Tin buồn

Những bất cập ở sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột

Ông Dương Văn Hùng, nông dân xã Hòa Thuận (TP.Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) trồng 3ha cà phê, đủ tiêu chuẩn để trở thành thành viên giao dịch tại sàn cà phê Buôn Ma Thuột, nhưng ông vẫn không lên sàn vì sợ chịu thêm phí giao dịch. Còn những nông dân khác thì có tới 90% không đủ điều kiện làm thành viên của sàn vì họ làm gì có 3ha cà phê…

Đầu tư 100 tỷ nhưng sàn giao dịch vắng khách

Phê duyệt từ giữa năm 2003 nhưng qua nhiều lần điều chỉnh quy mô diện tích, vốn đầu tư đến cuối năm 2006 sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) mới chính thức thi công và khai trương vào ngày 11/12/2008 vừa qua. Tổng vốn đầu tư xây dựng công trình này gần 100 tỷ đồng, cơ sở vật chất hoàng tráng, là sàn giao dịch nông sản hiện đại nhất Việt Nam.

Có mặt trong buổi khánh thành và phiên giao dịch đầu tiên của BCEC, ông Lương Lê Phương- Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng “Xây dựng và vận hành một sàn giao dịch nông sản hiện đại nhằm tập dần cho nông dân từ bỏ thói quen mua bán truyền thống, chuyển sang mua bán theo phương thức hiện đại”. Còn ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam nhận định “Sàn giao dịch áp dụng phương pháp mua bán tiên tiến, phù hợp với xu thế của thế giới”.

Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột hoạt động dưới sự điều hành của một Hội đồng gồm 7 thành viên : Đại diện tỉnh Đăklăk, Hiệp hội Cà phê- Ca cao, đại diện của các tổ chức thành viên khác…Sàn có 2 tổ chức ủy thác là Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) để thanh tóan cho các hoạt động giao dịch và chi nhánh Cty Giám định hàng hóa nông sản XK tại Đắk Lắk (CafeControl) có nhiệm vụ kiểm định chất lượng, phẩm cấp, chủng loại cà phê. Cơ sở vật chất của sàn khá hiện đại, giao dịch bằng hệ thống điện tử tự động nối mạng cục bộ và mạng đường dài. Các thành viên có thể giao dịch trực tiếp tại sàn hoặc qua mạng Internet. Mỗi tuần trung tâm giao dịch tổ chức 5 phiên, giờ mở cửa từ 19h30 đến 21 giờ (theo giờ thị trường Luân Đôn), với phương thức đấu khớp lệnh, minh bạch công khai, giá cả cạnh tranh.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà- Giám đốc BCEC, việc hình thành sàn giao dịch cà phê đã tạo ra một kênh lưu thông phân phối mới với các DN và nông dân sản xuất cà phê. Đây sẽ là nơi thu mua tập trung cà phê phục vụ XK và là đầu mối chào hàng, giới thiệu mua bán cà phê giữa các Cty trong nước với đối tác nước ngòai, thiết lập mối quan hệ với các tổ chức giao dịch hàng nông sản trên thế giới, góp phần phát triển bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ các hàng nông sản của Việt Nam như lúa gạo, cao su, hồ tiêu, điều và cà phê. Quan trọng là thế nhưng không hiểu vì lý do gì buổi khai trương BCEC chỉ có 10 DN và 2 nông hộ tới giao dịch.

90% hộ trồng cà phê không đủ điều kiện lên sàn

Mục tiêu của sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột là giúp các DN và nông dân nắm rõ những thông tin về giá cà phê trong nước cũng như trên thế giới. Những thông tin này được in thành bản tin khổ A4 phát công khai làm cơ sở để nhà đầu tư lựa chọn đặt giá bán và mua. Sản lượng cà phê tham gia giao dịch được công bố như mua bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Toàn bộ tầng 1 của sàn giao dịch có hơn chục máy vi tính cá nhân để tra cứu thông tin, đặt lệnh mua bán. Nhà đầu tư nhìn qua 3 màn hình điện tử cỡ lớn để theo dõi thông tin thị trường trong nước và thế giới, theo dõi diễn biến giao dịch của các mã thành viên khớp lệnh và tổng kết chỉ số VNCOFEEE-INDEX.

Khi lên sàn giao dịch, nông dân và DN bán cà phê phải chở theo tối thiểu 5 tấn cà phê nhân để Cafecontrol (tổ chức được BCEC ủy thác), kiểm tra chất lượng cà phê giao dịch, sau đó cà phê sẽ tạm gửi ở kho chờ giao dịch. Cty CP Cà phê An Giang có 4 kho công suất chứa 3- 3,5 vạn tấn cà phê nhân để nông dân và DN gửi cà phê chờ mua và bán, ngòai ra Cty này còn xây dựng 1 xưởng chế biến cà phê nhân để nông dân có nhu cầu đưa cà phê tươi vào chế biến và mang ra giao dịch.

Lên sàn giao dịch người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm tránh được các dịch vụ tín dụng lãi suất cao, cà phê tại đây có thể thế chấp vay vốn đầu tư tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Khi giao dịch thành công tức bán được hàng, được thanh toán ngay tránh bị xù nợ như bán cho đại lý. Nông dân còn được tạo điều kiện thuận lợi về ký gửi hàng khi nào cần thiết mới bán, tránh bị ép giá khi cà phê thu hoạch rộ. Sản phẩm cà phê qua chế biến nâng cao được chất lượng, tạo giá trị cao hơn.

Đối với các DN và hộ nông dân không đủ điều kiện tham gia sàn giao dịch thì phải thông qua một tổ chức thành viên của Trung tâm thực hiện giao dịch với vai trò là người môi giới. Theo ông Hà, ở Đăklăk cà phê sản xuất tại các nông trường và Cty, ngoài ra có gần 200 hộ sản xuất cà phê lớn tương lai sẽ là các thành viên của sàn.

Vậy những người trồng cà phê nhưng không đủ điều kiện để lên sàn giao dịch thì sao? Các đại lý thu gom mà không trồng cà phê nhưng vẫn thu mua được hàng vạn tấn cà phê có đủ điều kiện trở thành người bán hàng được không? Có ý kiến cho rằng, nước ta hiện nay các nông hộ sản xuất tới 80% sản lượng cà phê và đa số SX nhỏ lẻ thì 90% số hộ này không thể đủ 3ha cà phê để có thể lên sàn giao dịch. Vậy sàn giao dịch cà phê xây ra để phục vụ ai?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Thanh Hải

    Theo Tôi biết hiện tại ở Tây nguyên nó chung và Đăk lăk nói riêng đại đai số là nông dân làm cà phê, nếu quy định lên sàn phải có 5tấn cà phê nhân thì e rằng sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột sẽ văng khách.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82