Giá nông sản cao, nông dân vẫn thiệt

Different sorts of noodles, beans and riceHiện giá các loại nông sản như gạo, cà phê, tiêu đang ở mức cao, song người nông dân ít được hưởng lợi từ mức giá này.

Nông dân là người ngoài cuộc

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, tuy giá lúa đang ở mức cao, trên 6.000 đồng/kg, nhưng chỉ những nông dân nào thu hoạch lúa đông xuân muộn và hè thu sớm mới có lợi, còn nông dân thu hoạch lúa đông xuân sớm thì không được hưởng mà chỉ có các công ty lương thực, các hàng xáo hưởng lợi.

Ông Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cũng cho rằng, giá các loại nông sản đều tăng khiến nhiều người tưởng nông dân sẽ được hưởng lợi nhưng thực tế không phải như vậy.

“Nếu trong thời gian tới, gạo xuất khẩu của nước ta lên mức 700 đô la Mỹ/tấn hay 1.000 đô la Mỹ/tấn thì tiền lời thuộc về doanh nghiệp xuất khẩu chứ không phải nông dân”, ông Bảnh nói.

Ngoài ra, ông Bảnh cho rằng, khi giá nông sản như lúa, gạo, cà phê.. tăng thì các loại thực phẩm, nguyên liệu đầu vào cho mùa vụ mới cũng tăng theo nên lợi nhuận từ trồng lúa của người dân không tăng cùng với đà tăng giá nông sản.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội cà phê cao cao Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam trong buổi hội thảo tổng kết niên vụ sản xuất tiêu 2011 mới đây cũng cho rằng, giá cà phê tăng thực sự không có lợi gì nhiều cho doanh nghiệp lẫn người trồng cà phê vì doanh nghiệp thiếu vốn để mua cà phê khi vào vụ thu hoạch, còn nông dân khi thu hoạch cà phê là bán ngay cho các đại lý vì trong suốt một năm người dân phải mượn tiền của đại lý để mua phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu.

Người hưởng lợi từ giá cà phê tăng chính là các thương nhân nước ngoài. Nhờ nguồn tài chính dồi dào, giàu kinh nghiệm trên thị trường quốc tế nên họ biết khi nào nên bỏ tiền ra mua cà phê giá rẻ sau đó tìm cách đẩy giá trên các sàn giao dịch cà phê tại London, New York lên để bán ra kiếm lời.

“Ngành cà phê nước ta đứng thứ 2 thế giới về sản lượng nhưng luôn bị thụ động về giá, do vậy, giá cá phê lên cao thì Việt Nam cũng không được hưởng lợi nhiều”, ông Nam cho biết.

Cần liên kết

Theo ông Bảnh, nghịch lý giá nông sản cao mà người nông dân ít được hưởng lợi buộc chúng ta phải nhìn lại mối liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông trong chuỗi sản xuất và kinh doanh nông sản hàng hóa.

Theo ông Bảnh, là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới nhưng Việt Nam lại không có một thương hiệu gạo Việt Nam, lý do đơn giản là chúng ta chỉ xuất khẩu gạo trắng 5%, 25% tấm khi mua tất cả các loại gạo trộn chung và bán với tên gọi là gạo trắng.

Về phương diện nhà khoa học, ông Bảnh cho biết: “Hiện 80% giống lúa tại ĐBSCL là do Viện Lúa chúng tôi cung cấp. Giống nào được doanh nghiệp mua nhiều thì nông dân tiếp tục sản xuất còn Viện thì cứ lai tạo giống mới mà không biết có được thị trường chấp nhận hay không. Vướng mắc này chúng tôi không biết kêu ai”.

Ông Bảnh cũng tiết lộ, các doanh nghiệp, cụ thể là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, chẳng bao giờ đặt vấn đề nhờ Viện lúa ĐBSCL lai tạo giống lúa chất lượng cao để trồng trên cánh đồng lớn qua đó, xây dựng thương hiệu cho ngành lúa gạo nước ta. “Khi doanh nghiệp không hỗ trợ các nhà khoa học thì chúng tôi phải chờ ngân sách nhà nước để tạo giống lúa mới nhưng giống lúa làm ra có được sử dụng hay không lại tùy thuộc vào doanh nghiệp. Trong trường hợp, giống lúa không được sử dụng thì công sức của nhà khoa học bị bỏ sông bỏ biển, như vậy, làm sao mà nói đến liên kết bốn nhà cho được”, ông Bảnh nói.

Còn giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp cần xem nông dân như một cổ đông của họ, lợi cùng hưởng thiệt hại cùng chia sẻ, thì người nông dân mới làm giàu được trên sản phẩm mình làm ra và sợi dây liên hệ giữa người trồng lúa và người buôn bán lúa gạo mới được thắt chặt.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. nongdancafe

    Giá nông sản cao nông dân vẫn thiệt, tai sao như thế ? trách nhiệm nầy thuộc về ai ?
    Tôi nghĩ Nông Dân VN rất giỏi rất đáng tự hào, tiến lên bằng nông cụ thô sơ, đến giờ mua máy móc công cụ thiết bị phục vụ cho SXNN cũng toàn là “hàng nghĩa địa” là chính (có nghĩa là các nước ko sử dụng nữa, đã có thứ khác tiên tiến hơn).
    Như thế mà Sphẩm nông nghiệp vẫn vươn lên có THỨ HẠNG thế giới. Đáng khen sự nổ lực của nông dân tạo ra sự phát triển cho Đất nước.
    Như vậy, còn lại việc đưa SP đi bán là của Doanh nghiệp. Tại sao lại không có tiếng tăm, không có thương hiệu gì ? trong khi mình là người có nhiều SP làm ra nắm trong tay đem đi ăn nói với thế giới.
    Mình có quyền cân đối cung cầu của thế giới mà quyết định giá bán cho có lợi cho người nông dân. Nếu cần thiết thì kiến nghị tạm trữ để cho nông dân được nhờ. Rõ ràng các doanh nhân Việt Nam LÀM CHƠI ĂN THẬT. Nếu có cạnh tranh là kêu ca, đòi nhà nước tạo độc quyền hoặc trung gian hưởng lợi… như chuyện DNNN ko được mua trực tiếp của nông dân !

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79