Nông dân và những giải pháp tự cứu mình

Giá xăng dầu, điện tăng đã khiến nhiều mặt hàng tăng giá, kéo theo đó là sự vất vả, cực nhọc của nông dân. Cũng giống như người dân ở nhiều địa phương khác, nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu đã tìm cách tự cứu mình…

Đồng loạt tăng giá

Những ngày này, đi đến đâu cũng nghe nông dân than thở vì giá các loại vật tư nông nghiệp như: phân bón, thức ăn chăn nuôi… đều phi mã. Ông Nguyễn Hân ở xã Quảng Thành, huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) tính toán: “Bình quân 1ha càphê cần tưới 4 đợt/vụ, mỗi đợt hết gần 100 lít dầu diesel. Với giá dầu như hiện nay, chi phí tưới nước trong cả mùa khô tăng thêm hơn 2,5 triệu đồng/ha”. Theo tính toán của ngành Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có khoảng 6.000ha đất trồng càphê, như vậy, với giá xăng dầu hiện nay, chi phí bơm tưới tăng thêm khoảng 16 tỷ đồng/năm. “Đó là chưa kể giá điện, thức ăn chăn nuôi, phân bón, nhân công cũng đang tăng từng ngày, tạo áp lực lớn cho nông dân”, ông Hân nói.

Theo ghi chép của bà Nguyễn Thị Huệ, xã Cù Bị (huyện Châu Đức), trong năm 2010, giá thức ăn chăn nuôi tăng 14 lần, mỗi lần tăng từ 2-5%. Mới 3 tháng đầu năm 2011, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 3 lần. Các đại lý bán thức ăn chăn nuôi trong tỉnh cho biết, hiện giá thức ăn chăn nuôi đã tăng thêm từ 5.000-20.000 đồng/bao 25kg. Theo tính toán của bà Huệ, với mức tăng này, giá thành sản xuất sẽ tăng lên thêm 2.500 đồng /kg. Vì vậy, người chăn nuôi khó có lời nếu không biết tính toán, chưa kể tới rủi ro khi xảy ra dịch bệnh.

Cùng với xăng dầu, thức ăn chăn nuôi, nhiều loại phân bón cũng tăng 50.000-70.000 đồng/bao 50kg so với thời điểm cuối năm 2010. Cụ thể, phân urê Phú Mỹ và urê Trung Quốc tăng lên 480.000 – 490.000 đồng/bao; DAP Trung Quốc loại hạt xanh từ 710.000 đồng/bao, tăng lên 760.000 đồng/bao; NPK Đầu Trâu 20-20-15 680.000 đồng/bao; NPK 16-16-8 Việt Nhật 510.000 đồng/bao; lân 150.000-160.000 đồng/bao… Theo tính toán của người trồng càphê, trước đây chi phí phân bón khoảng 20 triệu đồng/ha, nay đã lên tới gần 30 triệu đồng.

Đối với nông dân trồng lúa, họ chưa kịp mừng vì vụ đông xuân trúng mùa, được giá đã phải gánh thêm nỗi lo giá điện, dầu tăng khiến giá thuê máy xới, máy cày, chi phí gặt, gom, tuốt lúa cũng sẽ bị đẩy lên mặt bằng mới.

Tìm cách ứng phó

Trước tình hình trên, bà con nông dân đã cùng nhau tìm nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư mà ít ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Ông Nguyễn Hiệp ở xã Quảng Thành cho biết, những hộ trồng càphê đã tìm ra nhiều cách tiết giảm chi phí hiệu quả như: tưới tiết kiệm nước, bón phân hợp lý, trồng xen canh cây ăn quả và rau màu trên cùng một diện tích để tận dụng nguồn phân bón, nước tưới. Theo ông Hiệp, cách làm này cho thêm thu nhập 20 triệu đồng/ha từ tiền bán hoa màu và cây ăn quả mà năng suất và chất lượng càphê vẫn bảo đảm.

Với những hộ chăn nuôi, bà con sẵn sàng bỏ tiền đầu tư xây dựng hầm biogas để tận dụng nguồn chất thải làm chất đốt, chạy máy phát điện. Bà Nguyễn Thị Thảo ở xã Hòa Long (thị xã Bà Rịa) cho biết, người chăn nuôi bỏ ra từ 6-10 triệu đồng để xây hầm biogas, khoản tiền tuy lớn nhưng bù lại hàng tháng không mất tiền điện, gas, củi để làm chất đốt, bình quân tiết kiệm được khoảng 600.000 – 1 triệu đồng/tháng. Còn ông Nguyễn Văn Dễ, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp dịch vụ Gò Cát (Xuyên Mộc) lại áp dụng triệt để biện pháp: “3 giảm, 3 tăng” giảm giống, phân bón, thuốc trừ sâu nhưng lại tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh nỗ lực của nông dân, theo ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, ngành Nông nghiệp và PTNT cần có giải pháp đồng bộ từ khâu sau thu hoạch, chế biến đến khâu thu mua sản phẩm, đảm bảo ổn định giá cả và thu nhập. Ngoài ra, cần thêm những biện pháp ổn định giá cả đầu vào, thậm chí hỗ trợ giá lúa giống để nông dân đạt lợi nhuận cao.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. chuotdong

    Đồng ý là tìm biện pháp thích hợp tự cứu mình trước nhưng chính sách pháp luật nhà nước cũng nên thực hiện cho tốt chứ. Làm nông dân sao khổ vậy ko biết nữa. Bài viết trên nhắc đến thức ăn chăn nuôi và những rủi ro làm dân đen chúng tôi thêm não ruột. Bà con biết ko, tháng 8/2010 cả nước ta hơn 30 tỉnh thành xuất hiện dịch heo tai xanh. Nhà nước kịp thời ra công văn, hướng dẫn từng khu vực hỗ trợ bà con có heo bị tiêu hủy giá 25.000đ/ kg hơi. Để tránh dịch lây lan bà con chúng tôi làm hết sức những gì có thể để “tự cứu mình” vậy mà đàn heo thi nhau chui xuống hố…
    1/3 số heo ra đi, tui bị ám ảnh suốt mấy tháng trời. Từ đó đến nay đã 8 tháng có dư mà dân đen chúng tôi mới được ứng 40 % tiền hỗ trợ. Tui ở huyện Cư Kuin, ĐakLak. Ko biết bà con ở các nơi khác như thế này ko? Đúng là dân đen nên làm gì cũng gặp đen thôi.
    Qua đây, nông dân tôi muốn nhắn gửi những người có trách nhiệm mau mau thanh toán tiền hỗ trợ cho bà con như chính sách đã ban hành.
    Cầu mong đừng rơi vào việc làm thì láo, báo cáo thì hay.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82