Thăm Parsong – Đà Lạt của đất nước Lào

Khí hậu ở Paksong giống như Đà Lạt ở Việt Nam, phát âm đúng tiếng của người bản xứ là “Pak xòn”. Đêm ở Pak Xòn quá lạnh, dù vừa vượt quãng đường xa gần 600 km từ TP.HCM sang đây, nhưng tôi và anh bạn nhạc sĩ Quang Lộc không ngủ được, bèn trở ra xe lấy chai rượu trắng đặc sản của Lào và bọc xoài mà anh bạn ở Suối Đá tặng, mang vào ngồi bên nhau mượn chút men say để ấm lòng cho dễ ngủ…

Một người Hà Lan ở quán cà phê

Buổi sáng sớm trời Paksong vẫn còn hơi sương, nhìn cảnh vật chung quanh đẹp và thơ mộng vô cùng. Căn nhà chúng tôi tạm nghỉ nằm giữa một vùng đất đỏ bằng phẳng, chung quanh được bao bọc bởi những dãy núi. Phía xa xa sau nhà là những cánh đồng cà phê mới trồng. Mặt trời nhô lên, những tia nắng xuyên qua màn sương ánh lên những màu sắc lung linh và hơi ấm thật thú vị. Chúng tôi ra xe đến quán Mr Coffee để uống cà phê.

Mr Coffee thật ra là cách gọi của anh bạn tôi (ở Lào lâu nay) đối với ông chủ quán. Anh ta là người Hà Lan dáng cao ráo, mảnh khảnh nhưng lanh lợi và lịch thiệp. Không hiểu quen biết thế nào và nơi đâu, anh ta đã lấy một cô vợ người Lào trẻ trung hiền dịu và về định cư ở nơi đây, mở một quán cà phê nho nhỏ để sinh sống. Trước quán, anh treo cái bảng Coffee nhỏ, căn nhà có mái che lụp xụp nhưng anh trang trí những chiếc bàn và bánh xe bò bằng gỗ trông có vẻ nông thôn chân chất. Anh tự rang cà phê và pha chế tại chỗ phục vụ khách, hương vị cà phê đặc trưng của Paksong vì Paksong xem như thủ đô cà phê của đất nước Lào. Đặc biệt, các tour du lịch khách nước ngoài đều ghé quán anh để trao đổi và nhờ anh hướng dẫn vì anh rất rành địa bàn và thông thạo tiếng Anh. Tôi nhìn vào cái bảng nhỏ bằng giấy cứng anh viết giới thiệu những địa điểm du lịch, giá cả cà phê và một câu trên đầu bảng bằng tiếng Anh: “Hướng dẫn du lịch 14 USD/ giờ”. Thật vậy, anh vừa là chủ quán kiêm rang cà phê, pha chế cũng như chạy bàn. Nếu có yêu cầu của khách hướng dẫn du lịch thì anh giao quán lại cho vợ và lên đường ngay tức khắc.

Thác Tad Fane
Thác Tad Fane

Anh châm thêm cà phê cho tôi và mang thêm một hũ đường, tôi hỏi anh có đường trắng không. Anh bảo ở Lào chỉ dùng đường vàng của Thái Lan vì người ta cho rằng nó sạch và không dùng hóa chất tẩy. Anh bạn tôi ngẫm nghĩ và nói riêng với tôi: Một người Châu Âu chọn nơi làng quê nhỏ hẻo lánh nầy sinh sống thì cũng là điều đáng nói và suy ngẫm… Còn tôi thì cho rằng: Khi tình yêu lên tiếng thì không có bất cứ một vách ngăn, rào cản nào làm cho con người chùn bước. Tình yêu làm con người gần gũi và yêu thương nhau hơn. Anh ta đầy đủ kiến thức và từ bỏ vùng trời châu Âu văn minh để đến sống ở một miền quê với không khí trong lành, với rừng núi và đất trời xanh biếc hoang sơ và hoang dã. Anh ta chỉ cần sống với người mình yêu, con thơ và làm những công việc bình thường như mọi người để nuôi dưỡng tình yêu thương đó. Nghĩ cho tận cùng thì con người làm việc cật lực kiếm tiền để thỏa mãn một vài yêu cầu trong cuộc sống Nhưng đích đến tận cùng của nó cũng là bảo vệ và nuôi dưỡng những tình cảm, những hạt giống yêu thương tốt đẹp, cao quý và dâng hiến cho đời …

Bên bàn trong, những cô, cậu, ông tây, bà đầm, mỗi người một máy laptop đang mở Internet tìm kiếm thông tin vừa trao đổi xôn xao, chuyện thời sự thế giới, các nền văn minh văn hóa, nơi sẽ đến và nơi sẽ đi. Bạn có thể đến đây trao đổi bằng tiếng Anh thoải mái.

Sau buổi cơm trưa ở một nhà hàng nhỏ bên đường, ông bạn của chúng tôi bận một số việc riêng nên tôi và nhạc sĩ Quang Lộc mượn một chiếc xe gắn máy để dễ len lỏi vào các đường quê và đi thăm viếng một số thắng cảnh ở Paksong.

Một nông dân Lào bên thác nước Tad Champee

Tad Champee là một thác nước còn khá hoang dã, đường đất đỏ chạy vào khoảng 3 km, hai bên đường người dân trồng cà phê. Nhìn những gốc cà phê to cằn cỗi đủ biết nơi đây có truyền thống trồng cà phê lâu đời. Dường như người dân không sử dụng phân hóa học và cách chăm sóc đơn sơ nặng về thủ công, cũng không hề sử dụng thuốc diệt cỏ. Chính vì thế, mặc dù năng suất thấp nhưng hương vị cà phê ở Paksong rất được các nước và người châu Âu ưa thích. Khu Tad Champee chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng nên đường vào hơi khó khăn nhưng cảnh trí khá lý tưởng cho khai thác du lịch.Tôi và Quang Lộc lội bộ một vòng men theo bờ vực của dòng suối và leo dốc khá mệt, nhưng bù lại cảnh vật đẹp, không khí trong lành, nghe dòng nước đổ thú vị và tâm hồn bay bổng nhẹ nhàng.

ca-phe-lao
Mr. Coffee người Hà Lan (thứ hai từ phải sang)

Ở Tad Champee, tôi làm quen với một nông dân và anh cũng là người giữ xe cho chúng tôi vào thăm suối nước. Trông anh vạm vỡ nhưng hiền lành, chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tất cả khả năng có được, nửa tiếng Anh, nửa tiếng Việt, chen lẫn tiếng Lào kể cả ra dấu và vẽ trên mặt đất. Nhờ vậy mà anh chỉ đường cho chúng tôi đến Tad Fane Waterfall. Qua những câu chuyện ngắn gọn, tôi phát hiện thêm được nhiều điều thú vị về người Lào. Xin kể một chuyện nhỏ cho các bạn nghe và các bạn có quyền nhận định đánh giá theo cảm nghĩ riêng của mình.

Tôi hỏi:

  • Anh có trồng trọt gì không?
  • Cà phê và bắp.
  • Bắp anh trồng diện tích được bao nhiêu?
  • 2 hecta
  • Anh thu hoạch bắp được bao nhiêu một hecta?
  • 1 tấn/ hecta, 2 hecta được 2 tấn.
  • Tôi có thể chỉ giúp anh vài kỹ thuật canh tác sẽ đạt được trên 2 tấn/ hecta.
  • Vậy thì tôi làm một hecta thôi.

Khi tôi kể câu chuyện này cho các bạn nghe, có anh bình phẩm cho là làm biếng. Có người cho rằng do ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, chỉ làm đủ ăn thôi không tham lam. Riêng tôi nghĩ, nếu tất cả mọi người đều có suy nghĩ như anh chàng nông dân trên thì thế giới sẽ sống trong hòa bình an lạc. Làm sao có chủ nghĩa đế quốc đi xâm lược, làm sao có tư bản tích tụ đất đai. Xin cảm ơn anh nông dân chất phác ở Tad Champee đã cho tôi hiểu thêm những điều đơn sơ nhưng vô cùng thú vị.

Theo sự hướng dẫn của anh (dùng ngón tay vẽ sơ đồ trên đất) nên tôi và Quang Lộc dễ dàng tìm đến Tad Fane. Có đến Tad Fane Waterfall mới thấy sự hùng vĩ của trời đất núi rừng và thác đổ. Tad Fane nằm trên cao nguyên Boloven có độ cao khoảng trên một ngàn mét so với mặt biển. Tad Fane Waterfall là một địa điểm du lịch sinh thái thật lý tưởng. Từ một điểm nhìn được toàn cảnh vùng cao nguyên núi rừng trùng điệp bao phủ màu xanh bởi lá cây rừng dày đặc, hai dòng nước trắng xóa từ độ cao khoảng hai trăm mét đổ xuống vực thẳm pha một chút màn sương và tia nắng mặt trời lấp lánh, bạn sẽ cảm thấy lòng mình lâng lâng choáng ngợp với vẻ đẹp thiên nhiên diệu kỳ và đầy quyến rũ. Bạn hít thở không khí trong lành, nhìn về phía xa xa và thấy lòng mình mở rộng nhẹ nhàng thanh thản hòa nhập với thiên nhiên một cách dịu dàng và thánh thiện. Không dễ gì trong đời chúng ta có được những cảm giác như thế…

Tôi và Quang Lộc nhìn thác nước đổ no mắt nhưng vẫn cảm thấy chưa vừa nên lên ngôi nhà sàn là nhà hàng gọi hai ly cà phê ngồi nhìn về phía núi, rừng, trời mây. Thác nước đổ thành hai vệt trắng xóa bất kể thời gian, không gian và bóng chiều nhẹ nhàng rơi xuống thấp…Thật là những giây phút tuyệt diệu.

Ở Paksong còn nhiều địa điểm có suối và thác nước rất đẹp giữa núi rừng cao nguyên còn mang những nét nguyên sinh đầy quyến rũ, có thể phát triển du lịch thật lý tưởng. Ở miền Nam Việt Nam có Đà Lạt xinh đẹp mộng mơ đầy lãng mạn, khí hậu ôn hòa thì Paksong cũng như Đà Lạt của đất nước Lào. Vấn đề là xây dựng và phát triển những lợi thế và tiềm năng có sẵn.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80