Tin buồn

An sinh xã hội nhìn từ chính sách tín dụng nông nghiệp

thu-hoach-ca-pheTây Nguyên đang mùa mưa. Sức sống những rẫy cà phê, hồ tiêu, cao su bắt nguồn từ hiệu ứng của chính sách tín dụng nông nghiệp đã “tưới mát” thêm cho mảnh đất ba-zan như càng xanh tươi hơn. Ði đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận rõ niềm vui, sự phấn chấn của đồng bào, người dân bởi các loại nông sản đều được mùa, được giá…

Tiếp sức cho nông dân làm giàu

Rẫy cà phê đang vào kỳ kết trái cho vụ mới, nhưng trong ngôi nhà nằm giữa khu rẫy bảy héc-ta của anh Lầu A Sy ở thôn Phú Xuân, xã Ðác Nia, thị xã Gia Nghĩa (Ðác Nông) vẫn còn hơn 10 tấn cà phê nhân. Ðây là số cà phê anh trữ lại từ niên vụ trước khi thấy giá cà phê liên tục tăng cao. “Giá cà phê đã 50 đến 51 nghìn đồng/kg, gấp đôi so với mức giá đầu vụ rồi. Tôi cũng dự tính sắp tới bán thôi. Với mức giá này, trừ hết chi phí thì mỗi héc-ta cà phê cũng thu lời từ bảy mươi đến tám mươi triệu đồng…”. Lầu A Sy hồ hởi nói.

Không giống như nhiều năm trước, người trồng cà phê thường bán hết ngay sau khi thu hoạch, nhưng những năm gần đây, do giá biến động, hơn nữa người trồng cà phê đã có nguồn vốn tích lũy, cộng với cơ chế vay vốn ngân hàng đã thông thoáng và thuận lợi, nên nhiều hộ tích trữ cà phê chờ đến thời điểm hợp lý mới bán như gia đình Lầu A Sy.

“Cho vay tới 50 triệu đồng mà không cần thế chấp là một điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất. Lâu nay người dân cần vốn sản xuất gặp khó khăn ở chỗ không có tài sản thế chấp. Với nông dân, chỉ cần 50 hoặc 30 triệu đồng thôi cũng đủ làm được nhiều việc lắm rồi…”. Ấy là anh Lầu A Sy nói tới Nghị định 41/2010/NÐ-CP của Chính phủ về tín dụng nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 41). Với kinh nghiệm của một chủ trang trại từng lái xe công nông thuê, đi lên nhờ nguồn vốn vay ban đầu 49 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Ðác Nông, đến nay anh Sy đã có một trang trại bảy héc-ta trồng cam, cà phê, hồ tiêu với doanh thu mỗi năm hơn ba tỷ đồng.

Khác với Lầu A Sy, gia đình ông Nguyễn Minh Phú ở Nam N’Jang, huyện Ðác Song (Ðác Nông) là một hộ sản xuất nhỏ với một héc-ta cà phê. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư nên nhiều năm trước, cà phê của gia đình ông đạt năng suất thấp. Nghe có chủ trương của Nghị định 41, ông Phú quyết định vay 50 triệu đồng của Ngân hàng NN và PTNT huyện Ðác Song để đầu tư phân bón và ống tưới nước phục vụ chăm sóc cà phê. Nhờ đó, nếu như vụ trước năng suất cà phê nhà ông chỉ đạt được hai tấn thì vụ này gia đình ông thu hơn bốn tấn. Năm nay cà phê lại được giá cao nên sau khi trừ chi phí sản xuất, hoàn trả cả gốc và lãi cho ngân hàng, ông còn lãi 70 triệu đồng. Ông Phú chia sẻ: “Trước đây muốn vay ngân hàng, tôi phải làm rất nhiều thủ tục và thời gian chờ được giải ngân vốn khá lâu. Nhưng giờ vay theo nghị định mới, tôi thấy thủ tục vay của ngân hàng đơn giản, nhanh gọn và thời gian chờ được giải ngân vốn cũng rút ngắn so với trước. Thời gian tới, tôi sẽ vay thêm tiền để mở rộng quy mô và trồng các loại cây công nghiệp khác”.

Ông Trần Ðình Chánh, Giám đốc Ngân hàng NN và PTNT tỉnh Ðác Nông cho biết: Việc triển khai và thực hiện Nghị định 41 đem lại nhiều lợi ích cho nông dân. Ðây vừa là cơ hội giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi, vừa là thách thức đối với ngân hàng…

Khẳng định vị thế nông nghiệp

Thời gian qua, nông nghiệp – nông thôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế đất nước. Cùng với việc triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội, các ngành, các địa phương đang nỗ lực tạo thuận lợi cho đầu tư sản xuất… Ðặc biệt, Nghị định 41 là cú hích quan trọng, và là “liều thuốc” giải cơn khát vốn của nông nghiệp – nông thôn, từ đó thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ đắc lực cho tăng trưởng, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo và thực hiện an sinh xã hội với khu vực này.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Nghị quyết 26 – NQ/T.Ư về nông nghiệp, nông dân và nông thôn do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì mới đây, Chính phủ đã đánh giá việc triển khai Nghị quyết có sự góp sức không nhỏ của tín dụng ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã xây dựng đề án riêng về đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm có chính sách hỗ trợ đặc thù cho khu vực này. Trên cơ sở kết hợp tối đa các nguồn vốn, một số ngân hàng đã có chính sách lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1 – 2%/năm so với cho vay lĩnh vực khác.

* GDP từ sản xuất nông nghiệp tăng đã kéo thu nhập của người nghèo lên từ hai đến bốn lần so với GDP từ các hoạt động phi nông nghiệp.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Thuận Hòa

    Chính sách này là sự thiết thực hữu ích nhất cho người trực tiếp sản xuất ra hạt cafe. Nếu chỉ có hỗ trợ cho những doanh nghiệp vay vốn làm kinh doanh mà quên đi người sản xuất thì cũng chả có hàng đâu để mà tiếp tục kinh doanh. Vậy nên chúng ta nên tham khảo và thông báo việc này trên nhiều phương tiện thông tin giúp người làm cafe nắm bắt để có khả năng hỗ trợ canh tác tốt hơn.

    1. Cư Pul

      Chủ trương này có từ năm ngoái mà mấy ai vay được bằng cửa trước. Còn những hộ chăm sóc cà phê liên kết với các công ty thì càng chịu sầu. Sổ đỏ có đâu mà vay?

  2. Đinh tân lâm

    Tác giả của bài báo trên báo Nhân Dân này cưỡi ngựa xem hoa cho dân đi trên mây.
    Báo viết: Anh Lầu A Sy thu từ vườn cà phê, cam, tiêu hơn 3 tỷ trên 1 năm. Chắc bán hết cả vườn chưa biết được 3 tỷ hay ko. Còn nói về chính sách của ngân hàng ko cần thế chấp mà được vay nhiều vậy nghe mà ham. Nếu được ngân hàng hỗ trợ như vậy thì nông dân nước ta đâu phải mua phân thiếu với lãi cắt cổ và đầu mùa phải ồ ạt bán cà phê để trả nợ. Nếu được như bài báo viết thì dân ta đã thoát nghèo. Nghe còn xa vời với thực tế lắm.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84