Đắc Lắc : Ồ ạt trồng hồ tiêu, hệ lụy khó lường

Đến thời điểm này, giá hạt tiêu đã lên đến hơn 100.000 đồng/kg. “Cơn sốt” trồng tiêu tại Đắc Lắc “nóng” hơn bao giờ hết khi nông dân ồ ạt mở rộng diện tích bất chấp những rủi ro khôn lường…

Phá cà phê để trồng tiêu

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn tiêu, ông Đoàn Sáu (thôn Tân Bằng, xã Ea Toh, huyện Krông Năng) hồ hởi khoe: “Năm ngoái, gia đình tôi trồng gần 700 trụ. Năm nay thấy giá tiêu cao nên tôi quyết chặt một héc-ta cà phê để dựng thêm 1000 trụ nữa”. Ông Sáu nhẩm tính, với mức giá hiện tại thì một héc-ta tiêu nếu cho năng suất tốt sẽ thu được khoảng 400 triệu đồng/năm, lợi nhuận gấp hai, ba lần so với cà phê. Tình trạng sâu bệnh đang diễn biến phức tạp trên cây cà phê nên nông dân ở nhiều địa phương đã chặt bỏ vườn cà phê, nhường đất cho cây hồ tiêu.

Về Đắc Lắc những ngày này, đâu đâu cũng nghe người dân bàn tán sôi nổi về chuyện trồng tiêu. Thấy giá cao, gia đình ông Lê Văn Minh (xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) cũng sốt sắng mua tiêu về trồng. Chạy vạy mãi ông cũng kiếm được ít vốn để dựng 300 trụ tiêu trên khoảng đất trống trước đây chỉ trồng ngô, đỗ. Ông còn tận dụng cả những cây muồng chắn gió ven rẫy để làm trụ cho tiêu. Khi đề cập đến nguy cơ mất giá, ông Minh cười xòa: “Ở đây ai cũng trồng cả, mình dại gì mà không trồng! Được trụ nào hay trụ ấy chứ!”.

“Cơn sốt” này khiến “mồi” tiêu (đọt làm giống) trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết. Nếu năm ngoái, một “mồi” chỉ 10.000 đồng thì hiện nay giá đã lên đến 15.000-20.000 đồng. Giá cao, trong lúc các trạm khuyến nông, cơ sở cây giống không cung cấp đủ nhu cầu nên nhiều nhà vườn còn kiêm luôn cơ sở bỏ “mồi” tiêu. Gia đình ông Đoàn Sáu là một ví dụ. Cách tạo “mồi” của ông vô cùng đơn giản: Tiêu trồng hơn một năm sẽ lựa chọn những đọt khỏe, rễ bám tốt rồi cắt bán. Không chỉ ông Sáu mà những gia đình chỉ có vài trăm trụ tiêu cũng tranh thủ bán “mồi” để kiếm lời.

Ông Phan Hùng Cường, Phó trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắc Lắc cho biết: Chủ trương của tỉnh đối với cây hồ tiêu là tập trung đẩy mạnh thâm canh, không mở rộng thêm diện tích. Tuy nhiên, trên thực tế, diện tích trồng tiêu đã và đang tăng lên nhanh chóng.

Nguy cơ khủng hoảng thừa nguyên liệu

Tình trạng người dân đổ xô trồng tiêu khiến ngành nông nghiệp và giới chuyên môn lo lắng. Bởi nó không những gây thiệt hại trực tiếp đến lợi ích của người nông dân mà còn gây hệ lụy khôn lường đối với môi trường. Một cán bộ Phòng Kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắc Lắc phân tích: Khác với cà phê, cây tiêu có chế độ trồng và chăm sóc đặc biệt. Phải hợp thổ nhưỡng, được chăm sóc đúng kỹ thuật, tiêu mới phát triển tốt. Việc tận dụng quỹ đất trống, đất ven rừng, cây chắn gió để mở rộng diện tích… sẽ không bảo đảm yêu cầu. Ngoài ra, người dân thường tự tạo hoặc mua giống thông qua người quen chứ ít khi mua từ trạm khuyến nông hay cơ sở cung cấp giống. Việc chọn giống chủ yếu bằng kinh nghiệm cá nhân nên chất lượng không bảo đảm. Tình trạng sâu bệnh cũng theo đó phát sinh mạnh trên diện rộng như đã xảy ra tại huyện Ea H’leo, gây chết tiêu hàng loạt.

Các yếu tố trên là nguyên nhân dẫn đến năng suất, chất lượng hạt tiêu không đạt yêu cầu mà thị trường đòi hỏi. Bên cạnh đó, lối canh tác tự phát theo kiểu “phong trào” sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng. Ở nhiều địa phương, người dân đã chặt bỏ vành đai cây chắn gió, phá rừng để dựng trụ trồng tiêu.

Các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng: Nông dân đổ xô trồng tiêu khi giá tiêu tăng cao là quy luật tất yếu. Điều này đã xảy ra với bất kỳ loại cây trồng nào mang lại lợi nhuận cao cho nhà nông. Tình trạng “chặt-trồng, trồng-chặt” diễn ra như một căn bệnh khó chữa của người nông dân đối với lợi ích tức thời. Chọn cây trồng nào, canh tác ra sao là quyền của người nông dân. Không ai có thể ngăn cấm họ. Theo quy luật, diện tích tăng, sản phẩm dư thừa sẽ khiến cung vượt cầu, giá nguyên liệu theo đó mà giảm sút, hệ lụy khó lường.

Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn là, dù biết trước hậu quả nhãn tiền đối với cách làm ăn tự phát, thiếu quy hoạch bền vững này, nhưng cho đến nay, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa có giải pháp nào để giải quyết vấn đề này.

*Trước đây, việc ồ ạt trồng cà phê ở Đắc Lắc nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã để lại những bài học cay đắng. Thế nhưng, có vẻ bài học ấy đang bị lãng quên khi người nông dân lại tiếp tục đi vào vết xe đổ đối với cây hồ tiêu, dù cuối cùng, nhà nông là người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. (Nguồn: Sở NN&PTNT tỉnh Đắc Lắc)

Báo Điện tử QĐND


Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. TRUONG VAN HAI

    Không nen chặt cà phê để trồng tiêu mà nên trồng xen trong cà phê thì tốt hơn . Vì trồng đại trà dễ lây lan bệnh và có thể chết hàng loạt thiệt hại về kinh tế khôn lường.

  2. Tín nghĩa

    Công ty giống cây trồng của ông Vinh Ea K’Mat trúng mánh, ươm cả mấy triệu bịch tiêu giống thu hàng chục tỷ mà còn bô bô quy hoạch với quy định nhặn xị cả lên…
    Cấc vị bán giống là tiếp tay cho việc ồ ạt phát triển diện tích, không nghe ông Minh nói hả: “dại gì mà không trồng” (ông ấy nói hay là nhà báo nói hở?)
    Chỉ tội cho người dân, tiền mất tất mang. Khi cây không lên nổi thì: “trồng thiếu quy hoạch, để dịch bệnh lây lan khó kiểm soát…”
    Vẫn là bài ca muôn thuở!

  3. Tiêu đen

    Nói được thì thiên hạ cứ nói, sống chết mặc bây còn tiền bây thì … bỏ zô túi.
    Dại gì mà không tranh thủ nhỉ?

  4. Trọng tài

    Giá tiêu xô như hiện tại thì không ai có thể ngăn bà con gia tăng diện tích trồng tiêu được. Gấp 3-4 lần cà phê rồi.

  5. xelam

    Vai trò quản lí của cơ quan nhà nước là Bộ NN & PTNT ở đâu rồi ? Còn nữa, các vị của cái gọi là Hiệp hội hồ tiêu ? Chỉ cho nông dân bọn em với ! Tự em mò, không biết chết lúc nào đây !

  6. leminh

    Có gan ăn muống, có gan lội hồ. Thắng nông dân ta được thua nông dân ta chịu, từ trước đến nay vẫn thế!

  7. Ngóe

    Anh nhà báo đang viết để động viên bà con kìa : “Ở đây ai cũng trồng cả, mình dại gì mà không trồng”!

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82