Tin buồn

Rừng Tây Nguyên tan hoang vì tiêu được giá

Năm nay hồ tiêu được giá, nhiều hộ trồng tiêu trên địa bàn Đắk Lắk trúng lớn, tưởng rằng là may. Ai ngờ “trong phúc có hoạ”, vì tiêu được giá mà những cánh rừng mênh mông bị người trồng tiêu tàn phá để lấy gỗ làm trụ tiêu.

Xem thêm: Gia Lai : Chặt bỏ cây cà phê để trồng hồ tiêu

tiêu được giá, dân phá rừng
Gỗ bị hạ ngan ngát ngay tại tiểu khu 285 thuộc rừng phòng hộ hồ Ea Súp Thượng.

Người dân trồng tiêu hiện bình quân thu về khoảng trên dưới 500 triệu đồng/1ha, hiệu quả hơn rất nhiều so với trông cà phê hay bất kỳ các loại cây nào khác. Vì thế người dân đua nhau trồng tiêu. Ngày trước họ tạo trụ bằng cây sống mang tính chiến lược lâu dài, nhưng nay trụ sống cần rất nhiều thời gian, trụ xi măng lại không mấy hiệu quả, nên người dân đổ xô nhau vào rừng chặt cây làm trụ tiêu. Cây lớn cây bé đều bị hạ một cách không thương tiếc, hàng chục ha rừng ở Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo bị tàn phá, mà chưa có cơ quan chức năng nào xử lý…

Băm nát rừng tìm trụ tiêu

Theo chân một người chuyên làm trụ tiêu ở xã Ea Tir (Ea H’leo) vào tận vùng lõi của công ty lâm nghiệp Cư M’lan (Ea Súp), đi được khoảng 10km đường từ cửa rừng vào là tới bãi, chúng tôi bắt gặp một xe cày (phương tiện chuyên chở nhỏ) chở bốn người thợ với hai cưa lốc. Vào tới bãi, họ phân công hai người dùng cưa lốc hạ cây, hai người đi thu gom. Chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ nhóm thợ 4 người với hai cưa lốc này đã làm được gần 50 trụ tiêu (đường kính giao động từ 20-40cm), chất đầy xe cày chở về. Gỗ làm trụ tiêu chủ yếu là cà chít, căm xe, chiêu liêu..toàn gỗ nằm trong nhóm 4 trở lên.

Với kiểu tàn sát rừng có tính chuyên nghiệp cao như thế, sự sống còn của những cánh rừng nơi đây đang rất mong manh. Cách nay chừng một năm, tuy rằng khu rừng này đã hết gỗ to, song rừng vẫn còn nhìn thấy màu xanh, bởi đang còn nhiều cây nhỏ chưa đủ tuổi nên lâm tặc chừa lại.

Những cây gỗ bằng cả người ôm cũng bị lâm tặc chặt làm trụ tiêu.
Những cây gỗ bằng cả người ôm cũng bị lâm tặc chặt làm trụ tiêu.

Đến nay, chỉ sau một thời gian rất ngắn, từ khi tiêu được giá người dân đua nhau mua trụ về trồng, cánh rừng được ví là “thiên đường Tây Nguyên” này đã bị cạn kiệt, 100% diện tích đều bị xâm hại một cách nghiêm trọng.  Tại các tiểu khu 285, 271, 272,… hàng ngàn cây bị đốn trơ gốc, từng mảng rừng bị cạo trọc. Điều đáng nói là những vùng rừng bị phá thuộc rừng phòng hộ hồ Ea Súp Thượng (công trình thủy lợi lớn thứ hai của Tây Nguyên) .

Gần như chiều nào cũng có hàng chục chiếc xe cày tay, xe Yang Ma chất đầy trụ tiêu, ngang nhiên chạy qua con đường dân sinh cách trung tâm xã Ea Tir (Ea H’leo) chưa đầy 1km mà không hề gặp một sự ngăn cản nào.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi một trụ tiêu bất kỳ tươi hay khô, chỉ cần chở ra tới bìa rừng, thương lái trả ngay 120 ngàn tới 150 ngàn. Với một chuyến đi trong ngày, chủ xe cày có thể kiếm được từ 3 đến 5 triệu đồng. “Giá đắt như thế nhưng làm không kịp mà bán”, một tay lâm tặc tiết lộ.

Cơ quan chức năng làm ngơ?

Tiếp xúc với chúng tôi ngay bìa rừng với một xe cày chất đầy trụ tiêu, ông T trú tại ngã ba Nam Đàn xã Cư Né (Krông Búk) vui mừng cho hay: “Tôi làm trụ tiêu ở lâm trường Thuận Mẫn, bây giờ rừng hết gỗ rồi, thấy trụ tiêu được giá thế là xách cưa vào rừng thôi. Thời gian gần đây trụ tiêu cũng phải đi xa rồi, nếu như để làm tự do chỉ vài tháng nữa rừng này sẽ hết trụi, hơn nữa làm trụ tiêu chẳng ai bắt mình làm gì”.

Hầu như các thương lái ở đây mua trụ tiêu xong chở về các huyện, hiện nay điểm tập kết trụ tiêu lớn nhất là ở khu đèo Hà Lan (Krông Búk). Ông Nguyễn Vinh ngụ ở xã Cư Né (Krông Búk), một thương lái có tầm cỡ thổ lộ: “Tôi mua trụ tiêu ở Ea H’leo chủ yếu của rừng Ea Súp, Lâm trường Thuận Mẫn (Ea H’leo), tất cả được tập kết ở xã Ea Tir. Một trụ mua 120 ngàn ở bìa rừng ra ngoài này có thể bán từ 180 – 220 ngàn, có trụ được trên 300 trăm ngàn, tùy theo độ lớn nhỏ. Xe tôi thường chở khoảng 80 – 100 cái, một chuyến đi gần 100 km trừ chi phí cũng được 6-8 triệu”.

Một đống trụ tiêu nằm ngay giữa đường lâm tặc chưa kịp vận chuyển tại BQL rừng phòng hộ Buôn Đôn.
Một đống trụ tiêu nằm ngay giữa đường lâm tặc chưa kịp vận chuyển tại BQL rừng phòng hộ Buôn Đôn.

Còn ông H trú tại xã Quảng Hiệp (Cư M’ga) nói: “Trước đây rừng còn gỗ thì làm gỗ, còn bây giờ hết gỗ thì làm trụ tiêu, tuy ăn ít nhưng khỏe và an toàn, chẳng ai làm gì mình cả, lâu lâu còn cắp thêm được ít gỗ lại có “màu mè”. Ông H còn cho biết thêm: “Chúng tôi chặt cây của rừng phòng hộ Buôn Đôn, rừng ở đây bằng nên dễ làm. Hơn nữa, anh em (trạm kiểm soát – PV) trong đó cũng khỏe, chỉ cần chung chi ít tiền là xong”.

Để tìm hiểu thực tế và kiểm chứng lời của ông H, chúng tôi quyết định đột nhập vào khu rừng phòng hộ Buôn Đôn. Từ trung tâm xã Ea Kiết chạy theo hướng tỉnh lộ 1 chừng 10 km là tới trung tâm của BQL rừng phòng hộ Buôn Đôn. Chỉ cần chạy xe ngoài đường nhựa rẽ phải vào khu rừng này chừng vài trăm mét đã thấy hầu như chỗ nào cũng bị phá nham nhở. Những cây cà chít, dầu, căm xe.. có đường kính từ 20cm trở lên bị đốn hạ ngan ngát giữa rừng, có những chỗ cây bị đốn hạ cách trạm kiểm soát khoảng vài trăm mét, ngay cạnh đường nhựa, nhưng các trạm quản lý bảo vệ rừng ở đây không hề hay biết!?

Dân phá rừng
Một khoảng lớn rừng bị chặt phá tại tiểu khu 271 thuộc rừng phòng hộ hồ Ea Súp Thượng.

Theo ghi nhận của chúng tôi cũng như người dân sinh sống gần bìa rừng, hàng ngày có khoảng hàng chục chiếc xe cày tay đột nhập vào các khu rừng cấm này lấy trụ tiêu. Những người này ở các xã Ea Bar, Cuôi Knia – Buôn Đôn, Ea Mórh, Quảng Hiệp, Ea Kiết (Cư M’ga).

Trên tuyến đường độc đạo khoảng hơn 20km này, có ba trạm quản lý bảo vệ rừng (trạm 2,3,4) của BQL rừng phòng hộ Buôn Đôn, cộng thêm một trạm gác của lâm trường Buôn Ya Wầm ở đầu đường, nhưng các xe gỗ và xe chở trụ tiêu vẫn ra một cách nhẹ nhàng như chốn không người!

Liệu có nên đánh đổi rừng lấy lợi nhuận trước mắt?

Hiện nay giá hồ tiêu đã nằm ở mức kỷ lục trên 120 ngàn đồng/kg, cái lợi ai cũng rõ. Hơn nữa trồng tiêu khỏe hơn trồng những cây khác nên thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang có phong trào “người người trồng tiêu, nhà nhà trồng tiêu”. Thậm chí có hiện tượng chặt cà phê trồng lại tiêu và trụ tiêu hầu hết được làm bằng gỗ nên phải đầu tư lớn (khoảng trên dưới 200 triệu đồng/ha) song người dân không ngại ngần mở hầu bao, hi vọng sẽ bán tiêu bù vào và thu lãi lớn.

Ông Hoàng Anh ở xã Ea Đinh (Cư M’ga) cho hay: “Nhà tôi trồng được 6 sào tiêu, hiện còn 4 sào cà phê vừa phá xong và đang mua trụ về trồng tiêu, mặc dầu trụ gỗ hơi đắt (160-180 ngàn/trụ), nhưng nếu thuận lợi mấy năm là thu lại ngay. Hơn nữa cà phê giờ không hiệu quả, mùa này may nhờ tiêu gia đình cũng có của ăn của để chứ dựa vào cà phê thì chết”.

"Thiên đường Tây Nguyên" đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt vì tiêu được giá
“Thiên đường Tây Nguyên” đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt vì tiêu được giá

Được biết trong khoảng thời gian này giá tiêu tăng lên chóng mặt, nên giá trụ cũng tăng theo, cùng kỳ năm ngoái giá một trụ tiêu bình quân khoảng 70-80 ngàn, giờ này đã tăng lên gấp đôi thậm chí là gấp ba lần như thế. Với lợi nhuận quá cao nên lâm tặc đua nhau kéo vào các khu rừng cấm, hòng lọc hết những mảnh thịt còn sót lại, bởi trước đó chúng đã triệt hạ rừng lấy gỗ rồi.

Nhẩm tính sơ bộ, nếu trồng 1ha tiêu sẽ cần tới 1.000 – 1.300 trụ bằng gỗ, ắt sẽ tàn phá một diện tích rừng rất lớn.

Vấn đề là ở chỗ, từ khi bỏ tiêu xuống hố trồng cho đến khi thu hoạch phải mất từ 4-5 năm, đố ai dám chắc, sau quãng thời gian dài như thế hồ tiêu có còn giữ được giá nữa như thời điểm hiện tại. Những bài học cay đắng về quy luật “trồng nhiều – giá thấp – chặt bỏ – giá cao – trồng nhiều…” dường như vẫn không khiến người dân e ngại. Liệu cây tiêu có thoát khỏi vòng luẩn quẩn này đang là một câu hỏi cần có lời giải sớm, nếu như không muốn mất trắng những khu rừng phòng hộ cùng với hiện tượng chặt cà phê hàng loạt lặp lại  như những năm trước.

Thiết nghĩ trồng tiêu đem lại thu nhập cao cho người dân là mọt tín hiệu tốt, nhưng trồng được tiêu mà lại băm nát rừng như thế quả là lợi bất cập hại. Bởi phá rừng thì dễ, nhanh, song để tái tạo rừng phải mất không biết bao nhiêu năm. Hậu quả của việc rừng bị tàn phá vô cùng nghiêm trọng, nhãn tiền, và chính người dân chứ không ai khác, phải gánh chịu.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Vina macca

    Tôi nghĩ với tình trạng phá rừng như hiện nay trong vòng 10 năm nữa các cánh rừng tự nhiên tại Đăk lak không còn dẫn đến khí hậu vùng thay đổi, lũ lụt, hạn hán sẽ đe dọa chính những vườn cafe, tiêu đó. Thiết nghĩ chính quyền cần phải mạnh tay như Liên Xô năm 1917 (ăn trộm chặt tay) hay Trung Quốc những năm 50 bị trói, bêu xấu ngoài chợ, còn ở thời đại nay tốt nhất là bắt được phạt trồng và chăm sóc 100 cây trong 5 năm, phạt số tiền gấp 10 lần giá trị trị tiêu bán được, nếu không có tiền phạt thì phát mãi chính vườn tiêu đó. Nếu mạnh tay chỉ cần làm vài vụ điểm mà phải làm ngay thì tình trạng này mới chấm dứt được.

  2. thanhthuy

    Tôi không nghĩ là người ta tàn phá rừng chỉ để lấy trụ trồng tiêu, thực tế thì khi tiêu chưa lên giá rừng phòng hộ cũng bị chặt đốn để lấy gỗ để bán vậy. Lâm tặc xưa nay hoành hành, còn cơ quan chức năng thì lúc nào cũng có câu nói: ” Lực lượng kiểm lâm mỏng” và câu nói này cũng sẽ được lặp lại trong nhiều năm tới nữa.

  3. phương tím

    Khổ thay những người trồng tiêu chân lấm tay bùn lại không phải là lâm tặc. Mà lâm tặc không chặt cây làm trụ tiêu, nó khai thác gỗ quý có giá trị hơn

  4. Vina macca

    Hỏi bạn phượng tím người trồng tiêu lấy trụ ở đâu ngoại trừ trụ bê tông, trụ xây hay trụ cây sống (cái này gọi là chứa chấp tiêu thụ của gian).

  5. Cây xanh

    Như các bạn biết đấy đường vào khu vực rừng lâm trường BUÔN JA WẦM chỉ có một con đường độc đạo.Người dân muốn vào rừng lấy củi hay lấy trụ tiêu đều phải đi qua các trạm kiểm soát của lâm trường.Theo tôi đến con kiến đi qua cũng chẳng lọt chứ đừng nói hằng ngày có cả hàng trăm xe cày vào phá rừng mà cán bộ kiểm lâm không hay biết.Theo tôi biết mỗi xe đi qua phải “Đóng thuế” cho chốt trạm mới được đi qua

  6. bò tót đực

    Bác Cây xanh chắc biết đóng thuế để làm gì rồi, em nghe nói thuế đó là để “chúng tôi xin rút kinh nghiệm, chúng tôi sẽ tiến hành cải cách trong thời gian tới”.

  7. phượng tím

    Chào bạn Vina macca ! Bạn biết không lâm tặc tàn phá rừng để lấy gỗ là chủ yếu, chứ mình thấy một phần nhỏ cây làm trụ tiêu là rất xấu, tất nhiên tiêu thụ của gian là tiếp tay cho lâm tặc nhưng ý mình muốn nói trụ tiêu chỉ là phần nhỏ. Mình cũng rất phẫn nộ với hành vi phá rừng nhưng đọc bài của bạn mình thấy bạn đỗ lỗi nhiều quá cho nông dân thì tội quá. Mình không phải là nông dân nhưng mình sống giữa dân mình thấy dân khổ thật.

  8. Thanh Dung

    Nông dân làm trụ tiêu bằng cây cà chít, dầu, căm xe sao? Nông dân minh giàu thế nhỉ, dùng cả gổ tốt để làm trụ tiêu? Mình không đồng ý với bài báo này. Mình sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên, bản thân Bố, Mẹ mình là người trồng người dân trồng tiêu. Mình biết rõ. Giá tiêu lên, nông dân chưa kịp vui mừng, giờ lại bị đổ thêm tội làm lâm tặc nữa. Đành rằng, cũng có hiện tượng lấy cây rừng về làm nọc tiêu, nhưng không phải tất cả cây rừng bị chặt đều chỉ để làm nọc tiêu. Mọi người đừng vơ đũa cả nắm nhé.

  9. Vina macca

    Chào bạn Phượng tím. Mình là dân lâm nghiệp nên rất bức xúc với tình trạng phá rừng, bạn biết không hầu hết các cánh rừng tây nguyên các cây gỗ to và quý đều đã bị khai thác hết chỉ còn lại các cây nhỏ, trong đó trụ để trồng tiêu đòi hỏi gỗ tốt không mối mọt. Nếu không bị khai thác thì vài chục năm sau ta lại có những cánh rừng gỗ quý. Có cầu ắt có cung vậy nếu nông dân nói không với trụ tiêu là gỗ khai thác từ rừng tự nhiên (nên dùng trụ bằng cây sống) thì lâm tặc có ăn cắp gỗ rừng cũng không bán được cho ai. Mình đi khắp các vùng từ bắc đến nam mình thấy nông dân vùng núi phía bắc là khổ nhất không chết đói thôi còn bảo có tiền trong túi thì khó quá (nhiều khi có 20k tiền điện còn phải nợ) trong khi đó nông dân tây nguyên theo mình là giàu nhất cả nước trung bình mỗi hộ có 1 ha cafe là có 5 triệu/ tháng rồi. Dùng từ hơi nặng nề xin lỗi mọi người nhé.

  10. nông dân daklak

    Nói thực rừng TN chỉ còn lại phía bên ngoài, còn trong phần lõi đã bị đốn hạ từ lâu, từ những năm tiêu còn bèo bọt cơ, đây là cơ hội tốt để người ta đổ tội cho người trồng tiêu thôi. Ngay chỗ tôi ở xã Cưbao-Buôn hồ -Đaklak. chẳng có tí rừng nào nhưng ở đây có cả thôn chuyên đi khai thác gỗ lậu bao nhiêu năm, người ta lên cơ nghiệp từ những cánh rừng. Hỏi ra mới biết có ăn chia cả đấy họ mới đem được gỗ ra khỏi rừng, và chính những người đi làm rừng đó cũng nói “ở ngoài còn thấy rừng, chứ vào trong thì tan hoang hết rồi”. Cái thực trạng này thì các ngành chức năng cần xem xét lại cách làm việc, và cách quản lý từ tư cách nhân viên cho đến kế hoạch chống phá rừng của mình. Mong lắm thay! chứ không còn rừng thì tiêu cũng chết mà cafe cũng tiêu, vì cứ cái đà này thì hạn hán càng ngày càng gay gắt…

  11. phuợng tím

    Rừng là tài sản của quốc gia và là của toàn thế giới nhưng lâm tặc họ chỉ cần tiền, họ đủ các mánh khóe và mưu mô để chống trả những cán bộ kiểm lâm chân chính. Nhưng chúng ta cũng không khỏi phẫn nộ khi không ít cán bộ kiểm lâm đã tiếp tay cho lâm tặc. Có nhiều người bảo rằng chỉ có nhà của cán bộ kiểm lâm và những gia đình giàu có mới có đồ gỗ quý, mình nói thế bạn Vina macca đừng giận nhé ở cương vị nào cũng có người tốt kể xấu.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

86