Thị trường cà phê niên vụ mới: “Cờ” trong tay nhà nông

Giá cà phê tăng trở lại và xoay quanh mức giá 50.000 đồng/kg đang đặt ra nhiều vấn đề lớn cho ngành cà phê Việt Nam trước khi bước vào vụ thu hoạch mới chỉ còn hơn 1 tháng nữa và nay là thời điểm, lẽ ra phải ký hợp đồng bán hàng cho niên vụ mới.

Giá có lợi cho nhà xuất khẩu

Sáng nay, 23/8/2011 giá cà phê nhân xô tại các vùng nguyên liệu của Việt Nam lại nhảy nhanh lên mức 50.000 đồng/kg, tăng cả 1.000 đồng so với cuối tuần sau khi thị trường kỳ hạn robusta Liffe đột nhiên giảm mạnh.

Giá nội địa tăng, sẽ lại tạo thêm cơ hội cho những người còn hàng tranh thủ bán ra. Phải nói rằng, giá chao đảo khi tăng khi giảm bất ngờ và lần này phải là lần thứ tư hay thứ năm giá đảo qua lại mức 50.000 đồng sau khi lên mức kỷ lục 51.500 – 52.000 đồng/kg trước đây.

e3e0f_giacaphe_ngay_23_8
Biểu đồ giá cà phê trong nước và thế giới

Hôm qua 22/8, ngày giao dịch đầu tuần của các thị trường kỳ hạn cà phê tại London và New York. Giá đóng cửa cơ sở tháng 9/2011 rạng sáng hôm nay 23/9 theo giờ Việt Nam, TTKH robusta tăng 46 đô la, đạt mức 2.316 đô la Mỹ/tấn trong khi arabica Ice giảm 1,45 cts/lb hay mất 32 đô la/tấn chỉ còn 264,7 cts/lb. Giá TTKH robusta tăng nhưng arabica giảm đã giúp khoảng cách giữa hai lọai cà phê này giãn xa ra với mức arabica cao hơn robusta đến trên 3.500 đô la/tấn tính đến sáng hôm nay.

Bài toán nan giải cho niên vụ mới

Tuy giá tăng đang có lợi cho những nước xuất khẩu, thị trường vẫn ở trong thế nghiệt ngã. Không chỉ giá mua ngay bán ngay cao (gọi là outright), giá chênh lệch so với TTKH (differentials/trừ lùi) vẫn đang rất cao. Chính vì thế, các nhà xuất khẩu và kinh doanh quốc tế (international traders) khó lòng đoán được khuynh hướng của giá chênh lệch để chào hàng vụ mới.

Cho đến nay, theo người viết được biết, rất ít người bạo gan chào bán hàng vụ mới chỉ còn hơn 1 tháng nữa là thu hoạch. Chỉ nghe đồn một số hãng kinh doanh đã chào bán cho các hãng rang xay từ tháng 11/2011 trở đi song mức chào vẫn cao hơn giá Liffe.

Điều này đã làm nhiều nhà rang xay chùn tay và hai bên bán và mua vẫn chưa gặp nhau được. Thường thường, ở thời điểm cuối tháng 8 hằng năm, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký bán cả 200.000 tấn cho vụ mới dưới dạng cả mua bán có giá giao ngay hay dựa trên chênh lệch, mức chênh lệch tại thời điểm này các năm trước thường dưới giá Liffe chừng 100 đô la/tấn và giảm dần khi vào chính vụ, có khi giá thấp hơn giá Liffe cả 300-400 đô la/tấn. Cho nên, giá cao hiện nay đã làm rang xay ngại mua hay chờ đợi “phép mầu” âu cũng là điều dễ hiểu.

Trong khi các nhà xuất khẩu Việt Nam không thể chào, các công ty nước ngoài có nhà máy tại các vùng nguyên liệu sẽ có cơ hội tính toán, nghiên cứu lịch sử cung – cầu và bán ra theo giá của họ. Nghe rằng có nơi đang chào giá lọai 2, 5% đen vỡ bằng giá Liffe cho cả vụ mới giao hàng từ tháng 11 trở đi. Trong điều kiện thị trường giá cao cần nhiều vốn để mua bán thì tín dụng cho các công ty xuất khẩu cà phê vốn eo hẹp lại càng eo hẹp từ hai ba mùa nay, cộng với rủi ro về giá cả, nên chuyện các công ty xuất khẩu của nước ta đang ngồi bó tay là chuyện dễ hiểu.

“Cờ” trong tay nhà nông

Nếu như các năm trước, do có tiền và có hàng gửi kho, quyền quyết định mua vào hay bán ra chủ yếu nằm trong tay các nhà xuất khẩu. Thì nay, quyết định và sức mạnh của vụ tới sẽ nằm trong tay nông dân trồng cà phê chứ không ai khác, và thứ đến là thực lực của những công ty nước ngoài có vốn đầu tư cũng không phải nhỏ. Họ là lực lượng quyết định thứ hai song rất có quyền về phía bán ra. Một vụ mùa với 1,2 triệu tấn cà phê như dự báo hay cao hơn đang trở thành bài toán ngày càng khó cho những nhà hoạch định chiến lược cà phê Việ Nam.

Dù sao, hàng bán ra vẫn phải bán ra để bảo đảm kim ngạch xuất khẩu cho đất nước. Vấn đề là một khi các nhà xuất khẩu mất tiếng nói, theo cách mua bán “bầy đàn”, khi mua rủ nhau mua khi bán rủ nhau bán, sẽ tạo nên những bất lợi về giá và sẽ có những lúc bên mua tạo sức ép bán ra gây thiệt hại về giá cho người sản xuất.

Trong điều kiện thị trường như thế, nếu Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam không giữ lời hứa mua vào ngay từ đầu vụ với lượng tăng dần cho đến 300.000 tấn tạm trữ để giảm áp lực bán ra khi nông dân giữ quá nhiều hàng vì các nhà xuất khẩu không đủ lực mua và bên nước ngoài cố tạo thế để gây sức ép bán ra, thì thị trường cà phê của ta bấy giờ không biết sẽ đi về đâu?

>> Thị trường cà phê: 3 mốc lịch sử đáng nhớ

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

    1. Dzũng chinh

      Tôi vạch trần sự điêu toa của ngôn từ qua bài báo mà BQT kiểm duyệt rồi. Biết làm sao!
      Những khi giá gần cao thì lấy giá xa, tăng 3-40 đô thì tăng 2-300 đồng, có phải cờ không?
      Cứ nghe rằng, nghe đồn… rồi ngồi đó mà chờ đợi, bà con đừng để bị ru dễ dàng vậy.

  1. Tiêu cay@

    Giá cà phê thường rẻ lúc thu rộ, mắc cuối vụ. Vụ thu cà phê sắp tới rồi, 50.000 đ/kg trở lên tôi mới bán và bán từ từ. “Cờ đến tay” sao không phất. Giới đầu cơ dễ gì làm mưa làm gió một khi nhiều bà con ta có điều kiện không vội gì bán rẻ và kẻ nghiền cà phê đố cai được. Khi bà con ta khá giả, cái “van” điều chỉnh cung cầu chính do bà con ta điều khiển. (Hạt tiêu VN đang làm như vậy -THẮNG)

  2. Hoang tuyen

    Xem bài viết này là nd trồng cà phê cũng như nhiều bà con nd khác thật sướng. Nhưng đâu có dễ gì như thế, đâu phải cứ muốn phất là được, theo tôi đó chỉ là lời động viên khéo mà thôi. Đâu phải ai cũng có điều kiện để đợi giá cao đâu, trong khi vô vàn vạn thứ trông đợi vụ cà.
    Mong sao nhà nước có chính sách tạm trữ ngay từ đầu vụ để tránh nông dân bị ép giá khi mà ai ai đều bán. Đề nghị nghành cà phê thanh kiểm tra dụng cụ đo độ ẩm cà phê của các đại lý thu mua có nhiều sai lệch hiện nay. Đồng thời mong ban quản trị Y5 cung cấp giá máy đo độ ẩm giúp, xin cảm ơn!

  3. hoàng long

    Nói thì nói thôi, đa phần nông dân trồng cà phê là vay mượn trước để lấy tiền chăm sóc cà phê. Có mấy ai khá giả đâu mà bỏ tiền túi chăm sóc cà phê, nên tới vụ thu hoạch dù rẻ nhưng buộc phải bán trả nợ, chủ nợ lúc đó mới vác xe đi đòi nợ. Còn chính sách tín dụng của nhà nước không biết nới khác thế nào chứ ở nơi tôi ở huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng ra Agribank đang ký vay có đi chục lần các cán bộ tín dụng cứ nói sáng mai vô, mà chờ miết chả thấy gì. Tôi đi hỏi thăm thì nghe nói muốn vay phải quen biết hay qua cò 5-10% chi phí bôi trơn, thật là buồn thay cho kiểu làm ăn bóp nghẹt người dân như vậy, mặc dù họp quốc hội nói nào là phòng chống tham nhũng. Nhưng tôi thấy rất khó để chống tham nhũng, vì những người đang có công việc đó đa phần là con cháu giám đốc ngân hàng nên địa vị của họ rất khó mất được. Tôi đi miết rút cục chán đành bán cà phê non để lấy tiền chăm sóc cà phê. Đây hoàn toàn là sự thật không biết nơi các bạn có tình trạng đó không.

  4. hoàng long

    Ở nước ngoài anh mà làm ăn không có tinh thần trách nhiệm, mỗi một quan chức chính phủ mà không là công bộc của nhân dân thì nhân dân sẽ không bỏ phiếu cho anh về đi cày luôn. Còn các cán bộ tín dụng kia trình độ tôi chưa dám nói là không có năng lực nhưng qua cách làm ăn chỉ muốn lợi cho bản thân mình mà quên đi lợi ích của người khác, tôi nghĩ những người đó nên về cuốc đất còn hơn. Mà hỏi thăm ra đa số con cháu giám đốc ngân hàng trình độ chẳng chính quy gì hết, đa phần quen biết xin vô làm rồi đi học tại chức cho hợp thức hoá bằng cấp thôi. Trong khi nhiều sinh viên ngành tài chính ngân hàng ra trường phải xin vô các ngân hàng tư nhân.

  5. Vũ anh

    Bài báo này dùng từ “Cờ trong tay nhà nông”, nghe phê quá anh em nhỉ? Đừng vội tin như thế.
    Cái “cờ” mà nhà nông có được vốn đã có từ lâu. Đó là sản phẩm thu về cất giữ tại nhà mình chứ không mang gửi kho đại lý. Không có hàng trong kho nên khó có chuyện bán khống bừa. Còn nếu như người ta cứ liều để chờ cái “Biết đâu…” thì chuyện nợ nần hoặc phá sản rồi lại sẽ đến. Khi làm ăn không ra gì họ sẽ quay ra ép giá bóp chẹt nhà nông. Và chuyện gì đến cũng phải đến , DNNN vào cuộc và bị … như vừa qua ta đã thấy.
    Mong nhà nước có chính sách tốt và thực thi hiệu quả để vừa ích vừa lợi dân. Chuyện tiêu cực bây giờ lĩnh vực nào và ở đâu cũng có (Quốc hội cũng bàn nhiều rồi), tôi chia sẻ tâm tư này cùng @ hoàng long .

  6. Hoang tuyen

    A hoàng long nói cũng chí phải, bởi thế mà Việt Nam mình nghèo mãi đó thôi. Khổ nhất vẫn là tầng lớp nông dân. Còn về vụ ngân hàng bạn nói sao mà đến mức đó vậy. Tôi cũng đã có lần như thế, họ cứ hứa tới hứa lui, cuối cùng tôi đành phải điện thoại ra tận bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, sau đó tôi điện cho giám đốc ngân hàng tỉnh phản ánh sự việc, thế là được vay ngay. Chung quy lại cũng do bà con mình làm hư họ mà thôi.

  7. Hoang tuyen

    Nói về tiêu cực của xã hội ta hiện nay nó đang như một thảm họa vậy, nó đang âm ỉ đục khoét ở mỗi nơi mỗi lúc. Con cái nông dân mình các cháu dù là ngành nghề gì cũng đã và đang gánh nặng sự ngược đãi vì cha mẹ là dân cày mà dân cày thì ít ai có con cháu làm quan lớn, lại lấy đâu ra tiền để lo cho con cháu vào được những nơi xứng tầm đào tạo với khoản lót tay hàng trăm triệu đồng.
    Có lẽ mấy ông nhà nước còn lạ gì vấn nạn này, còn dân thì đấu tranh thì tránh ở đâu. Thôi con vua thì lại làm vua con của nhà chùa mãi quyét lá đa vậy. hoang long không nhớ bao nhiêu nông dân gửi cà cho dn rồi bị mất đó sao, cuối cùng ai mất có phải nd? Vụ vinasin thôi mình là nd lo sắm cái cuốc cho sắc thôi ông ạ.

  8. hoàng long

    Anh Tuyên thì còn gặp may không lẽ cứ ăn rồi đi tìm số của trưởng phòng nông nghiệp gọi sao, họ là con cháu giám đốc thì có gọi cho trưởng phòng cũng chẳng ăn thua đâu. Tôi có gọi nhưng họ nói là liên hệ với cán bộ tín dụng mà vay, thôi đành bán cà phê non cho chắc ăn có rẻ cũng đành chấp nhận cho nhẹ đầu óc. Con nông dân mình học cũng giỏi lắm nhưng khó có cửa vô các ngân hàng nhà nước được, với khoản lót tay hàng trăm triệu đồng.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

88