Đắk Nông: Tan nát công ty cà phê Đức Lập

Từ một doanh nghiệp nhà nước ăn nên làm ra trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu cà phê ở Tây Nguyên, công ty cà phê Đức Lập nhanh chóng trượt dài trên con đường thua lỗ, làm thất thoát tài sản nhà nước và vốn vay ngân hàng.

Xem thêm: Công ty Cà phê Đức Lập: Trượt dài trên con đường thua lỗ

Vì sao thành Chúa Chổm?

Công ty cà phê Đức Lập đã vay hàng trăm tỉ đồng về rải cho các đại lý thu mua cà phê xuất khẩu, nhưng ngân hàng không kiểm soát được việc sử dụng vốn của Công ty, Công ty cũng không giám sát được các đại lý nên mất vốn.

Số vốn vay còn lại, Công ty không sử dụng để xuất khẩu cà phê như mục đích vay mà trả nợ vay cũ, đầu tư xây dựng cơ bản và tiêu xài hoang phí. Đó là con đường ngắn để Đức Lập trở thành… Chúa Chổm.

Vung tiền nhà nước

Công ty cà phê Đức Lập (địa chỉ kinh doanh tại thị trấn Đắk Mil, nay thuộc tỉnh Đắk Nông) là doanh nghiệp nhà nước được UBND tỉnh Đắc Lắc ra quyết định thành lập năm 1992, với nguồn vốn ban đầu 5,433 tỉ đồng – sau khi tách tỉnh năm 2004, Công ty cà phê Đức Lập được chuyển giao về tỉnh Đắk Nông.

Đến năm 1998, Đức Lập đã có nguồn vốn kinh doanh 20 tỉ đồng, vốn đầu tư xây dựng cơ bản hơn 9 tỉ. Nhưng từ năm 1999 – 2004, doanh nghiệp này liên tiếp thua lỗ 28,4 tỉ đồng, không còn khả năng trả nợ vay.

ca-phe-duc-lap-daknong
Công ty cà phê Đức Lập nợ nần chồng chất do lãnh đạo vung vãi tiền nhà nước và vốn vay.

Trong thời gian trên, Ban giám đốc Công ty đã tạm ứng 125,7 tỉ đồng cho các đại lý, cá nhân có cà phê ký gửi tại Công ty hoặc sẽ mua cà phê về nhập kho Công ty. Trong đó, nhiều khoản tạm ứng cho người ký gửi cà phê không có phiếu nhập kho Công ty để xác định có cà phê ký gửi, nhiều đại lý ứng tiền mua cà phê cho Công ty nhưng không nhập hàng về kho Công ty.

Đến cuối năm 2004, trên sổ sách Công ty thể hiện có gần 10.000 tấn cà phê tồn kho Công ty và kho các đại lý, nhưng thực tế chỉ có… hơn 80 tấn.

Liên quan đến số tạm ứng này, tính đến 31.12.2010, Công ty cà phê Đức Lập còn 744 tấn cà phê và 49 triệu đồng tiền mặt không thu hồi được. Nếu quy ra giá cà phê hiện nay, số nợ này tương đương khoảng 30 tỉ đồng.

Tuy nhiên, các con nợ đều “trình bày hoàn cảnh” là giá cà phê hiện nay quá cao, nếu thu bằng cà phê thì họ không có khả năng trả nổi. Do vậy, hầu hết đều xin được trả bằng tiền số tiền tạm ứng trước đây cộng lãi suất ngân hàng từng thời điểm.

Cùng một kiểu “thả gà ra mà đuổi”, Công ty cà phê Đức Lập còn ứng trước cho Công ty xây lắp điện Long Vân 5,5 tỉ đồng để xây dựng đường điện, nhưng giá trị quyết toán chỉ 2,9 tỉ đồng, còn 2,6 tỉ đồng bị Long Vân chiếm đoạt. Tương tự, Đức Lập còn cho Long Vân vay 750 triệu đồng để mua cà phê, Long Vân chỉ trả được 120 triệu, 630 triệu đồng còn lại chiếm đoạt nốt.

Một nguyên nhân khác dẫn đến thua lỗ là chi phí xuất khẩu cà phê và chi phí tiếp khách được Công ty chi rất “thoáng”, có năm riêng chi phí xuất khẩu đã chiếm đến 12% doanh thu xuất khẩu, nên… hết lãi.

Lừa đảo ngân hàng

Trong khi đầu năm 1999, nguồn vốn kinh doanh của Công ty cà phê Đức Lập còn đến 20 tỉ đồng, thì vốn xuất khẩu cà phê lại chủ yếu đi vay ngân hàng.

Việc vay vốn có biểu hiện gian dối, giả mạo chứng từ, sử dụng vốn sai mục đích. Công ty đã photocopy hợp đồng xuất khẩu thành nhiều bản để vay vốn nhiều nơi, vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác (32,1 tỉ), dùng vốn vay ngắn hạn đầu tư xây dựng cơ bản (10,8 tỉ) v.v…

Mặc dù đã khuyến cáo trong quá trình kiểm tra, nhưng các ngân hàng không có biện pháp siết chặt cho vay mà vẫn liên tục giải ngân, ngay cả khi Đức Lập đã nợ quá hạn cả gốc và lãi. Tính đến 31.12.2010, Công ty cà phê Đức Lập còn nợ Quỹ Đầu tư phát triển và 4 ngân hàng thương mại tổng cộng 84,3 tỉ đồng mất khả năng thanh toán.

Dù dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ban giám đốc Công ty là khá rõ ràng, nhưng chính các ngân hàng thương mại cũng vi phạm các quy định về cho vay, tiếp tay cho doanh nghiệp này làm mất vốn hàng chục tỉ đồng.

>> Ép tỉnh để xin vay 5 tỉ đồng

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. chính trần

    Nhà em làm công nhân cho công ty này đấy. Nhận đất trả sản phẩm cao vật vã, thế mà phải cố làm kiếm tiền sống. Sau vụ này có giải thể công ty ko nhỉ?
    Tốt nhất giải thể rồi bán đất lại cho dân bớt khổ.

  2. cubon12345

    Đó là bài đi của các công ty (Nông trường) cà phê vừa sản xuất, vừa thu mua xuất khẩu cà phê. Giải pháp bán đất đó nhiều công ty nông nghiệp lớn nợ nhiều ở tỉnh Đăk Lăk đã và đang làm rồi. Ngân hàng thu được nợ (thậm chí sợ DN phải xé nợ chuyển qua từng cá nhân mua đất trả trong nhiều năm, chứ NH cũng biết nếu để DN nợ thì đến mùa Quýt cũng không thu được). DN trả được nợ, công nhân được thực sự làm chủ trên mảnh đất mà mình phải nộp tô, thuế bao nhiêu năm qua. Ai cũng được lợi mà Ban Giám đốc được nhiều nhất.
    Các cơ quan quản lý trong tương lai không phải lo về các Cty này vỡ nợ. BGĐ thì lại một lần nửa là chủ đất nên có quyền bán, bán cho ai, ở đâu, giá bao nhiêu, lại đứng bán cho các công ty tư nhân, họ hàng… núp bóng nhiều cách để mua. Ai cũng được lợi. Mà có ai mất zì đâu sao ko làm như các công ty đó. Chắc zì BGĐ Cty Đức Lập này ko biết? người mất, người trả nợ những khoản tiền “thua lỗ” của Cty là người dân. Vì lúc nào đân cũng thích được làm chủ thôi thì bỏ ra vài trăm triệu để được làm chủ trên mảnh đất của mình thì tốt hơn, 100% đều nghĩ như vậy đó mà đúng hy sinh cả xương máu hàng chục năm, hàng trăm năm để giành quyền làm chủ vài trăm/Ha thì cũng rẻ. Chả ai mất zì cả, mình cũng là người trong cuộc đứng ở mọi góc độ đó nên riêng mình thấy thế.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81