Vườn cà phê ba lớp giống và hai tầng cây – Mô hình sản xuất bền vững kiểu mới

Hay tin mới đây, Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả (Sở NN-PTNT Lâm Đồng) thử nghiệm thành công mô hình sản xuất cà phê hoàn toàn mới – mô hình vườn cây ba lớp giống và hai tầng cây, chúng tôi đã về Bảo Lộc và Bảo Lâm để tìm hiểu. Qua đó, theo nhận định bước đầu của các chuyên gia, rất có thể đây là mô hình tốt cho vùng nguyên liệu cà phê Lâm Đồng trong tương lai.

Xem thêm: > Lâm Đồng: Manh nha mô hình vườn cây “ba tầng”

Thay vì trồng thuần một loại giống cà phê như lâu nay, mô hình sản xuất mới do Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả (thuộc Sở NN-PTNT Lâm Đồng) thử nghiệm này có đến 3 lớp cây giống cà phê – giống chín sớm (đúng vụ), giống cho thu hoạch hơi muộn và đặc biệt là giống cho thu hoạch muộn (gần như là trái vụ). Đây được xem là mô hình sản xuất cà phê theo hướng bền vững hoàn toàn mới ở Việt Nam.

vườn cà phê
Vườn cà phê thử nghiệm “ba trong một” của hộ nông dân Nguyễn Xuân Bách
tại xã Lộc Tân (Bảo Lâm) cho kết quả khả quan

Cà phê Tây Nguyên bắt đầu chín từ đầu tháng 10 hằng năm, và thời gian thu hoạch trong vòng trên dưới một tháng. Hiện trên vùng đất này, nhà vườn trồng phổ biến các giống cà phê chín đúng vụ (đầu tháng 10) như TS-1, TR-11… Tuy nhiên, trong thực tế, do điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng…, vùng nguyên liệu cà phê Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng) “tạo” nên những giống chín muộn rất đáng quan tâm như TR-9, TR-16… Đồng thời, ở giữa các giống chín sớm TS-1, TR-11 và các giống chín muộn TR-9, TR-16 là các giống “trung gian” như TS-4, TR- 4… Trên cơ sở nghiên cứu các giống cà phê TR-16, TR-9… trong nhiều năm qua, đến cuối năm 2008, cùng với thử nghiệm trên diện tích 0,5ha tại Trung tâm Thực nghiệm Nông lâm nghiệm ở xã Đạm Bri (huyện Bảo Lâm), Trung tâm Cây ăn quả Lâm Đồng cũng đã thuyết phục một hộ dân có vườn cà phê ở xã Lộc Tân (Bảo Lâm) là ông Nguyễn Xuân Bách (trú tại phường Lộc Sơn, Bảo Lộc) tiến hành ghép cây giống theo kiểu “ba vòng” trên diện tích 6ha. “Và cho đến lúc này, sau ba năm thực hiện thử nghiệm mô hình vườn cà phê ba lớp cây giống tại Trung tâm Thực nghiệm Nông lâm nghiệp và đặc biệt là tại vườn của ông Bách, Trung tâm chúng tôi mạnh dạn công bố là kết quả mang lại là khá tốt về nhiều mặt” – Kỹ sư Phan Hải Triều – GĐ Trung tâm Cây ăn quả Lâm Đồng, nói.

Cách làm được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Cây ăn quả đưa ra là: Dựa vào địa hình và đặc điểm sinh trưởng của các giống cà phê hiện có, ở khu vực trung tâm của trang trại giữa đỉnh đồi hoặc lưng chừng đồi được trồng các giống chín muộn TR-9, TR-16; vòng giữa là các giống chín hơi muộn TS-4, TR-11; và vòng ngoài cùng ở phía chân đồi là các giống chín đúng vụ TS-1, TR-11.

Không những có khả năng chịu hạn cao mà các giống cà phê chín muộn TR-9, TR-16 qua thử nghiệm tại Lâm Đồng còn cho năng suất từ 6 – 7 tấn/ha, cao hơn 3 – 4 tấn/ha so với các giống cà phê được trồng phổ biến hiện nay ở Lâm Đồng. Cứ mỗi hecta cà phê “ba lớp cây giống” được trồng xen 100 gốc bơ, trung bình mỗi gốc bơ cho thu hoạch 2 tạ mỗi năm và với giá 15.000 đồng/kg được thu mua tại vườn như hiện nay thì thu nhập của các chủ trang trại được tăng lên rất đáng kể.
Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Cây ăn quả cho thấy, các giống cà phê chín muộn là các giống có khả năng chịu hạn khá tốt (đến tháng 12 năm trước và tháng 1 năm sau, Tây Nguyên hầu như không có mưa nhưng TR-9, TR-16 vẫn cho trái lớn, nhân đạt chuẩn). Do vậy, việc bố trí trồng các giống chín muộn trên vùng đất cao trên đỉnh đồi ở “vùng lõi” quanh sân phơi, gần lán trại là hợp lý. Ở “vùng đệm” lưng chưng đồi, các giống có khả năng chịu hạn ít hơn là TS-4, TR-4, trái chín trong vòng tháng 11 cũng chính là “vụ đệm” trong thu hoạch cà phê của người nông dân. Tiếp đến, ở vòng ngoài cùng, vùng thấp nhất của quả đồi được bố trí trồng các giống TS-1, TR-11 – các giống ít có khả năng chịu hạn, trái chín đúng vụ, sẽ giúp cho cây sinh trưởng tốt trong môi trường có độ ẩm còn lớn (chân đồi). Với ba lớp cây giống cà phê theo kiểu này, thời gian thu hoạch sẽ được kéo dài trong vòng từ 3 – 4 tháng (từ đầu tháng 10 năm trước đến cuối tháng 1 năm sau) trước hết là làm giảm áp lực về công lao động (thường thì vào vụ cà phê, nhà vườn Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn trong việc thuê mướn công thu hái); đồng thời, giúp làm giảm “áp lực” tâm lý “xanh nhà hơn già đồng” của người nông dân trước nạn trộm cắp cà phê diễn ra ngày một phổ biến (vì cà phê chín đến đâu thu hoạch đến đó) để từ đó nâng cao chất lượng cà phê nguyên liệu. Và đặc biệt, vườn cà phê “ba lớp” kiểu này còn có thể điều tiết được giá cả thị trường nếu thị trường cà phê nhân trong nước và quốc tế vào vụ thu hoạch chính có nhiều biến động (nhờ ở việc thu hoạch rải ra trong nhiều tháng). Đó là chưa nói đến việc có thể hiệu quả kinh tế của vườn cà phê ba lớp cây giống này cũng sẽ được cao hơn nhờ ở thực tế thiếu hụt nguồn hàng trên thị trường cà phê thế giới vào cuối vụ.

Ông Hùng ở xã Lộc An, người đồng ý cho Trung tâm Cây ăn quả tiếp tục tiến hành thử nghiệm mô hình vườn cà phê ba lớp cây giống trên diện tích hơn 20ha trong vụ này, cho biết: “Tôi cũng đã tham khảo nhiều mô hình trồng cà phê ở Tây Nguyên nhưng chưa nhìn thấy ở đâu có cách làm như thế này của Trung tâm. Đây là cách làm hoàn toàn mới; mà thường thì mới, có thành công nhưng cũng xen lẫn thất bại; nhưng tin rằng, mô hình này được triển khai trên diện tích hơn 20ha của tôi sẽ thành công!”. Theo cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Cây ăn quả Lâm Đồng thì ông Hùng là một trong những hộ có rất nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, nhất là cây cà phê, nên Trung tâm rất tin tưởng khi chọn vườn cà phê nhà ông để triển khai mô hình “cà phê ba lớp cây” mà Trung tâm đang theo đuổi. Còn theo ông Hùng, người trồng cà phê lâu năm có nhiều kinh nghiệm, vườn cây nhà ông đang trong giai đoạn cho thu hoạch và khá sung mãn nên việc ghép cành để tạo vườn cà phê ba lớp cây cho thu hoạch từ chính vụ (chín sớm) đến “sau vụ” (chín hơi muộn) và “muộn vụ” (chín muộn) rất có khả năng mang lại những kết quả khả quan bất ngờ. Cũng theo các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Cây ăn quả Lâm Đồng, việc tạo nên vườn cây giống cà phê ba tầng này chỉ nên thực hiện ghép cải tạo trên gốc cây đang trong thời kỳ sung mãn, không nên ghép trên gốc cà phê đã già cỗi, thoái hóa; và, trang trại cà phê hơn 20ha của ông Hùng ở xã Lộc An trở thành “đích ngắm” của mô hình này là hoàn toàn có cơ sở khoa học.

Không chỉ dừng lại ở “ba lớp” cây giống, với vườn cà phê của ông Hùng, dự định của Trung tâm trong tương lai là còn chọn một phần diện tích hợp lý để trồng xen cây ăn quả như sầu riêng hoặc bơ, tạo thành mô hình “vườn cây ba giống cà phê và hai tầng”. “Nếu chọn giống bơ thì nên trồng ghép vào mỗi hecta khoảng 100 cây giống. Như vậy, chúng ta sẽ tạo ra mô hình cà phê ba lớp có tỷ lệ 25% cây giống chín sớm, 50% giống chín hơi muộn và 25% cây giống chín muộn, cùng với 100 cây bơ cho 1ha thì không chỉ giá trị kinh tế của vườn cây được nâng cao mà vườn cây còn đảm bảo việc chắn gió, chống xói lở…” – kỹ sư Phan Hải Triều kỳ vọng.

Hiện nay, mô hình vườn cà phê “ba lớp giống trồng xen cây ăn quả này” chỉ mới là manh nha ở Lâm Đồng, và là mô hình lần đầu tiên được Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả thuộc Sở NN- PTNT Lâm Đồng thử nghiệm tại vùng cà phê trọng điểm của tỉnh là huyện Bảo Lâm. Dẫu là mới, nhưng mô hình này đầy triển vọng là nhận định của nhiều nhà chuyên môn ở Tây Nguyên tại một số diễn đàn về nông nghiệp và phát triển trang trại được tổ chức trong thời gian gần đây.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông dân cà phê

    Đầu mùa khô là cây cà phê bắt đầu ra hoa, lúc này cây vẫn đang xanh tươi sung sức, nếu thu hoạch muộn (giữa mùa khô) lúc đó cây cà phê trông tàn tệ lắm, héo queo thì sức đâu mà ra bông cho vụ tiếp theo được chứ?

  2. cà đắng

    Thu hoạch muộn thì ra hoa muộn ,đậu quả muộn và chín muộn rồi lại thu hoạch muộn. Nếu công tác an ninh bảo vệ tốt , hoặc trồng đại trà thì loại này rất năng suất vì nhân to và nhiều quả, năng suất đạt gấp đôi loại chín sớm và gấp rưỡi loại chín hơi muộn đấy.

  3. Đại ca chùa bộc

    – Vấn đề về chất lượng cà phê của Việt Nam chủ yếu là tuốt sớm với tâm lý “xanh nhà hơn già đồng” nên cà phê còn nhiều quả xanh non. Nghiên cứu và đưa vào sản xuất bộ giống cà phê chín rải là hợp lý. Thực tế có rất nhiều mô hình thí nghiệm thì thành công nhưng đi vào sản xuất lại không hiệu quả.
    – Toi nghĩ, điều này cần chú ý trước khi phổ biến ra sản xuất rộng rãi như:
    (1). Rải vụ chỉ áp dụng với quy mô sản xuất lớn với những cty, nông trường quả lý tốt về khẩu sản xuất, thu hái, đặc biệt là an ninh đồng ruộng; còn với khoảng 80% thuộc diện tích nông hộ liệu có phù hợp hay là vẫn mắc phải tâm lý “xanh nhà hơn già đồng”?! Chất lượng sẽ đi xuống khi 1 phần vườn cây chín muộn không bảo vệ được.
    (2). Với cây thụ phấn chéo, tự bất thụ thì với số lượng 2 giống cùng nở hoa trên 1 vườn liệu có đảo bảo sự thụ phấn xảy ra, mà yêu cầu với loại cây này phải từ 4 -5 dòng vô tính trở lên. (Sở dĩ trên vườn hiện nay bố trí chỉ 1 dòng vô tính cũng đạt năng suất vì diện tích nhỏ, hạt phấn từ rất nhiều vườn bên cạnh bay qua).
    Sự chín muộn, chín sớm do thời gian sự phát triển của quả khác nhau hay là do thời gian ra hoa sớm hay muộn. Xác định được điều này để xây dựng cơ cấu giống và chế độ chăm sóc cho phù hợp nhất là ở hộ nông dân.
    (3). Điều gì xảy ra với tình hình sâu bệnh hại? Ví dụ, một đục cành và đục quả lưu tồn hết từ 25% diện tích chín sớm quả đến 50% diện tích chính vụ và 25% diện tích vườn chín muộn còn lại.

    Đó là nhưng suy nghĩ của 1 người đã từng nghiên cứu về giống cà phê muốn bày tỏ. Nếu thực sự có ý nghĩa thì mong những nhà chính sách, chiến lược, khuyến nông,v.v… quan tâm và xem xét để có chiến lược phát triển cà phê tốt hơn.

  4. văn lâm

    Nghe thì thật là thích vì giải tỏa được áp lực công thu hoạch, sản lượng cao nhưng biết chọn mua giống ở đâu để ghép?
    Tôi cũng tìm hiểu và thuộc hết các giống TR-4, TR-8 v.v… nhưng hình như khó tìm như máy hái cà phê cầm tay vậy!
    Thêm nữa, đến mùa cũng mong thu hoạch về nhà cho xong chứ tôi thấy mô hình vừa bơ, sầu riêng, vừa cà phê ba bốn lớp cây giống, chín sớm chín muộn tôi e rằng phải canh trộm quanh năm mất!!

  5. cuba

    Nhà báo nên định nghĩa lại từ ” lớp”, không hiểu từ lớp của nhà báo có trùng với từ lớp mà người Việt hay dùng không ? 3 lớp rồi thêm 2 tầng nữa, khiếp thật, 1 ha thành 5 ha ! trời ơi là trời !
    Chưa kể, cà phê muốn ra hoa thì phải có thời gian hạn sinh lý, mình tưới cây ra hoa sớm thì các giống cây ra hoa muộn gần đó thì làm sao, chờ sang năm hả ?!

  6. hoang long

    Khâu quan trọng nhất là an ninh, nếu chín muộn mà đồng loạt toàn thể cánh đồng thì khâu an ninh cũng giống như chín sớm không vấn đề gì, còn nếu vườn chín sớm vườn chín muộn thì liệu vườn chín muộn có còn cà phê mà hái không hay chỉ còn cành và cây thôi vì bọn đi “mót cà phê” đã ra tay trước khi gia chủ thu hoạch. Từ nguyên cứu và đi vào thực tế sản xuất không đơn giản tí nào.

    1. Đại ca chùa bộc

      Đúng vậy, cái khó khăn cà phê hiện nay đang là an ninh đồng ruộng. Nếu không cẩn thận thì lại rơi vào mớ bòng bong đó còn phức tạp hơn.
      Nhớ lại câu chuyện vui về cải cách SGK lớp 1: Có người nghiên cứu từ chữ “e” đổi lên đầu bảng chữ cái, ra bằng Tiến Sỹ. Sau đó, thấy “e” khó đọc quá, người khác nghiên cứu lại và để “a” ở đầu bảng chữ cái, cũng bảo vệ thành công bằng Tiến Sỹ.

  7. Phong

    Bà con thân mến,
    Tôi thấy có hai vấn đề về tính khả quan của mô hình trên
    Thứ nhất, mô hình trên mới chỉ trồng thí nghiệm trên 0,5 ha còn việc trồng thực nghiệm thì cũng chỉ mới 3,4 năm thì cũng chưa thể kết luận được. Điều kiện trồng thí nghiệm tốt hơn nhiều với thực tế vì trong mô hình thí nghiệm các chi phí liên quan đến việc chăm sóc dường như không thành vấn đề, Trung tâm có thừa vốn để chăm sóc so với nông dân. Có thể tròng trong điều kiện thí nghiệm thì thành công nhưng nhân rộng ra thì hoàn toàn khác vì khả năng chăm sóc của bà con hoàn toàn không thể so với khả năng của trung tâm.
    Thứ hai, Khi Trung tâm muốn sản xuất sầu riêng và bơ trên diện rộng thì phải tính đến việc tao ra giống có tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu. Nếu mô hình trênh thực sự thành công thì lượng cung sầu riêng và bơ ra thị trường sẽ tăng. Khi mô hình mà có dấu hiệu thành công và càng áp dụng rộng rãi thì lượng cung sầu riêng và bơ càng tăng vượt quá lượng cầu trong nước làm cho giá bơ và sầu riêng giảm. Nếu chúng ta khi tạo ra giống mà không tính đến việc xuất khẩu thì có ngày sản phẩm làm ra phải đem đi đổ như Malaysia những năm về trước. Malaysia từng rất nổi tiếng về sầu riêng và đến khi cung của họ quá cầu trong nước họ phải đem đi đổ mà còn phải trả tiền công.

  8. quocoai

    Ông chủ vườn trên thật là tài giỏi và ko biết mệt ! 20 ha mà trồng 3 lớp 2 tầng như trên mà ko sợ ăn trộm và ko nghỉ ăn tết luôn ? mổi khi đi thăm vườn chắc phải đi bằng honda ! đi bộ sao nổi ! ko chừng phải ngủ lại vài đêm trong vườn mới xong việc ! 2O ha kia mà ?

  9. Trần Vĩnh Xương

    Canh tác cà phê các kỹ sư nghiên cứu 3 tầng 2 lớp trên lý thuyết tuyệt vời, nhưng cây cà phê chịu hạn trổ hoa và tưới nước như thế nào, còn thu hoạch nước ngoài họ phải xịt thuốc chín đồng loạt, công thu hoạch, công tác bảo quản, các bác chưa nghĩ đến ư. Đề tài vô nghĩa.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87