Ngành cà phê Việt Nam cần một cuộc lột xác

Khó ai ngờ, là nước sản xuất xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và thị phần lớn chiếm tới 18% số lượng cà phê buôn bán toàn thị trường thế giới, nhưng ngành cà phê Việt không những không tác động mà còn ngược lại, bị vài nhà đầu tư chi phối điều tiết giá… Trước áp lực mở cửa, thà muộn còn hơn không, ngành cà phê cho rằng phải tự “lột xác”…

Phơi cà phê
Với hơn 150 năm kinh nghiệm sản xuất, nhưng hiện nay nông dân thiếu sân phơi càphê nghiêm trọng.

Chỉ thua xuất khẩu gạo

Theo Bộ NNPTNT, ngành cà phê Việt Nam phát triển mạnh kể từ năm 1986. Với tốc độ tăng diện tích bình quân 10,6%/năm, năng suất 3,4%/năm và đặc biệt sản lượng tăng tới 20%/năm đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có năng suất đứng thứ nhất thế giới (gấp 2,67 lần bình quân thế giới, cao hơn cả thủ phủ cà phê là Brazil); sản lượng chiếm 18% lượng cà phê xuất khẩu thế giới. Việt Nam được xếp là quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới.

Với 146 Cty xuất khẩu cà phê, hiện mặt hàng này của Việt Nam đã có mặt trên 80 quốc gia, trong đó chiếm 65-70% sản lượng là 10 nước như Đức, Mỹ, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha, Nhật, Hàn Quốc, Anh, Hà Lan, Pháp. Năm 2010 vừa qua, chúng ta đã xuất trên 1,2 triệu tấn cà phê.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì xuất khẩu cà phê có giá trị chỉ sau xuất khẩu gạo. Tuy nhiên mức lãi thì cao hơn gạo khi tháng 2 vừa qua, nông dân lãi ròng từ 34-44 triệu đồng/ha.

Còn nhiều điểm yếu

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang dần lấn lướt Thái Lan – một nước lâu nay vốn tự hào đứng đầu thế giới về ngành này. Sự lấn lướt không chỉ về sản lượng, thị phần mà cả về giá khi giá gạo Việt Nam năm vừa qua đã đuổi kịp giá Thái Lan…

Còn cà phê, dù chiếm thị phần lớn (18% số lượng cà phê buôn bán toàn thị trường thế giới) nhưng ngành cà phê Việt hầu như không có ảnh hưởng đến giá xuất nhập khẩu thế giới. Ngược lại theo chính các DN kinh doanh cà phê thì việc điều tiết giá lại do vài nhà đầu cơ nước ngoài chi phối.

Các nhà đầu cơ chỉ bằng chiêu thức can thiệp vào các sàn giao dịch cà phê (chủ yếu 2 sàn London và New York) thông qua việc nắm giữ cổ phiếu của các nhà rang xay làm sai lệch quy luật “cung – cầu” vốn có và lũng đoạn thị trường.

Trong khi đó, cà phê nhân Việt Nam chủ yếu qua trung gian môi giới (các đại diện Cty nước ngoài) rồi mới đến tay nhà rang xay (hiện trong 146 DN kinh doanh cà phê Việt chỉ có 1 DN bán được 5.000 tấn trực tiếp cho nhà rang xay). Vòng luẩn quẩn xảy ra: Khi nhà đầu cơ “bóp” giá nhà rang xay, tất yếu nhà rang xay “bóp” nhà môi giới và cứ thế, bị quá nhiều tầng trung gian “bóp” giá thì người thiệt trăm đường cuối cùng là nông dân.

Đã thế với “căn bệnh trầm kha” của các DN Việt là tình trạng tranh nhau mua bán, giá cà phê Việt Nam luôn bị ép tối đa. Và tuy “khổng lồ” với kinh nghiệm 153 năm sản xuất cà phê, nhưng “4 nhà” gồm nông dân, DN, Nhà nước và nhà khoa học đều “thiếu” nghiêm trọng: Vốn thiếu hơn 91%, sân phơi sấy thiếu tới 98%. Quản lý chất lượng sản phẩm bị “thả nổi”. Đáng nói đến giờ này ngành cà phê Việt Nam chưa có một quy hoạch ngành hàng tập trung.

Hiện diện tích cà phê trên 534.000ha. Tuy nhiên theo dự báo của các chuyên gia kinh tế thì chỉ 8 năm nữa sẽ bị “teo” lại còn khoảng 500.000ha do hàng loạt các tỉnh Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Phước, BRVT giảm diện tích để công nghiệp và đô thị hóa.

Trong tình thế như vậy, dù muộn còn hơn không các chuyên gia cho rằng cần phải “lột xác” ngành cà phê theo hướng tập trung “tăng chất giảm lượng”, hình thành địa bàn trọng điểm gồm 4 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên là Đắc Lắc, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắc Nông. Thành lập quỹ cà phê với số vốn ban đầu 100 triệu USD đặt dưới sự bảo hộ của Bộ Công Thương VN nhằm hỗ trợ khôi phục chất lượng vườn cà phê và đối phó hiệu quả với diễn biến phức tạp của thị trường. Bộ NNPTNT nghiên cứu đề xuất về việc tái lập cơ quan chuyên nghiên cứu phát triển cà phê. Thành lập ban điều hành quốc gia phát triển ngành cà phê…

>> Các nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. dân việt

    Là nông dân chúng tôi không hiểu thấu đáo về chính sách hay chiến lược duy trì và phát triển ngành cà phê VN. Ý kiến hay suy nghĩ (cho rằng) của các chuyên gia kinh tế “chỉ 8 năm nữa…”,”…dù muộn còn hơn không…” cũng vẫn chỉ là suy nghĩ của riêng họ. Tại sao các chuyên gia không thử xây dựng và kiến nghị nhà nước ta một chiến lược tổng thể cho ngành cà phê, vận động các “nghị sĩ” ủng hộ để xây dựng thành chiến lược quốc gia và tất nhiên các bộ ngành, hiệp hội và người nông dân đều vì cái chung mà xây dựng ngành cà phê VN thực sự vững mạnh! Hãy bắt tay vào công việc chứ đừng viễn vông!

  2. Anh Văn

    Xin lạm bàn với bà con lúc rảnh rỗi !
    Tôi nghĩ ngành cafe VN cần phải xây dựng lại bắt đầu bằng một nền móng mới hoàn toàn từ cơ chế cho đến con người. Không thể đòi hỏi sự lột xác từ những cái xác đã mục ruỗng, rệu rã hay những cái xác vô hồn, không có nhiệt huyết tối thiểu với cây cafe. Nông dân VN cần cù siêng năng nhưng phải chỉ việc cho họ, phải giúp họ đi với cái đầu của khoa học, của tri thức chứ không phải bằng duy ý chí, bằng hô khẩu hiệu. Nếu không được như thế thì mãi mãi nông dân cafe VN chỉ là công cụ để cho một nhúm tài phiệt trên sàn đầu cơ bóc lột mà thôi !
    -Quy hoạch vùng trồng cafe không chỉ bằng mệnh lệnh chuyển đổi của nhà nước mà còn từ cả tâm tư nguyện vọng của nông dân. Phải chỉ cho họ thấy nuôi con gì, trồng cây gì cho có lợi thực sự cho họ thì tự họ sẽ làm ngay. Còn quy hoạch bằng mệnh lệnh hành chính mà không chỉ rõ cái lợi thì điều đó có nên chăng?
    -“Hãy để cho người nông dân suy nghĩ trên luống cày của họ”.
    Ví dụ quỹ đất ngày càng hiếm, không nhất thiết vùng ĐNB cứ trồng cafe mà năng suất bình quân vẫn thấp trong khi vùng này có điều kiện tốt để trồng cây cao su chẳng hạn ; hay những vùng khan hiếm nước sao không trồng cây điều… Đồng thời công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, phải làm thật tốt để thâm canh tăng năng suất, của ngành nông nghiệp ở đâu?…
    Nước mình bây giờ lắm ông nghè, ông cống mà không có ai thực sự vì nông dân, nông nghiệp, nông thôn hay sao? Tại sao không làm được?
    Cần phải có cuộc cách mạng nông nghiệp VN thật sâu sắc !

  3. dâncaphe

    Tôi cũng đồng ý với những ý kiến mà 2 bạn đã nêu. Vấn đề cà phê chúng ta có được tiếng nói trên thương trường quốc tế không phải nông dân chúng ta cứ sản xuất ra để mặc cho các nhà đầu cơ muốn làm gì thì làm mà phải cần có những chính sách mang tầm vĩ mô từ các cơ quan chức năng, từ các doanh nghiệp mà cả chính người nông dân chúng ta nữa. Tôi mạo muội nêu lên vai trò từ phía nông dân việt nam chúng ta, nên chăng chúng ta cần tập hợp lại với những hình thức hợp tác với nhau (nói thật cái này người Việt chúng ta hơi dỡ) để cùng nhau hỗ trợ về vốn, hỗ trợ sản xuất và chế biến trên khắp vùng cà phê, từ đó nhà nước hoặc doanh nghiệp cũng dễ hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân hơn là từng hộ, thì thử hỏi có nhà đầu cơ nước ngòai nào gây khó khăn cho chúng ta nữa.

  4. Người ngoài cuộc

    XIN HÃY THẬT TÂM VÌ BÀ CON
    Có câu chuyện vui, có người đã biết nhưng có người chưa, tôi xin tóm lược lại:
    “Thế giới sợ người Trung Quốc vì họ không nói mà làm. Thế giới sợ người Mỹ vì họ nói là làm liền.
    Nhưng thế giới sợ nhất người VN, nói nhưng không làm hoặc nói một đằng làm một nẻo”!
    Trở lại câu chuyện cà phê, có thật chúng ta chiếm 18% thị phần thế giới? Có thật là các nhà đầu cơ ép giá cà phê chúng ta?
    Tác giả nói “…hiện trong 146 DN kinh doanh cà phê Việt chỉ có 1 DN bán được 5.000 tấn trực tiếp cho nhà rang xay”. Vậy 145 DN bán cà phê cho ai? Chúng ta bị họ ép hay chính chúng ta ép nhau và đổ lỗi cho họ?
    Không ai làm kinh tế mà chấp nhận luôn lỗ? Họ và ta cùng có lợi mới hợp tác được và ai ép chúng ta bán cho họ chứ?
    Xin hãy dám nhận trách nhiệm & dám làm chứ đừng nói vì không hành động chẳng bao giờ có kết quả cả! Mong rằng vì bà con nông dân hãy suy nghĩ thấu đáo và bắt tay hành động kịp thời.

    1. Thằng Bờm

      Cứ toàn chính sách, chiến lược, khát vọng thì biển muôn đời vẫn mặn, người nông dân ngàn đời vẫn phải chịu thiệt thòi. Cần việc làm cụ thể và ích lợi thực chất cho người dân như mấy ổng ở nhà máy cà phê Biên hòa mới làm. Họ tài trợ trực tiếp cho mỗi nông dân trồng cà phê Buôn Ma Thuột 5.000.000 đồng, không phải thông qua mấy ông chính quyền. Nông dân cần cái đó chứ chẳng cần mấy cái lời bay bổng có cánh.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85