Giá cà phê rớt và bài học thiếu dự báo

Giá cà phê từ ở mức cao kỷ lục trong lịch sử trồng cà phê của nông dân, 40.000-42.000 đồng/kg vào ngày 4-3 nhưng chỉ một ngày sau, giá đột ngột giảm mạnh 4.000-5.000 đồng/kg khiến nông dân, đại lý và doanh nghiệp méo mặt vì trở tay không kịp.

Bản chất của câu chuyện cà phê mà hơn tuần qua báo chí đề cập khá nhiều, chính là bài học thiếu sự dự báo, dù Việt Nam đã là quốc gia trồng và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Brazil và tự hào mình là quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới.

Đêm định mệnh của đại lý cà phê

Nhiều nông dân, chủ trang trại, đại lý hay công ty xuất khẩu cà phê ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ sẽ nhớ mãi cái  đêm ngày 5-3. Những chủ đại lý thu gom cà phê hay công ty xuất khẩu cà phê đang méo mặt vì thua lỗ do giá cà phê giảm hơn tuần qua cho tới bây giờ vẫn không hiểu được, tại sao suốt cả ngày 5-3, cái ngày mà họ mua và bán cà phê ở mức giá cao kỷ lục 40.000-42.000 đồng/kg cà phê nhân (tuỳ loại và tùy vùng) mà ngày hôm sau, họ ôm một cục nợ vì giá giảm mạnh.

Bà Phương Thanh, chủ đại lý cà phê ở huyện Cư Mgar, Dak Lak làm nghề thu mua cà phê của nông dân trong vùng đã hơn chục năm nay. Là người ít vốn và bản tính không ham hố nên bà thường cẩn thận trong việc mua và bán cà phê, thấy “được giá” là bà xuất bán chứ không dám ghim cà phê chờ giá lên như các đại lý khác.

Lúc cà phê tăng giá từng ngày vào trước ngày 5-3, bà mua vào và bán ra ngay vì sợ giá rớt, nhiều đại lý quen chê cười, bảo là không dám “ôm hàng”, vì có người mua 32.000 đồng/kg, gim và chờ lên 40.000 đồng/kg mới bán, còn bà bán từ lúc giá còn 35.000 đồng/kg. Bây giờ thì ba Thanh rung đùi, bởi bà không còn cà phê trong kho, trong khi nhiều đại lý khác ở Cư Mgar và Dak Lak đang đau đầu vì ôm một đống cà phê trong kho lúc giá cao với tâm lý chờ giá cao hơn nữa.

Tối ngày 4-3, theo giờ Việt Nam thì bên London của Anh, thị trường giao dịch kỳ hạn (London International Financial Futures and Options Exchange- LIFFE) hoạt động và  giao dịch gần như là ban đêm của Việt Nam. Giá cà phê ở thị trường London đạt đỉnh 2.815 đô la Mỹ/tấn cho hàng giao vào tháng 5, được hãng tin Reuters ghi nhận là mức giá cao kỷ lục kể từ tháng 7-1995.

Lúc này, tại cảng TPHCM, giá cà phê nhân chào bán có thời điểm lên tới 2.600 đô la Mỹ/tấn, tức tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thế nhưng sang ngày hôm sau (tức ngày 6-3 của Việt Nam), giá giao dịch ở London đột ngột giảm mạnh và liên tiếp các ngày sau nữa, giá cà phê trên thị trường kỳ hạn đóng cửa đều ở mức âm (giảm) và hiện chỉ còn 2.600-2.650 đô la Mỹ/tấn.

Đây là nguyên nhân đã đẩy giá cà phê trong nước đột ngột giảm mạnh trong cả tuần qua ở khắp Tây Nguyên. Hiện tại giá cà phê nhân tại cảng TPHCM chỉ còn 2.400-2.470 đô la Mỹ/tấn, tức mất gần 200 đô la Mỹ/tấn, còn trong nước, giá giảm xuống còn 35.000-37.000 đồng/kg.

“Tính sơ sơ mỗi tấn cà phê nhân mà đại lý ôm giữ lỗ xấp xỉ 5 triệu đồng nhưng cái quan trọng là việc mua bán cà phê khá ảm đạm vì người mua là các nhà xuất khẩu không biết giá còn lên hay xuống nên không dám mua vào, chờ trông thông tin và những ngày tới ”, bà Thanh cho hay.

Không ai dự báo giá cà phê

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) đã đưa ra dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2007/2008 của Việt Nam dưới 850.000 tấn, tức giảm khá nhiều so với dự báo vào đầu vụ là 1,1 triệu tấn.

Thông tin này đã tác động mạnh mẽ tới thị trường cà phê Robusta của thế giới, nhưng vẫn chỉ tác động trong khoảng thời gian mà hạt cà phê của Việt Nam “làm mưa làm gió”, tức tháng 10 năm trước tới hết tháng 2 năm sau.

Từ đầu tháng 3 trở đi, giá cà phê nhân còn phụ thuộc vào mùa vụ cà phê của Brazil do nước này thu hoạch rộ vào tháng 4. Có nghĩa, sau khi mua vào sản lượng lớn, các nhà đầu cơ thường tung hàng ra bán vào đầu tháng 3 để chuẩn bị mua cà phê Brazil.

Trong khi đó, sản lượng cà phê Brazil mùa này dự báo tăng nhẹ, cũng là yếu tố để các nhà đầu cơ cà phê trên thế giới tung hàng ra bán và nông dân, đại lý ở trong nước lãnh đủ thiệt hại.

Theo một giám đốc doanh nghiệp cà phê, đa phần những thiệt hại rơi vào các doanh nghiệp nhỏ, ít có kinh nghiệm trong xuất khẩu, các đại lý nhỏ, ít nắm bắt thông tin. Còn các đại lý lớn, các công ty xuất khẩu lớn, đa phần có mua tin của Reuters hàng tháng thì ít thiệt hại hơn, dù sao thì họ vẫn có bản tin do Reuters cung cấp hàng ngày.

“Chẳng ai ở trong nước dự báo cả”, một doanh nghiệp hội viên của Vicofa bức xúc nói. Vào trang chủ www.vicofa.org.vn của Vicofa, lác đác mới thấy bản tin phân tích thị trường cà phê của các tổ chức nước ngoài, còn lại chỉ là những tin tức về cà phê đăng trên báo chí trong nước.

Một chuyên viên cà phê đã từng làm tại văn phòng của Vicofa đóng ở văn phòng 2 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại TPHCM, cho biết các bản tin cà phê của Reuters hay của các tổ chức nước ngoài được dịch và đăng tải trên trang chủ của hiệp hội chủ yếu là “ăn ké” của các doanh nghiệp hội viên gửi cho. Tất nhiên rảnh thì doanh nghiệp hội viên gửi biếu không, còn không thì thôi. Nên do vậy, phần lớn các tin mang tính dự báo này đều cũ kỹ tới vài ngày, thậm chí vài tuần so với thực tế.

Dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới nhưng vị chuyên viên này cho biết, hiệp hội chỉ có vài người và thuần túy làm công tác hành chính, hội họp, đại hội, chứ chẳng hề có bộ phận phân tích, dự báo. Trong khi Brazil hay Indonesia cũng có hiệp hội xuất khẩu cà phê và họ thành lập hẳn các bộ phân phân tích, dự báo thị trường cà phê để cung cấp cho doanh nghiệp và trang trại trong nước.

Ai sẽ đứng ra dự báo sản lượng cà phê như vị giám đốc doanh nghiệp nhập khẩu cà phê nói trên và ai sẽ đứng ra cung cấp các thông tin dự báo mùa vụ, sản lượng cà phê thế giới cho doanh nghiệp và nông dân như hiệp hội cà phê của Brazil hay Indonesia đã làm bao nhiêu năm qua? Câu hỏi này lẽ ra đã có trả lời từ lâu, bởi Việt Nam bắt đầu tham gia xuất khẩu cà phê sản lượng lớn từ năm 1990.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong hai tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 281.200 tấn cà phê nhân, kém xa so với cùng kỳ năm ngoái là 362.000 tấn, chứng tỏ năm nay Việt Nam mất mùa cà phê.

Giữa năm 2007, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lần đầu tiên trình bày tại một hội thảo về phân tích ngành hàng (bản chất là thông tin dự báo từng ngành hàng) và đã chọn cà phê làm mặt hàng để phân tích dự báo đầu tiên. Tuy nhiên, những thông tin mà viện này phân tích chỉ là những con số thống kê quá cũ kỹ của các năm trước mà nông dân hay doanh nghiệp chẳng ai cần tới.

>> Thị trường cà phê: 3 mốc lịch sử đáng nhớ

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

76