Tin buồn

Nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu? – Giải pháp “gỡ nút thắt”

Việt Nam được đánh giá là nước sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản với số lượng lớn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bên cạnh việc giải bài toán số lượng, chúng ta cần nâng cao chất lượng để từ đó nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng.

> Bài 1: Con số “buồn”
> Bài 2: Mạnh – yếu ở đâu?

Thu hoạch tiêu
Vườn tiêu của gia đình anh K So Juh ở xã Ia B Lang .

Phải thực sự “vào cuộc”

Theo các chuyên gia, ngoài việc nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, nhà sản xuất cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nên chú trọng đến khâu chế biến, bảo quản, đóng gói thành phẩm.

Điều này đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách xuất khẩu, nhất là với mặt hàng nông, thủy sản nhiều bài toán khó. Chẳng hạn, với mặt hàng cà phê, việc thu mua dự trữ là điều quan trọng, quyết định tới hiệu quả xuất khẩu.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho rằng, chính sách về tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê sẽ là “bệ đỡ”, có tác động lớn tới hiệu quả của hoạt động xuất khẩu mặt hàng này. Với mặt hàng gạo, những biện pháp ngăn chặn các doanh nghiệp trong nước lao vào cuộc chạy đua giảm giá xuất khẩu được ban hành cần phải được thực hiện nghiêm túc. Quy định về giá sàn xuất khẩu gạo trong từng giai đoạn sẽ giúp doanh nghiệp giữ được thị trường và lợi nhuận, qua đó giúp người trồng lúa bán được hàng với giá cao hơn.

Với mặt hàng thủy sản, ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã thông báo một kế hoạch táo bạo: cắt giảm sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm 2011. “Đây là hành động giúp giữ được giá xuất khẩu và cũng giúp các doanh nghiệp tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Dũng giải thích.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề ra mục tiêu tăng từ 8-10% giá trị sản xuất chế biến nông, lâm, thủy sản. Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ phải phát triển theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa được bảo quản, nâng giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị triển khai các biện pháp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đồng thời sớm xây dựng mới các tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề này.

Bộ Công Thương cũng mới ban hành Quyết định số 1856 về các giải pháp điều hành xuất, nhập khẩu năm 2011. Theo đó, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tăng dần tỷ trọng xuất khẩu hàng có giá trị gia tăng cao, giảm tỷ trọng hàng sơ chế, hàng có giá trị gia tăng thấp, tiến tới chấm dứt xuất khẩu thô. Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ có cơ chế hợp lý điều tiết tạm trữ một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực để tiêu thụ vào thời điểm có lợi nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu.

Để hỗ trợ xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ xây dựng đề án đưa hàng Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối của các siêu thị lớn ở châu Âu. Những thị trường truyền thống hoặc thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký hiệp định mậu dịch tự do và một số thị trường mới giàu tiềm năng như các nước Đông Âu, Tây Á, Nam Á, Trung Đông, châu Phi, Mỹ La tinh… sẽ được tập trung khai thác.

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chương trình hành động thiết thực để gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hoá nông sản như hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hình thành các chợ đầu mối nông sản, tổ chức hội chợ trái cây, xúc tiến tìm kiếm thị trường, xây dựng sàn giao dịch nông sản… nên đã có nhiều loại nông sản Việt Nam được thế giới biết đến như càphê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận, xoài cát Hoà Lộc, bưởi Năm Roi, hồ tiêu Chư Sê…

Tuy nhiên, muốn xuất khẩu nông sản hiệu quả và bền vững thì những giải pháp ấy rất cần nhưng chưa đủ. Các chuyên gia cho rằng, muốn cạnh tranh được trên thị trường thì tiêu chí hàng đầu của các loại nông sản phải đạt được là chất lượng – vệ sinh an toàn thực phẩm – mẫu mã – giá thành. Thế nhưng lâu nay, chúng ta mới chỉ chú trọng sản xuất, kinh doanh những gì mình đang có với khối lượng lớn mà hiệu quả thấp, chất lượng kém mà giá thành cao, vì thế hiệu quả kinh tế thu về chưa tương xứng với tiềm năng.

Linh hoạt ứng phó

Để khắc phục hạn chế của hàng nông sản xuất khẩu, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, nhà khoa học và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông sản. Trong đó, quan trọng nhất là đẩy nhanh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cũng như công nghệ sơ chế ban đầu cho nông dân để họ thực sự là những công nhân nông nghiệp.

Cùng với đó là tập trung đầu tư vào khâu nhân chọn giống, hình thành những trung tâm giống nông sản chất lượng cao phù hợp với điều kiện của từng vùng miền; mạnh dạn chuyển đổi những loại giống kém chất lượng. Có chính sách đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng cũng như công nghệ sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch, bởi đây là khâu yếu nhất trong sản xuất, kinh doanh nông sản ở nước ta hiện nay.

Nhà nước cũng cần sớm hoàn chỉnh hệ thống chính sách quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế để các doanh nghiệp cũng như người sản xuất lấy đó làm mục tiêu phấn đấu trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh hơn nữa chương trình xây dựng thương hiệu cho các loại hàng hoá nông sản, coi thương hiệu như một điều kiện bắt buộc đối với sản xuất kinh doanh xuất khẩu. Không ngừng xúc tiến tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu để hạn chế những rủi ro không đáng có khi một số thị trường truyền thống gặp khó khăn…

Các nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam cũng có thể tìm kiếm cơ hội ngay tại thị trường nội địa. Khi thị trường thế giới đang bị suy giảm thì một thị trường sẵn có với hơn 80 triệu dân là cần thiết để có thể giúp các nhà xuất khẩu nông sản giải tỏa lượng hàng tồn dư trong ngắn hạn, duy trì sản xuất và đảm bảo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, việc thuyết phục thị trường nội địa tiêu thụ mặt hàng cá tra, đông lạnh sẽ phải đòi hỏi một quá trình marketing (quá trình được sử dụng để xác định những sản phẩm hoặc dịch vụ có thể được quan tâm cho khách hàng và chiến lược để sử dụng trong bán hàng, truyền thông và phát triển kinh doanh) dài hơi và khó khăn.

Trong thời điểm hiện nay, các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam, với kinh nghiệm đã có của mình khi gặp khó khăn với thuế chống phá giá của Hoa Kỳ, cũng có cơ hội đa dạng hóa thị trường của mình với lợi thế thương hiệu và giá rẻ. Một số nghiên cứu kinh tế cho thấy, sau khi đạo luật ghi nhãn catfish của Hoa Kỳ được ban hành, cá tra, basa Việt Nam đã tạo ra một thị trường mới và làm giảm thị trường của cá nheo Hoa Kỳ.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định: “Tôi luôn đánh giá cao vai trò của các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Năm 2008, dù nền kinh tế toàn cầu bị khủng hoảng trầm trọng, hoạt động thương mại suy giảm mạnh, nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao hơn năm 2007. Thời điểm đó, vai trò của nông sản xuất khẩu như một cứu cánh trong lúc kinh tế khó khăn, trở thành động lực thúc đẩy nền nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, hình thành nhiều vùng chuyên canh hàng hoá lớn. Trong bối cảnh hiện nay, xu thế bảo hộ hàng hoá trong nước với những rào cản kỹ thuật ngày càng tăng đòi hỏi ngành chức năng và doanh nghiệp phải xác định lại chiến lược cạnh tranh hàng nông sản cho phù hợp. Cụ thể, sau thời gian tăng trưởng xuất khẩu dựa vào chiều rộng, cần định vị chiến lược cạnh tranh, phát triển nông sản đi vào chiều sâu, theo hướng bền vững”.

Chung quan điểm này, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta cần tập trung đầu tư chiều sâu cho những ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Vì vậy, chúng ta cần điều chỉnh chương trình xúc tiến thương mại theo hướng tăng cường sự tham gia của các hiệp hội và doanh nghiệp nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu”.

Bài 4: Chuyên gia nói gì?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79