để bán.

Tại Lâm Đồng, địa phương có diện tích, sản lượng cà phê đứng thứ 2 trong cả nước – chỉ sau Đắk Lắk, với gần 143.000ha cà phê (trong đó cà phê kinh doanh hơn 139.000ha), sản lượng bình quân đạt 345.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, hầu hết sau thu hoạch nông dân đã bán tháo ngay từ đầu vụ nên đến thời điểm này lượng cà phê hiện còn tích trữ trong dân là rất ít, điều này cho thấy có trên 85% lượng cà phê đã được các cơ sở đại lý, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn thu mua với giá thấp ngay từ đầu vụ.

sản xuất cà phê
Vì thiếu vốn, nông dân phải bán tháo sản phẩm ngay sau thu hoạch
với giá thấp nên thiệt hại rất nhiều

Ông K’Brell, ngụ tại xã Tân Thượng (Di Linh), vùng cà phê trọng điểm của Lâm Đồng cho biết, 100% hộ trong xã đều có thu nhập chính từ cây cà phê. Trong đó, có đến gần 80% người dân tộc thiểu số trồng cà phê, nhưng trong số này chỉ còn vài hộ có kinh tế khá, mới còn giữ được cà phê trong nhà, đa phần đã bán sạch ngay từ đầu vụ hoặc bán trước cho các đại lý theo hình thức “bán non”. Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, có nhiều nguyên nhân khiến người trồng cà phê phải bán sớm sản phẩm, nhưng chủ yếu vẫn là do thiếu vốn đầu tư. Bên cạnh đó do khâu tổ chức thu mua trong nước chưa tốt dẫn đến đầu vụ người dân thường phải bán vội cà phê với giá thấp.

Còn tại Đắk Lắk, địa bàn dẫn đầu trong cả nước về diện tích, sản lượng cà phê hàng năm cũng chung tình trạng. Ông Nguyễn Văn Sinh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết, toàn tỉnh hiện có tới 190.000ha cà phê, sản lượng thu hoạch trong niên vụ vừa qua đạt trên 399.000 tấn, nhưng nhìn chung vẫn là địa phương sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Ông Sinh phân tích, trong số diện tích nói trên chỉ có khoảng 20.000ha là vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp (chiếm 15%), số còn lại là của 180.500 nông hộ, tính bình quân thì diện tích rất nhỏ, có tới hơn 70% số hộ có diện tích dưới 1ha nên sản lượng cà phê trên mỗi nông hộ là rất thấp. Trong khi mọi nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày rất cao, tất cả đều phụ thuộc vào hạt cà phê – nguồn thu chính của gia đình nên ngay sau khi thu hoạch xong nông dân nhanh chóng bán tháo để trang trải cuộc sống, không có điều kiện để tích trữ cà phê chờ… lên giá.

Thêm vào đó, với đặc tính của cây cà phê ở Tây Nguyên, ngay sau khi thu hoạch xong buộc phải khẩn trương tái sản xuất, tập trung chăm bón, tưới tiêu, bón phân để cây trồng phục hồi và cho trái vào vụ tới. Tóm lại người trồng cà phê phải đầu tư một nguồn chi phí đáng kể. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, phần lớn nông hộ trồng cà phê ở Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung đều phải ứng trước tiền, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ các đại lý vật tư nông nghiệp – cũng là đại lý thu mua cà phê tại địa phương bằng các “khế ước” tới đầu vụ qui trả bằng cà phê hạt. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sản lượng cà phê tích trữ trong dân không còn nhiều vào cuối vụ. Một số nông hộ khác được vay vốn của ngân hàng cũng phải trả nợ ngay từ đầu vụ bằng cà phê, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu trong cùng thời điểm đầu vụ làm cà phê mất giá.

Đã vậy, do ảnh hưởng của lạm phát còn đẩy giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp, công lao động…, tăng cao cũng khiến người trồng cà phê lao đao. Tình trạng khô hạn, sâu bệnh hại, chất lượng, giá cả cà phê trên thị trường thế giới luôn bấp bênh cũng là bài toán khó đối với người nông dân. Trong khi đó, dù là địa phương có diện tích, sản lượng cà phê đứng sau Đắk Lắk, nông dân Lâm Đồng vẫn còn bị nhiều thua thiệt bởi hạn chế về hệ thống thủy lợi phục vụ thâm canh, chống hạn vào mùa khô, dẫn đến năng suất cà phê chưa cao, kích cỡ hạt không đồng đều; kỹ thuật thu hái, bảo quản phơi sấy chưa đạt yêu cầu do thiếu sân phơi, kho chứa…, cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cà phê khô nguyên liệu.

Với những khó khăn bao vây, người trồng cà phê luôn là người “thiệt đơn, thiệt kép” khiến đời sống kinh tế vô cùng bấp bênh, thiếu tính bền vững, nhất là ở vào thời buổi kinh tế thị trường đầy biến động như hiện nay. Để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho người trồng cà phê, trong niên vụ 2010, chủ trương thu mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê của Chính phủ là một tác động tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập… chưa thể mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân.

Kỳ tới: Cà phê lên giá, ai hưởng lợi?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Hoang tuyen

    Nông dân là vậy đó. Bài báo này nói đúng tâm trạng và thực tế của người nông dân. Song nhà nước cũng cần có chính sách, tài chính hỗ trợ nd trong sản xuất và chế biến, kho bãi, nhằm tăng phẩm chất và tăng giá trị hạt cafe.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79