Tin buồn

Nên bán cà phê trước mùa bội thu của thế giới

Những thông tin dự báo giá cà phê nguyên liệu sẽ tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu ồ ạt mua hàng chạy trước, trong khi đó cũng có không ít nông dân ôm hàng chờ giá. Đó là nguyên nhân khi giá rớt, người mua thì lỗ nặng, người không bán thì thiệt lớn.

Giá cả thất thường

Giá cà phê nguyên liệu tại Đắk Lắk đã có lúc leo lên mức 41.500 đồng/kg là mức kỷ lục trong vòng 14 năm qua. Nhiều chuyên gia dự báo giá cà phê có thể lên đến 45.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá cà phê đứng ở mức kỷ lục chỉ vỏn vẹn trong vòng 5 ngày thì đã ngay lập tức rớt sâu, mất hẳn 5.000 đồng/kg.

Và ngay sau đó, giá cà phê liên tục biến động thất thường khiến nhiều Doanh Nghiệp và nông dân khốn đốn. Dù có những giai đoạn cà phê được giá nhưng tâm lý mong đợi giá lên cao hơn nữa đã khiến nhiều nông dân ôm hàng chục tấn; nhưng khi giá rớt, do lo ngại sẽ rớt sâu hơn nên nông dân lại ồ ạt bán ra, tính ra mỗi tấn cà phê mất tới 5 triệu đồng.

Chỉ trong vòng 4-5 ngày, có những hộ nông dân đã thiệt tới cả trăm triệu đồng. Tâm lý không ổn định cũng diễn ra ở những DN xuất khẩu cà phê. Nhiều DN trữ hàng đang trong tình trạng “ngồi trên lửa” vì không biết nên ký hợp đồng bán ra để cắt lỗ hay ôm thêm một thời gian nữa chờ giá lên.

Có “bàn tay” của giới đầu cơ

Theo tiến sĩ Đoàn Triệu Nhạn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam:

Nguồn cung khan hiếm và tình trạng mất mùa do thời tiết xấu đã khiến giá cà phê tăng cao. Tuy nhiên, sự tăng giảm thất thường của giá cà phê có nguyên nhân chính là do “bàn tay” của giới đầu cơ ép giá xuống, tranh thủ cơ hội mua vào và nâng giá lên để bán ra. Hiện giá cà phê vẫn chưa trở về mức đỉnh.

Trong khi đó, vụ thu hoạch cà phê của cường quốc cà phê Brazil lại sắp tới, tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường thế giới sẽ được cải thiện. Vì thế, chắc chắn giới đầu cơ sẽ tiếp tục lợi dụng cơ hội này, dìm giá cà phê trong nước cho đến thời điểm đó.

Các chuyên gia am hiểu lĩnh vực này đưa ra lời khuyên:

Không nên trông chờ vào sự tăng giá mà nên tăng cường bán ra trước vụ thu hoạch cà phê Brazil. Tuy nhiên, các DN xuất khẩu không nên ký những hợp đồng lớn mà chỉ nên ký những hợp đồng ngắn hạn, khối lượng nhỏ, giao hàng ngay. Mặt khác, để hạn chế tác động của hoạt động đầu cơ, DN và người trồng cà phê cần phải hợp tác trực tiếp, tránh thông qua các khâu trung gian.

>> Có nên ôm cà phê, vay tiền để đầu tư và chờ giá cao?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

72