Đề xuất thành lập quỹ bảo hiểm cà phê

Quỹ bảo hiểm cà phê được thành lập từ nguồn thu của các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, xuất khẩu cà phê, tính theo khối lượng xuất khẩu.

Xem thêm: Vicofa: Đề xuất thu phí xuất khẩu 10USD/tấn để tái đầu tư

Hội thảo cà phê
Hội thảo phát trển cà phê Buôn Ma Thuột trong khuôn khổ lễ hội cà phê

Nguồn thu từ doanh nghiệp xuất khẩu

Ngày 13/3/2011, tại hội thảo Phát triển cà phê Buôn Ma Thuột bền vững, ông Đoàn Xuân Hòa – Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối – cho biết ban soạn thảo chính sách cho ngành cà phê Việt Nam sẽ đề xuất với chính phủ thành lập quỹ bảo hiểm cho cà phê Việt Nam.

Ông Hòa cho biết, việc thành lập quỹ bảo hiểm là yếu tố để ngành cà phê thực hiện sản xuất kinh doanh một cách chủ động, lâu dài, tránh sự thụ động và “bóp méo” thị trường bởi các hỗ trợ trực tiếp.

Quỹ sẽ được thành lập từ nguồn thu của các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, xuất khẩu cà phê, tính theo khối lượng xuất khẩu, mức thu cụ thể do Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) thống nhất quy định theo từng năm, trên cơ sở hiệu quả của sản xuất, kinh doanh.

Các quốc gia xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới như Brasil, Columbia đều có quỹ bảo hiểm để bảo hiểm cho giá cà phê khi giá cà phê xuống thấp hơn giá thành sản và nhà nước sẽ đầu tư cho sản xuất cà phê thông qua quỹ này.

Hỗ trợ khi giá cà phê xuống thấp

Quỹ bảo hiểm sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp mua dự trữ trong trường hợp giá cà phê trên thị trường trong nước xuống dưới thấp giá thành sản xuất bình quân.

Ông Hòa cho biết khi giá cà phê xuống thấp, căn cứ đề xuất của các cơ quan chức năng, nhà nước sẽ yêu cầu các ngân hàng cho các doanh nghiệp đầu mối tham gia tạm trữ vay đủ vốn để mua đủ số lượng cà phê đưa vào dự trữ theo cơ chế tín dụng thông thường. Đồng thời, doanh nghiệp được hỗ trợ cấp bù lãi suất 100% trong thời hạn ít nhất 6 tháng, trích từ Quỹ bảo hiểm cà phê.

Đối với người trồng cà phê, nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người trồng cà phê căn cứ vào sản lượng cà phê tiêu thụ trong năm bằng cách hỗ trợ trực tiếp người trồng cà phê 100% lãi suất vốn vay để mua vật tư, phân bón phục vụ cho quá trình sản xuất, chăm sóc cây cà phê.

>> Lập Ban điều phối quốc gia về cà phê giúp nông dân lãi 30%

Xem cà phê là một ngành kinh doanh có điều kiện

Ban soạn thảo cũng đề xuất coi chế biến – xuất khẩu cà phê như một ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện.

Theo ông Hòa, các đối tượng doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách cần phải thỏa mãn các điều kiện:

– Có năng lực kinh doanh số lượng cà phê lớn tại từng địa phương, tài chính minh bạch, lành mạnh được UBND tỉnh và Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam xác nhận;

– Có cơ sở vật chất và kho chứa đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 01:06-2009/BNNPTNT;

– Thực hiện thu mua cà phê của nông dân theo hợp đồng, đảm bảo lợi ích của người trồng cà phê và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh;

– Không mua bán cà phê lẫn loại do hái “tuốt cành” có tỷ lệ quả chín dưới 80%.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Lê Nguyên

    Suy cho cùng, quỹ chỉ để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp dự trữ cafe vì Vicofa cũng là hiệp hội của doanh nghiệp.
    Còn nông dân, hỗ trợ lãi suất vốn vay mà không phải ai cũng được vay của ngân hàng. Với những nông dân tự đầu tư hay vay ở những nguồn khác thì sao? mà đây mới là số nhiều.
    Mong rằng những nhà hoạch định chính sách cần tìm hiểu kỹ hơn.
    Mong ông Đoàn Xuân Hòa thấy được lợi ích hài hòa giữa các đối tượng!

  2. nông dân daklak

    Thu ở đâu cũng là thu trên đầu nông dân trồng cafe hết thưa các quí ngài cán bộ. Khi thu 1tấn bao nhiêu tiền thì các doanh nghiệp lại mua thấp của dân chừng ấy tiền thôi, và khi hỗ trợ thì lại hỗ trợ cho doanh nghiệp. Các vị nên suy nghĩ cách chi hay hay chứ cứ thấy cafe có giá một tí thì bắt đầu kiếm cách thu. Cái chuyện thu để bù giá khi cafe xuống thấp cũng đã từng được đem ra bàn năm 1994 rồi, không biết có thu hay không nhưng khi cafe xuống thì nông dân lãnh hết chẳng nghe ai nói gì! chán cho mấy ông ngồi bàn giấy.
    Nói thật muốn cho chất lượng cafe xuất khẩu tốt thì điều quan trọng nhất là hệ thống an ninh thôn xã cho tốt, để khỏi phải mất trộm. Còn người dân tự khắc sẽ biết cái gì lợi cho họ thì họ làm ngay. Chuyện về an ninh thôn xóm nói mãi rồi đến mùa cafe vẫn mất trộm, chẳng ai làm được gì “cà tặc” thì thử hỏi đến mùa quýt mới giải quyết được.

  3. Cõng

    Tất cả các loại thuế, phí, quỹ, lợi nhuận đều do hạt cà phê cõng hết, mà hạt cà phê thì từ chiếc lưng còng của nông dân mà ra!
    Có nuôi dưỡng được nông dân thì lúc đó hạt cà phê mới cõng được “các loại ăn theo” chứ, còn cứ mãi vắt kiệt nguồn lực của nông dân thì chỉ khi nông dân “nhắm mắt” mới đến được “Thiên đường cà phê”

  4. DATDIT

    Phân bón thì tăng giá, khoan giếng lấy nước tưới cà phê thì không được phép, phải đóng thuế tài nguyên, đào ao, vét kênh mương hồ đập đều nông dân làm cả, khi tưới thì đóng thủy lợi phí, nạn Cà tặc thì năm nào cũng có, chi phí bảo vệ vụ mùa tăng dần năm sau cao hơn năm trước, giá cả nay phồng mai xẹp (phải uống thuốc trợ tim). Bởi thế ngày 12/3/2011 khai mạc lễ hội cà phê với hàng tít ” Tôn vinh người làm ra hột cà phê” Nghĩ cũng đỡ tủi các bạn nhỉ?

  5. ND

    Sao hiệp hội không bao tiêu sản phẩm với giá 50k/1kg cafe đi. Nông dân đóng phí 100usd/tấn cũng được. Toàn nói tào lao kiếm tiền của người dân,”chẳng làm được tích sự gì” tốn tiền, tốn thời gian.

  6. hoangtan

    Tôi làm cà phê đến nay hơn 30 năm mà chẳng thấy hỗ trợ giá cà phê, những lúc khó khăn nhất cho người làm cà phê thì các vị lặn (THẬT SÂU) đến hôm nay lại có ý tưởng vĩ đại ấy. XIN ĐỪNG, để chúng tôi tự lo !!!!

  7. đăk lăk

    Tôi hy vọng nhà nước ta sẽ không lập quỹ bảo hiểm cà phê như VICOFA đưa ra. Sao chúng ta lại phải học theo những nước khác nhỉ? Sao chúng ta không rút kinh nghiệm từ bài học bình ổn giá xăng dầu nhỉ? Khi lập quỹ bảo hiểm liệu VICOFA có bao tiêu sản phẩm với giá 50k/kg như bạn ND nói hay không? Hay chỉ thêm nguồn thu nhập để VICOFA chi tiêu và quyết toán?
    Toàn chỉ biết làm theo mà không suy tính. Cà phê giá theo sàn giao dịch chứ đâu phải do nhà nước ban hành như xăng dầu? Nhưng nếu cứ lập quỹ nọ, quỹ kia giá cả bị chặn đầu chặn đuôi thế thì người chịu thiệt cũng chỉ là nông dân mà thôi.
    Nếu VICOFA muốn hỗ trợ nền cà phê nước nhà thì nên đề xuất với nhà nước lập quỹ bảo hiểm bằng cách thu tiền xuất khẩu cà phê của các DN sau đó mỗi năm hỗ trợ cho nông dân, ví dụ 1tr/1ha/1năm chẳng hạn. Có lẽ các vị này ngồi uống rượu tây cùng mâm với các DN xuất khẩu cà phê nên nghe các DN xúi bậy. Còn nông dân uống rượu vặt ở xa quá các vị đâu có biết.

  8. dak lak

    “Xem cà phê là một ngành kinh doanh có điều kiện”? thế nào là nghành kinh doanh có điều kiện? theo tôi thì ông Hoà nên sang bộ Công an hỏi: thế nào là ngành kinh doanh có điều kiện và cách quản lý như thế nào trước khi nói câu này.

  9. cà pháo

    Tôi cũng đồng tình với các ý kiến ở trên. Mục tiêu thì cao cả lắm, tên Quỹ hay Hội đều hay cả … nhưng đều là thùng rỗng kêu to, đều phục vụ lợi ích nhóm thôi, nông dân chẳng bao giờ đến lượt.
    Như Quỹ bình ổn xăng dầu – để cho các vị đục khoét.
    Trợ giá khí, điện để SX phân bón, giá xuất xưởng cao nhất khoảng 7.500đ/kg trong khi nông dân vẫn phải mua phân bón bằng giá hàng NK (tùy thời điểm, từ 9.600 – 12.000đ/kg)
    Thử hỏi các Quỹ, Hội, … có tác dụng gì?
    Nước ngoài họ làm nghiêm túc, còn Việt Nam thì … THÔI XIN !

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83