Cà phê hạ giá: Nhà vườn nao núng

Khô hạn, thiếu nước tưới, giá vật tư lên cao… bây giờ lại đến việc giá cà phê hạ khiến nhà vườn và DN kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên như đang ngồi trên chảo lửa.

Cập nhật mới nhất cho thấy: Giá cà phê nhân xô Robusta tại Kon Tum, Gia Lai và Đăklăk chỉ còn 23.400 đồng/kg, tại Lâm Đồng có đỡ hơn một chút- 23.500 đồng/kg, riêng tại Đăk Nông chỉ còn 23.200 đồng/kg. Giá cà phê đã ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý người trồng cà phê ở đây.

Trong cái nắng nóng của tháng ba Tây Nguyên, đánh trần giữa cái nắng như đổ lửa, vợ chồng anh Ngô Văn Ba ở thị trấn Đăk Hà- huyện có diện tích cà phê lớn nhất của tỉnh Kon Tum đang hì hục kéo đường ống, vắt từng giọt nước hiếm hoi để tưới cho gần 2ha cà phê. Anh cho biết: Mặc dù giá cà phê xuống thấp, nhưng không thể bỏ mặc cây cà phê chết cháy ngoài vườn. Từ sau Tết đến giờ, gia đình đã phải bỏ ra gần 30 triệu đồng để bón phân, tưới nước, thuê công lao động. “Cũng may mà còn có chút ít tiền tích lũy được từ những vụ trước, nếu không cũng đành bỏ mặc thôi!”- anh nói.

Ông Hoàng Thới ở Đăk Đoa (Gia Lai) cho biết: Niên vụ cà phê vừa rồi, trừ chi phí thì chỉ còn đủ lo cho 2 đứa con học đại học ở xa và một đứa đang học cấp hai. Bây giờ nhà ông chẳng còn đồng nào để tái đầu tư cho gần 2ha cà phê của mình. Tưới nước thì còn có thể tự làm bằng cách hai vợ chồng chịu khó thức khuya dậy sớm, tranh thủ nguồn nước ít ỏi lúc ít người tưới. Còn tiền phân bón và những chi phí khác thì đành chịu.

Ông Thới ngao ngán: “Cố được đến đâu thì biết đến đấy thôi, đến lúc không thể cố được nữa thì cũng đành bán non vườn cà phê để lấy tiền chăm sóc, hy vọng vào mùa sau. Cây cà phê chỉ cần bỏ lơ một năm không chăm sóc hoặc chăm sóc không đến nơi đến chốn thì những năm sau sẽ bị giảm sản lượng. Vậy nên có khó mấy thì cũng phải đầu tư..”. Ra đến cửa, ông Thới kéo tay tôi lại dặn: “Anh đừng viết rõ tên và địa chỉ gia đình tôi nhé, hai đứa nhỏ học xa mà biết được thì chúng sẽ không yên tâm mà học tập!”. Quả thật, nông dân có quá nhiều nỗi lo!

Ông Thới chưa bán non vườn cà phê của mình vì vẫn còn “cố” được. Thế nhưng rất nhiều vườn cà phê ở Tây Nguyên đã…tạm thời “sang tên đổi chủ” bằng cách bán non vì không thể cố được như ông. Theo tính toán của nhiều nhà vườn thì chi phí cho 1ha cà phê (1 năm) lên đến gần 30 triệu đồng. Trong thời điểm khó khăn như hiện nay thì đây là số tiền quá lớn đối với nông dân, chính vì vậy mà rất nhiều hộ đành nuốt nước mắt mà bán non vườn cà phê.

Bà Nguyễn Thị Hồng ở Ia Grai (Gia Lai) là một ví dụ- gần 2 ha cà phê của gia đình bà đã được bán non cho hai thương lái ở thành phố Pleiku. Số tiền bán được, bà để lại một ít lo cho sinh hoạt gia đình, còn thì “đổ” tất xuống từng gốc cà phê. Bà nói: “Tôi có nghe Bộ Nông nghiệp và ngành cà phê khuyến cáo nông dân không nên bán non vườn cà phê, vì dự báo cuối vụ giá cà phê sẽ tăng. Tuy nhiên chờ đến khi giá cao thì không biết cây cà phê có còn sống nổi  nữa không”.

THỊNH’C
Theo NNVN

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81