Tin buồn

Mô hình trồng xen vườn cà phê hiệu quả

Anh Dương Văn Hùng ở xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền của tỉnh Đắk Lắk. Bí quyết sản xuất có hiệu quả cao của gia đình anh là sản xuất đa cây.

Anh cho biết năm 1988 gia đình được Nhà nước cấp 0,5ha đất để trồng cà phê. Vào thời điểm đó do thiếu vốn đầu tư, chưa nắm được kinh nghiệm chăm sóc nên năng suất cà phê thấp. Anh đã tìm gặp các lão nông tri điền ở địa phương, gặp gỡ cán bộ khuyến nông, Trung tâm nghiên cứu giống cây trồng để học tập kinh nghiệm thâm canh vườn cà phê.

Nắm được kỹ thuật, với ý tưởng làm giàu bằng nghề nông, năm 1994, anh Hùng đã mạnh dạn thế chấp nhà để mua thêm 3 ha đất phát triển kinh tế vườn, thâm canh đa cây, trở thành một mô hình rất hiệu quả.

Đến nay đã có hàng ngàn nông dân các địa phương đến thăm vườn của anh Hùng để học tập kinh nghiệm. Ngoài hàng rào bảo vệ bằng 2 loại cây keo và bồ kết, trong vườn cà phê, anh Hùng trồng xen 620 trụ tiêu (số tiêu này tận dụng trồng dưới gốc keo và 350 gốc cau).

Cứ 4 hàng cà phê xen một hàng tiêu, 2 hàng tiêu trồng xen một hàng sầu riêng. Với cách trồng xen này anh Hùng cho biết đây là mô hình sản xuất bền vững. Cây cà phê ưa cây che bóng, vì thế trồng keo vừa chắn gió vừa che mát cho cà phê, vừa là trụ cho cây tiêu leo bám.

Theo ông Đông, không chỉ ham học tập, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh, anh Hùng còn có nhiều sáng kiến trong chăm bón hiệu quả cao, giảm được chi phí đầu tư.
Ví như trong thâm canh cây cà phê, giữa 2 lần bón thúc tủ gốc cây, còn bón một lần phun tưới phân qua lá. Sau khi hái quả là tỉa cành, tưới nước tập trung, thúc cây nở rộ hoa.
Anh Hùng là nông dân đầu tiên trong xã mang mẫu đất của mình đi phân tích thổ nhưỡng để có quy trình bón phân hợp lý. Anh còn dự kiến giúp các hộ nghèo, từ vật tư phân bón, kinh nghiệm sản xuất, đến lương thực ăn để sản xuất, nhằm đưa các hộ này thành thành viên trong tổ hợp tác của anh với mục đích liên kết mở rộng sản xuất hàng hóa lớn.

Cà phê dưới bóng keo che mát, hạn chế được sự tỏa nhiệt trong mùa khô, giảm được lượng nước tưới, chống được khô hạn, còn cây tiêu bám vào gốc keo và cau là những thân cây sống không bị nóng như trụ xi măng, nên tiêu có năng suất cao. Với 4 loại cây xen canh, trong vườn ít có cỏ mọc, luôn giữ được độ ẩm.

Kết quả, gia đình anh Hùng có thu hoạch quanh năm, cây được giá bù cho cây mất giá, tổng thu nhập cao gấp nhiều lần trồng cà phê thuần. Cụ thể từ tháng 2-3 gia đình thu hoạch tiêu (trên 3 tấn/620gốc). Từ tháng 6-9 thu hoạch sầu riêng (7 tấn/350gốc).

Từ tháng 10-12 thu hoạch cà phê (15 tấn/3ha); ngoài ra còn thu hoạch cau quanh năm với thu nhập hàng chục triệu đồng. Tính ra vườn trồng xen này của gia đình anh, năm 2007 trừ chi phí còn lợi nhuận trên 600 triệu đồng.

Năm 2008 do giá tiêu, cà phê, sầu riêng xuống thấp nhưng gia đình anh vẫn có lợi nhuận trên 400 triệu đồng.
Ông Trương Văn Đông, Chủ tịch hội nông dân xã Hòa Thuận nhận xét: Đây là mô hình điển hình của nông dân tỉnh Đắk Lắk, được đón nhiều đoàn đại biểu của Trung ương, tỉnh thành và hàng ngàn nông dân các địa phương, về tham quan học tập trong những năm qua.

Không chỉ giúp nông dân về kỹ thuật làm vườn, anh Hùng còn có vườn giống gồm 1 vạn cây sầu riêng Moong Thoong, hàng ngàn gốc cau tứ quý, giúp cho nông dân có giống chuyển đổi cây trồng. Một số hộ khó khăn được anh tặng cây giống, cho vay vốn không tính lãi.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81