Tin buồn

Dak Lak: Cơn sốt trồng tiêu, lợi bất cập hại

Giá tiêu đang ở mức cao (hơn 100.000 đồng/kg) khiến nhiều hộ nông dân Dak Lak đua nhau mở thêm diện tích. Người thì chặt bỏ vườn cà phê già cỗi, kẻ tìm mọi cách xâm hại rừng để trồng tiêu với hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, trong “cơn sốt” này cũng được dự báo là sẽ đi kèm với nhiều rủi ro không lường trước được…

Diện tích tiêu tăng vọt

Riêng ở xã Bình Thuận – thị xã Buôn Hồ, đến nay diện tích tiêu đã lên tới gần 350 ha, tăng gấp đôi so với hai năm trước. Diện tích tăng, theo ông Trương Văn Khánh, một nông dân ở đây cho biết, vì tiêu được giá nên nhiều hộ đã không ngần ngại phá bỏ vườn cà phê kém năng suất để thay thế loại cây trồng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao này. Ông Khánh nói thêm: “Không những phá bỏ vườn cà phê, nhiều người còn chặt luôn cả vành đai cây che bóng mát trong vườn để trồng tiêu với tâm lý, trồng thêm được trụ nào hay trụ ấy…”. Bản thân gia đình ông Khánh cũng đã phá bỏ gần nửa sào cà phê và cây che bóng để trồng thêm hơn 400 trụ tiêu.

Tình trạng trên đang xảy ra phổ biến tại nhiều địa phương lâu nay được coi là vùng trọng điểm tiêu của Dak Lak, như Ea H’Leo, Krông Buk, Krông Năng và Cư M’Gar… khiến diện tích tiêu tăng vọt. Theo ông Phan Hùng Cường – Phó phòng trồng trọt (Sở NN-PTNT), trong quy hoạch của tỉnh thì diện tích tiêu chỉ dừng lại ở mức 5.000 ha, nhưng hiện tại đã phát triển lên khoảng 5.700- 5.800 ha. Diện tích tiêu vượt kế hoạch này chủ yếu tập trung ở các địa bàn trên và chỉ trong thời gian 1-2 năm gần đây, khi giá tiêu không ngừng tăng cao. Vậy ngành nông nghiệp đã có khuyến cáo gì?

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Sinh cho rằng, không một cấp thẩm quyền nào “dám” ra văn bản “cấm trồng tiêu” cả! Bởi bất kỳ ngành sản xuất nào cũng đều được chi phối theo quy luật cung – cầu của thị trường. Giá tiêu đang cao ngất ngưởng thì người nông dân chạy đua để phát triển thêm diện tích cây tiêu là điều tất yếu. Và nói như ông Sinh: trong “câu chuyện trồng – chặt, chặt – trồng” này đã bộc lộ sự bấp bênh, thiếu bền vững của ngành sản xuất nông nghiệp nói chung, trong đó đáng quan tâm nhất là hàng hóa nông sản. Điều quan trọng là phải quy hoạch, tổ chức lại cho từng ngành sản xuất theo phương thức tích tụ đất đai, hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa có thương hiệu thì mới mong giải quyết được vấn đề trên.

Chia sẻ thêm điều đáng quan tâm này, ông Y Bia – Chủ tịch huyện Krông Buk cho rằng, trong “cơn sốt” trồng tiêu đang lan rộng ở địa phương này cũng bắt đầu từ hiệu quả kinh tế tức thời mà ra. Người ta tính toán: một sào tiêu hiện nay cho thu nhập gấp hai lần trồng cà phê và nhiều loại cây trồng khác. Vì vậy, tình trạng phá bỏ vườn cà phê, cây ăn quả… thậm chí  xâm hại cả vành đai rừng cảnh quan, sinh thái trên địa bàn để tận dụng trồng tiêu là vấn đề diễn ra phổ biến hiện nay. Một huyện, từ chỗ chỉ có hơn 400 ha tiêu, chủ yếu tập trung ở các xã (có điều kiện tự nhiên, sinh cảnh) phù hợp với cây tiêu như Cư Kpô, Krông Buk… đến nay đã được mở rộng ra trên nhiều địa phương khác, với diện tích lên hơn 600 ha.

Theo đánh giá của Phòng trồng trọt (Sở NN-PTNT), diện tích tiêu của Dak Lak sắp tới  không dừng lại ở con số 5.700-5.800 ha mà sẽ tăng gấp đôi so với quy hoạch, khoảng 10.000 ha. Dự báo này hoàn toàn có khả năng xảy ra, bởi  qua trao đổi với ông Đỗ Trọng Vinh – Giám  đốc Công ty Tư vấn đầu tư và phát triển Nông – Lâm nghiệp Ea Kmát, được biết: mặc dù công ty đã chuẩn bị số lượng giống đủ trồng hơn 5000 ha, nhưng hiện tại vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu trồng tiêu cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Và những hệ lụy

Ông Nguyễn Văn Sinh nhận định: một khi quy hoạch trồng trọt bị phá vỡ thì đối với bất kỳ loại cây trồng nào cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề đáng quan tâm. Thứ nhất là chất lượng, do không kiểm soát hết các cung đoạn đầu tư sản xuất – từ cây giống, kỹ thuật, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản… nên hạt tiêu Dak Lak chắc chắn sẽ không đạt được phẩm cấp mà thị trường đòi hỏi. Theo đó, khi mọi người đua nhau trồng tiêu, điều tất yếu xảy ra là “cung sẽ vượt cầu” và tất nhiên giá cả sẽ giảm dần khiến hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này giảm sút, không bền vững nữa. Thứ hai là tình trạng suy thoái, bạc màu đất đai do lối canh tác xô bồ, triệt hạ cả vành đai cây che bóng có tác dụng ngăn chặn sự trôi rửa của đất để tận dụng  trồng tiêu sẽ làm cho độ phì của đất nhanh chóng kiệt dần. Chỉ sau vài năm là diện tích đất ở những vùng được canh tác theo lối “bóc lột” như thế chắc chắn sẽ bị sa mạc hóa… không thể trồng được các loại cây có giá trị kinh tế cao.

Từ tính toán và cảnh báo này, ông Sinh chỉ ra thực tế các vùng trồng tiêu ngoài quy hoạch ở địa bàn Ea H’Leo, Krông Buk, Buôn Hồ, Krông Pak, Krông Năng… hiện đã lên đến 300- 400 ha sẽ là mối lo cho ngành nông nghiệp vốn bấp bênh và thiếu bền vững như hiện nay.

Báo DakLak điện tử

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Đại ca chùa bộc

    – Nguy hiểm quá, nếu cứ “đổ xô, đổ thùng” thế này thì dân ta đến khi nào tiến bộ được. Dân mà, thấy gì lợi thì cứ làm nhưng chẳng chịu tính là giá tiêu hiện nay là cao, nhưng liệu 3 – 5 năm nữa khi mà diện tích lớn đi vào thu hoạch thì chắc giá còn thấp 2 lần cà phê (nếu cà phê giữ nguyên giá).
    – Trồng tiêu không khó, nhưng khó nhất là công chăm sóc. Người ta cứ nghĩ, 1 ha tiêu cho thu hoạch ví dụ 5 tấn, sẽ được 500 triệu, nhưng có ai nghĩ rằng họ phải trả giá bao nhiêu mới được từng đó. Tiêu là cây trồng rất hay bị bệnh và rất khó phòng trị. Trồng ít thì không sao chứ trồng nhiều, bệnh sẽ tạo thành dịch lúc đó có mà trị được.
    Trồng xen còn được, chứ thồng thuần ồ ạt như vậy thì tôi tin chắc thất bại tới 90% với dân trồng tiêu.

  2. Thanh Tam - cưkuin, bmt

    Nhà tôi cũng trồng trong 3 năm được 1.800 trụ tiêu trên cây sống chủ yếu là cây muồng và cây mức, đã thu hoạch được hai năm nay rồi. Giá tiêu cao cũng rất vui và có lãi, nhưng mà lúc nào cũng lo nếu rủi ro mà tiêu bị bệnh hoặc giá xuống thấp thì coi như là… mất đậm. Bà con có trồng thì phải tính toán cho kỹ và trồng từ từ, đừng trồng ồ ạt, đầu tư vốn vào nhiều quá mà không may giá cả xuống hoặc sâu bệnh thì mất vốn…

  3. chuotdong

    Gia Lai đã vậy Dăk Lăk cũng thế thì nguy đây. Hôm nay cô vừa đi thăm đất ở Cư Bua về Minh ạ. Lâu quá ko lên nên bị lạc đường tìm mãi mới ra. Hôm qua cô điện thoại cho anh Dũng rồi. Ai cũng ồ ạt trồng tiêu thế này ngán quá, đất được giá nên cô nghĩ kỹ và đưa ra quyết định trong ngày mai. Chắc có lẽ bán đi lại hay hơn cháu nhỉ. 6 sào họ trả 900 từ đầu mùa mưa. Thông qua diễn đàn, cháu rành thổ nhưỡng hơn góp ý cho cô nhé.

  4. Nông Văn Dân

    Nay tôi thấy ở Cư Kuin nhà nhà trồng tiêu, bài báo nêu chỉ mới có hai hệ lụy, nhưng tôi thấy hệ lụy thấy ngay trước mắt là nạn tiêu tặc lộng hành quá mức, cắt trộm tiêu giống chẳng những ban đêm mà bất kỳ sáng, trưa, chiều, tối… nghĩa là thấy sơ hở là chơi ngay. Tôi năm nay tạm tính đến thời điểm này đã bị cắt trộm mất 39 cây tiêu 3 năm tuổi. Bác nào có biện pháp nào chống tiêu tặc xin chỉ giúp.
    Cảm ơn!

  5. Khiêm Văn Tốn

    Mình đọc rất nhiều ý kiến của chuotdong ở Y5Cafe hầu hết ý kiến nào cũng có một chút gì đó khoe khoang về gia đình và bản thân. Tất nhiên ai mà chẳng tự hào những thành quả do công sức mình làm ra, nhưng vì đây là “Cùng thảo luận vì một diễn đàn của người nông dân lớn mạnh.” Chứ không nên đưa việc tư vào lấn át diễn đàn để đánh bóng mình dẫn đến người đọc nhàm chán.
    Mạo muội góp ý . ( khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ, tự kiêu một chút đã là thừa )

  6. nongdancafe

    Theo tôi nghĩ: Nếu như chúng ta có ý định chuyển đổi nghề nghiệp hoặc rút bớt công việc làm ăn thì khi giá loại cây ta đang kinh doanh ( chẳng hạn tiêu) cao như thế này thì ta bán để chuyển là hợp lý. Để trang của ta được phong phú và mọi người đều mạnh dạn nói lên ý kiến , tôi nghĩ chuộtđồng cũng thật lòng chuyện trò thôi , không phải khoe khoang đâu các bạn. Chúc trang của chúng ta đoàn kết để hướng dẫn cho nhau kinh nghiệm và cùng phát triển!

    1. cafeculi

      Tôi thấy ai lên trang này cũng có ý kiến của riêng mình cả, sao lại chỉ dị ứng với phản hồi của chị chit. Chắc tại cách viết của chị ấy nó làm cho người đọc thấy hơi bị phản cảm, chứ thực ra chị ý có khoe khoang thì cũng có ai biết chị ấy là ai đâu để mà tự hãnh diện, phải không chị chuột.

    2. Hoangtuga

      Trồng nhiều tiêu sản lượng sẽ tăng lên cung lớn hơn cầu thì giá sẽ giảm, điều đó là quá bình thường tại sao lại thi nhau trồng tiêu nhỉ? Tới khi có tiêu thu hoạch giá lại thấp thì hạt tiêu không những đã cay mà còn đắng nữa không biết chừng. Ví dụ như người dân ĐBSCL chặt hết cây ăn quả để đâm đầu vào đào ao nuôi cá hết cả thì thời sự cũng đã nói rồi thì phải. Qua đây em xin mạo muội góp ý 1 tí như thế này, hãy dừng ngay việc trồng tiêu dưới mọi hình thức.

  7. Cư Né

    Đọc bài viết này chợt nay ra một số thắc mắc xin hỏi bà con. Vậy thì Dak Lak vùng nào là trọng điểm của cây tiêu?
    Làm sao Công ty Tư vấn và đầu tư phát triển NL Ea K’Mat biết được diện tích trồng tiêu sẽ gia tăng ồ ạt để chuẩn bị giống cho thêm 5.000 ha trồng mới nhỉ? Giỏi thật !

  8. chuotdong

    Cư Né ơi, có lẽ họ căn cứ vào số cây bán nọc sống mà dự đoán diện tích trồng tiêu chăng? Chiều nay, tui mua cây hông tận mắt chứng kiến có một lão nông mua 6 vạn cây hông để trồng nọc sống đó. Khiếp thật, mình trồng vài nghìn cây nhằm nhò gì mà có bạn cho là nổ mới khổ chứ. Mình rất thật lòng, bươi lên từ bùn nên tâm sự và mong cho những người cùng số phận luôn tìm cách thoát ra thôi.
    Cuba ơi, đất chuot ko nằm giữa thị trấn mà nằm ở thôn 8 gần cổng trường hoc Bế Văn Đàn – Cư Bua. Đất thổ cư nằm mặt đường nên có lẽ cao hơn đất rẫy chứ bạn. Tính theo tiền thì thu nhiều gần gấp đôi lúc mua, còn tính theo cà phê năm 2008 bán để trả so với giá bây giờ thì còn lỗ 200 lận, chính vì thế ông xã chuot quyết định ko bán mà khoan hố trồng cây. Nói chuyện cá nhân lan man quá xin lỗi các bạn nhé.
    Nông văn dân à, cách chống bọn trộm cắt tiêu khó lắm, trong vườn còn mất huống chi ở lô. Thôi thì cứ tạm động viên rằng nó trộm trồng đủ là hết mất mà. Mình trồng, họ trồng đến lúc cung vượt cầu lúc đó ko biết có méo mặt di ko nhỉ.

  9. trung_tin_727

    Em cách nhà chuột đong khoảng 15 Km thôi nhưng chưa bao giờ gặp chuotdong hết. Em bây giờ chuyển lên Gia Lai ở rồi chứ không còn ở Đăklăk nữa. Đúng thật là khu vực chuotdong trồng cũng khá nhiều tiêu đó các bác ạh. Nhưng ở đây chủ yếu trồng trên trụ sống và xen trong vườn cafe thôi chứ không độc canh và trồng trên trụ chết như Gia Lai. Nghe nói năng suất cũng thuộc hạng khủng đó các bác ạh, nhưng em chưa có dịp kiểm chứng. Thật sự là từ nhỏ đến giờ em chưa nghe thấy nhà ai co nhiều tiêu và cafe như chuotdong cả. Mỗi năm thu trên 20 tấn cà nhân, lại còn có trên 4000 trụ tiêu nữa thì phải. Vậy nhà chuot có khoảng 6ha đất vườn thuộc dạng chuẩn đó. Không biết chăm sóc như thế nào nhỉ, thuê người thì cũng không khả quan lắm, vì họ sao chăm sóc bằng chính chủ được.
    Nhà em hồi trước có 12 ha cafe ở Chư Sê và gần 12 ha điều ở Km 110. Nhưng chỉ chịu nổi được vài năm thôi. Kết quả là nhà em phải bán hết đất điều ở Km 110, còn 12 ha cà ở Chư Sê thì bỏ chết trụi cả gần 4ha. Cũng do lúc đó cà rẻ quá nên không chịu nổi nợ nần nữa. Thấy chuotdong nói về gia đình chuot, em thật sự khâm phục. Còn diện tích đất nhà em thời gian trước đây là gần 24 ha là thật, giờ thì còn khoảng 8ha. Bác nào không tin thì zô chợ Kim Châu-Cư-Kuin-Đăklăk hỏi ông Điện sát chợ ai mà chả biết,xem em nói đúng không. Nhà em được cái diện tích thôi chứ năng suất thì không dám so với chuotdong đâu.

  10. tieu tu

    Còn một hệ lụy nữa mà chúng ta không để ý tới vì nó diễn ra rất chậm “cực Từ nhưng cực Tốn” đó là dịch bệnh sẽ phát sinh khi trồng quá nhiều. Trước là bệnh rỉ sắt trên cây cà phê, rồi chết nhanh của tiêu, cao su bị vàng lá. Bà con có thấy bây giờ có loại cây tầm gửi trên các loại cây trồng đang lây lan rất nhanh không biết có phải là do mất cân bằng sinh thái không nữa.

  11. chuotdong

    Chuot nhiều cà thì đúng còn tiêu thu ít lắm. Tổng hai nơi chưa đủ 3 tấn, mới bằng số lẻ họ thôi. Có lẽ vài năm nữa mình cũng thu xếp lên Gia Lai ở chứ đi về cực quá.
    Tối nay chuot nhờ con út liên lạc với bạn kẻo diễn đàn chung trao đổi cá nhân ko tiện trung-tin ạ. Đa phần bạn cùng cảnh của chuot cũng i tờ về sử dụng máy tính như mình nên thường trao đổi qua điện thoại, SĐT của bạn mình ko có, chuot nhờ con út hướng dẫn chát xem sao. Đừng cười, hẹn gặp lại.
    Tiêu lên 110.000đ/kg chưa cộng Thanh Tam ơi. Mình ko còn nhiều nhưng tư vấn cho họ để lại giá rớt liên tục mình ăn ko ngon, ngủ ko yên. Nay gía có chiều hướng tích cực vậy là vui rồi.

    1. cuba

      Mình cũng sắp bán hết cả rồi còn có mười mấy tấn cà, non chục tấn tiêu, bán thì không biết dùng tiền vào việc gì nên tới đâu hay đấy , ừ dà !

      1. cafeculi

        Hôm qua tôi đi mua đất ở Chư Sê thấy vùng này dân trồng tiêu giàu thật, có hộ thu hoạch mấy chục tấn. Đúng là ở nhà nhất mẹ nhì con… tôi tưởng thu hoạch cở mười mấy tấn tiêu như tôi đã là nhiều vậy mà… cuba ơi tôi cũng thế chưa biết bán tiêu xong dùng tiền vào ”diệc”gì đây. Hay là tôi với ông sắm mỗi ông một con xe bốn bánh để đi làm rẩy cho tiện chứ chạy xe máy SH đi làm khổ quá. Có gì ông gọi đt cho tiệm tạp hóa kế nhà tôi bảo họ nhắn dùm tôi.

      2. Nông Văn Dân

        Chà ! chà ! lên diễn đàn y5 mới thấy nhà nông ở trên diễn đàn ai cũng giàu, cà phê vài chục tấn, tiêu cùng non chục tấn, đi rẫy còn sang hơn cả dân đi chơi thành phố, SH còn kêu khổ, tiền không biết dùng vào việc gì, trong khi tôi thấy nhiều người nông dân không có cả tiền đầu tư tái sản xuất chắc là họ không biết lên diễn đàn đây. Không biết trên thế giới có nước nào mà nhà nông sang hơn nữa không nhỉ. Chắc Văn Dân phải lên diễn đàn y5 đều đều để được nhiều cà phê, nhiều tiêu như các bác!

      3. nguyen duy liem

        Bạn đi đúng hướng rồi đó, tôi ở gần nhà culi nên biết rất rõ về gia cảnh của bác này. Từ ngày ông chồng biết sử dụng in tờ nét là cuộc sống khấm khá hẳn.

  12. nguyễn văn Linh

    Tôi lên đây cũng mong tìm tòi học hỏi chút kinh nghiệm dự định cũng sẽ chuyển đổi từ cây cafe sang trồng tiêu. Đọc bài này xong thấy hết muốn trồng tiêu, định phá cafe trồng tiêu rồi kg biết sau này giá tiêu ra sao hay tiêu thành điều luôn là chết khổ.
    Nhưng tôi rất mong nhà nước sớm có biện pháp ổn định giá cả lâu dài tiêu thụ cho cây hồ tiêu để bà con yên tâm phát triển kinh tế.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

90