Tin buồn

Tìm hiểu về bệnh gỉ sắt trên cây cà phê

Đây là bệnh hại chủ yếu và nghiêm trong trên cà phê đặc biệt là cà phê chè (Arabica). Bệnh gây hại chủ yếu trên lá, đôi khi ở thân và quả. Cây nhiễm bệnh sẽ bị rụng lá, cây kiệt sức, sản lượng kém và nếu nặng có thể gây chết cây.

bệnh gỉ sắt
Lá của cây cà phê bị bệnh gỉ sắt.

Bệnh xuất hiện đầu tiên vào năm 1868 ở Sri Lanca, tại đây bệnh đã làm giảm tới 75% sản lượng cà phê chỉ trong vòng 10 năm (1869-1878), đến năm 1890 hầu như phải huỷ bỏ toàn bộ diện tích cà phê để thay bằng cây cao su và cây chè. Sau đó bệnh lan dần sang Châu Phi và các nước khác thuộc Châu Á. Cho đến giữa thế kỷ 20 bệnh đã có mặt ở hầu hết các nước trồng cà phê tại hai châu này.

Năm 1970 bệnh xuất hiện ở Châu Mỹ tại bang São Paulo của Brasil và lan dần sang các bang khác của Brasil cũng như các nước khác như Paraguay (1972), Nicaragua (1976), Colombia (1983), Cuba (1985). Ở bang Parama của Brasil trong vụ 1973-1974 bệnh đã làm giảm 34% sản lượng cho dù 40% diện tích đã được phun thuốc hoá học. Vụ 1989-1990, Colombia đã chi 123 triệu USD để phun thuốc cho 250.000 ha cà phê.

Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện từ năm 1888 và đã gây nhiều thiệt hại. Ở miền Bắc, nhiều đồn điền của Pháp trước kia phải phá cà phê chè và thay bằng cà phê mít. Tại ĐắcLắc bệnh đã huỷ hàng nghìn ha cà phê chè trong những năm 1940-1945, chỉ còn khoảng 60 ha, vào năm 1957 toàn bộ diện tich đã phải thay bằng cà phê vối. Trong những năm gần đây, bệnh đã xuất hiện trên cà phê vối vốn được coi là có kháng bệnh gỉ sắt Tỷ lệ cây bệnh khoảng 50% cá biết có khi lên đến 70-85%.

Bệnh gỉ sắt do nấm Hemileia vastatrix chuyên ký sinh trên cà phê gây ra. Đầu tiên ở mặt dưới của lá xuất hiện những chấm nhỏ màu vàng nhạt như những giọt dầu. Sau đó các chấm này lớn dần và từ giữa xuất hiện bột màu vàng cam, đó là bào tử của nấm gỉ sắt. Bào tử chuyển dần sang màu trắng từ trung tâm ra ngoài và cuối cùng vết bệnh có màu nâu như vết cháy. Các vết cháy có thể liên kết với nhau thành vết cháy lớn, dẫn đến cháy toàn bộ lá và rụng. Khi bệnh nặng, cây rụng hết lá và chết.

Nhiệt độ và mưa là hai yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phát sinh và phát triển của bệnh gỉ sắt. Tại Điện Biên, bệnh phát sinh quanh năm nhưng nặng nhất vào hai thời kỳ tháng 3 và 4; tháng 9, 10 và 11. Mùa thu bệnh phát triển và lây lan nặng hơn mùa xuân. Tại Sơn La, bệnh phát sinh vào tháng 9, 10, 11 một số ít vào tháng 7, 8. Tại Tây Nguyên, mưa là yếu tố quyết định sự phát sinh và phát triển của bệnh gỉ sắt. Trên cà phê chè, bệnh phát sinh từ đầu mùa mưa (tháng 4, 5) và phát triển trong suốt mùa mưa, phát triển mạnh từ tháng 7, 8 và đạt đỉnh cao vào tháng 9, 10. Trong mùa bệnh, tỷ lệ cây bệnh trên đồng ruộng là 100% và tỷ lệ lá bệnh trên 90%, chỉ số bệnh khoảng 25%. Trên cà phê vối, số cây nhiễm bệnh được chia làm 3 dạng diễn biến: dạng giống như cà phê chè chiếm 10%; dạng diễn biến rất nhẹ, phát sinh từ đầu mùa mưa, tháng 12 mới phát triển mạnh và đạt đỉnh vào tháng 1, tỷ lệ lá bệnh bình quân dưới 40%, chỉ số bệnh dưới 2%, dạng này chiếm khoảng 20% tổng số cây bệnh; dạng phổ biến phát sinh từ tháng 6 phát triển mạnh từ tháng 11, đạt đỉnh vào tháng 12, 1 với tỷ lệ lá bệnh bình quân 80%, chỉ số bệnh từ 2-15%, dạng này chiếm 70% tổng số cây bệnh.

Để phòng trừ bệnh gỉ sắt, hiện đang sử dụng các biện pháp như chọn giống kháng bệnh, ghép chồi và dùng thuốc hoá học. Năm 1978, Viện nghiên cứu cà phê đã nghiên cứu chọn lọc được giống cà phê chè Catimor có khả năng kháng bệnh và hiện đang được trồng trên các diện tich cà phê chè ở Việt Nam. Biện pháp sử dụng chồi của các dòng cà phê vô tính có năng suất cao và khả năng kháng bệnh ghép lên các cây nhiễm bệnh hiện cũng đang được sử dụng rộng rãi trên đồng ruộng. Dùng các thuốc hoá học như Viben-C 50BTN, Tilt Super 300EC, Anvil 5SC, Dizeb-M45 80WP, Tilt 250EC … phun sớm khi phát sinh bệnh, tiếp theo 3-4 lần trong mùa bệnh, mỗi lần cách nhau 3-4 tuần lễ và phun vào mặt dưới của lá. Trong mùa mưa cần pha thêm chất dính để tăng độ bám của thuốc.

Tài liệu tham khảo: Trần Thị Kim Loan (1999) Sâu, bệnh hại cà phê và biện pháp phòng trừ. Trong Đoàn Triệu Nhạn, Phan Quốc Sủng, Hoàng Thanh Tiệm (eds), “Cây cà phê ở Việt Nam” . NXB Nông Nghiêp, 402 trang.

TS. Phan Kế Long

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông Văn Dân

    Bệnh rỉ sắt cũng nguy hiểm, làm rụng lá cà phê về mùa khô, nhưng nó vẫn còn chữa được, lây lan chậm, do đó trong vườn cà phê chỉ cần phun vùng bị bệnh, nên phun các loại thuốc có gốc đồng như anvil, tilt … hoặc pha dung dịch booc đô phun vào đầu mùa mưa và sau đó cứ cách 20 ngày phun lại một lần, phun 3 lần vào mùa mưa là sẽ trừ được bệnh rỉ sắt, nếu trong vườn có một vài cây bị bệnh có thể chặt bỏ rồi ta lấy chồi của cây có giống tốt và khỏe mạnh ghép vào. Tôi sợ nhất là nạn ve sầu khó trị quá vì ấu trùng nó nằm sâu dưới gốc cà phê, còn bệnh tuyến trùng khó trị nhưng ít khi bị.
    Vài điều cùng bà con, chúc bà con thành công trong sản xuất.

    1. Dang Thanh

      Trời! 20 ngày phun 1 lần chắc chết quá. Bác NVD ơi, chỉ cách phòng bệnh đi chứ chờ có bệnh mới phun thì e rằng không xuể !

      1. Nông Văn Dân

        Ở đây đang nói cách trị khi cây cà phê đã bị bệnh, còn phòng thì đầu mùa mưa chúng ta rong tán cây che bóng để vườn cà phê được thoáng, dưới gốc chúng ta cào sạch lá lên bờ, hoặc đào hố chôn càng tốt, sau đó rải vôi và kẽm đều dưới gốc. Còn bạn thấy mùa mưa phun 3 lần mỗi lần cách nhau 20 ngày có gì mà phải chết, 1 ha phun khoảng 2 buổi sáng chứ bao nhiêu. Khi cây đã bị bệnh rồi thì chịu khó chứ, chắc bạn thấy khó khăn là bạn phun bằng bình xịt nhỏ hả, còn Văn Dân nói ở đây là xịt máy đó.
        Chúc bạn thành công.

      2. Cư Kuin

        Chú ấy kêu chết là vì diện tích của chú ấy khoảng gấp …30 lần của Nông Văn Dân kia mà. Không có cách nào khác đâu. Phòng bệnh là bắt đầu từ khâu xử lý hạt giống… giờ chỉ còn cách phun thôi. Diện tích lớn thì phải mua máy phun ngay!
        Nhớ tham khảo thêm ý kiến của “đại ca chùa bộc” mà làm.

  2. cruiser7485

    Theo tôi thấy qua nhiều năm áp dụng, để trừ bệnh gỉ sắt thì đầu mùa mưa phun Anvil 5SC, tháng 7 phun Anvil, tháng 8 và tháng 9 phun Tilt super thì cả năm chẳng thấy gỉ sắt trong vườn đâu cả. Các bác cứ áp dụng sẽ thấy cây khỏe liền à. Chúc các bác thành công.

  3. Huy

    Dễ thôi , bệnh gỉ sắt thì ra tiệm mua kẽm xịt vào là hết liền , pha thêm đồng đỏ trị nấm phổ rộng , hoặc antracon là sạch sẽ 100%.

  4. Đại ca chùa bộc

    – Tôi làm bên thuốc Bảo Vệ Thực Vật, nhưng kỳ thực tôi thấy dân khắc nơi mua rất nhiều loại thuốc để phun cho cà phê trị bệnh như gỉ sắt, nấm hồng, … Thấy người ta bán cho dân và sự thiếu hiểu biết của dân mà tôi thấy sót cho dân trồng cà phê.
    Theo kinh nghiệm nghiên cứu với cây cà phê và sự thu thập kinh nghiệm của rất nhiều bà con thì tôi đưa ra ý kiến sau: Phần khí sinh trên cây cà phê thường có bệnh như: gỉ sắt, nấm hồng, khô cành khô quả. Thông thường, những loại bệnh này có thể làm giảm năng suất cà phê rất nhiều và không biết có thể phải dùng rất nhiều loại thuốc vừa tốn kém lại vừa tốn công.
    + Thứ 1, vào đầu mùa mưa nên phun phòng bệnh bằng dung dịch Booc – đô (nếu biết pha), hay các loại thuốc gốc đồng khác như Coc 85, Cu(OH)2 như Fuguran (Cty CP. Hóc Môn), Champion (công Khử trùng và giám định thuốc – VFC), Đồng đỏ,…
    + Thứ 2, tác dụng của thuốc gốc đồng là phòng bệnh rất tốt, phổ rộng với rất nhiều loại nấm, tồn lưu rất lâu trên cây và cung cấp 1 phần vi lượng đồng cho cà phê. Đó là lý do, phun thuốc gốc đồng vào đầu mùa mưa cây xanh tốt, trái đẹp và ít bệnh.
    Việc phòng bệnh bằng thuốc gốc Đồng có thể hạn chế rất nhiều loại nấm bệnh có hiệu quả cao và hiệu lực kéo dài, có thể giảm được số lần phun thuốc, lượng thuốc bệnh khác. Mong mọi người phổ biến cho bà con trồng cà phê.
    Chi tiết xin liên hệ: [email protected]

    1. bachvanninh89

      Bác nói rất đúng, không nên hỗn hợp quá nhiều thuốc . Thuốc gốc đồng sử dụng tốt nhưng bà con thấy nó rẻ tiền nên “chê”. Cho em hỏi bác làm ở công ty nào vậy… [email protected]

      1. Đại ca chùa bộc

        Chào Bạn!
        – Phun nhiều cháy lá, nếu gặp mưa to thì nhờ nước mưa rửa trôi đi 1 phần thuốc. Còn nếu không bạn phải xịt nước cho thuốc trôi đi. Chỉ có cách đó thôi.
        – Hiện tại, trên thị trường rất ít sản phẩm giúp cây cải thiện ngộ độc hữu cơ (thuốc trừ sâu bệnh, thuốc cỏ, phân bón lá,v.v.). Theo tôi được biết, cty Hóa Nông Lúa Vàng có sản phẩm Comcat 150wp (hoạt chất là Lychnis viscaria) có tác dụng đó, tham khảo: http://www.grc.vn/product.php?cid=5&pid=4. Bạn có thể dùng thử để khắc phục và phục hồi vườn cây, tất nhiên không phải tôi quảng cáo cho cty đó đâu nhé. Nếu có ít diện tích và bạn ở Đak Lak và Đak Nông, tôi có thể cho bạn 1 hộp (10 gói) (tôi có mua về làm thí nghiệm năm 2010). ĐT: 0979 085 582

  5. Trần Thái Mỹ

    Chào các bạn ; hôm nay tôi đọc được trên diễn đàn Y5Cafe thấy các bạn đang nói về bệnh gỉ sắt café, tôi xin được tham gia. Nếu có gì sơ suất mong các bạn bổ sung vì tôi cũng là nông dân VN.
    Nói về bệnh gỉ sắt cafe, trước tiên ta quan sát lá café:
    1-lá mỏng xanh nhợt.
    2–nổi gân xanh.
    3 Viền lá khô và có vết khô, trên vết khô mọc các bào tử.
    Theo sách của NXB NN:
    1. lá mỏng xanh nhợt và nổi gân xanh là thiếu lân.
    2. viền lá khô là thiếu kali. Sao ta bỏ mà thiếu hai thứ đó?
    Ta quan sát cây café, ta thấy cành café dài mà rễ ngắn hơn, thường cây café bị gỉ sắt bồn có hình nón. Vậy khi ta bỏ phân NPK, đạm sẽ tan trước và theo nước vào chổ trủng như vậy rễ café chỉ phát triển trong chóp nón và chỉ hấp thu đạm, cây sẽ thiếu hai chất kia.
    Vì vậy khi ta xài thuốc gốc đồng hay Anvil điều chỉ tạo sức đề kháng cho cây, hay ta chỉ giúp cây vượt qua lúc khó khăn chứ không vĩnh viễn được. Theo tôi chúng ta cần chữa trị tận gốc thì đúng hơn. Như theo quan sát trên thì theo tôi cây bị gỉ sắt DO RỄ PHÁT TRIỂN KHÔNG ĐÚNG vị trí. Và một yếu tố nữa thường khi café cao giá nông dân chăm café rất kỹ. Khi bỏ phân cho café gồm ba thứ NPK, thường thì đạm tan trước, cỏ mọc nông dân vét bồn ra mang theo cả P và K ra khỏi tán café nên cây không hấp thu được lân và kali nên cây bị gỉ sắt.
    Và một yếu tố nữa là khi cây con nông dân dùng quá nhiều đạm nên cây chỉ phát triển phần táng chậm phát triển phần rễ nên vào tháng gió nồm hay gió bấc cây bị xoay táng nên động rễ nên cây không hấp thu được hai chất kia lại sinh ra bệnh.
    Theo kinh nghiệm nhà nông chúng ta chú ý đến cách làm bồn, chúng ta chỉ nới bồn chứ không vét bồn. HAI TỪ NÀY KHÁC NHAU
    Khi xử dụng phân cho cây con hạn chế dùng đạm cao, tạo rễ khỏe. Hạn chế vét bồn, dùng phân cân đối. Nếu vườn nào có độ dốc thì khi làm bồn ta xới cạnh trên tơi xốp, hạn chế nước mang đạm vào gốc. Đó là các yếu tố tạo ra gỉ sắt.
    Theo tôi các cây đó, tôi cạo từ gốc cây ra táng cây, sâu khoảng 3 phân, nó sẻ đứt lớp rễ tơ, rồi tôi cuốc theo táng cây và dùng phân vi sinh tốt rải theo táng. Nhưng tốt nhất dùng phân sinh học thì HIỆU QUẢ TRONG 20 NGÀY, cộng phối hợp xịt Anvil hay boóc đô, xịt để cây cầm cự lúc ta phá rễ.

  6. minh cường

    các bác cho con hỏi là : cách sử dụng Tilt Super 300EC, Anvil 5SC trị gỉ sắt trên caphe như thê nào ?con cám ơn …

Tin đã đăng

Tin mới nhất

91