Nâng cao giá trị cà phê Việt Nam

Đẩy mạnh liên kết giữa người trồng cà phê và các doanh nghiệp trong các khâu khâu canh tác – chế biến – xác định giá bán; tăng cường đạt những chứng chỉ quốc tế về cà phê… là những việc cần làm để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.

Làm thế nào để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam?” là câu hỏi được đặt ra cho ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại và hiện là Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam bên lề buổi họp báo về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.

Ông lương văn tự - hiệp hội cà phê Việt Nam
Ông Lương Văn Tự

Thưa ông, chúng ta có những tin vui gì từ ngành sản xuất và xuất khẩu cà phê trong năm qua và ngay trong những ngày đầu năm mới để hướng tới Lễ hội cà phê cấp quốc gia Buôn Ma Thuột lần thứ 3?

Ông Lương Văn Tự: Năm 2010, chúng ta đã xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn cà phê, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,7 tỷ USD.

Dự báo năm nay thị trường cà phê tốt hơn nhiều, giá cà phê ngay từ đầu vụ đã tăng. Năm nay do rất nhiều yếu tố như tồn kho của thế giới thấp, thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều nước trồng cà phê trên thế giới, nên giá cà phê thế giới tăng lên và nhu cầu tiêu dùng của thế giới cũng tăng, trung bình tăng khoảng 2,5%. Những yếu tố này đã hỗ trợ giá cà phê.

Chẳng hạn, giá cà phê rubusta ở London thời điểm cao nhất là 2.200 USD/tấn, hiện chúng ta đang xuất khẩu với giá khoảng 1.800 – 1.900 USD/tấn, giá thu mua ở trong nước hiện nay là khoảng 36 – 38 triệu đồng/tấn cà phê. Nếu chúng ta giữ được giá cà phê như hiện tại thì năm 2011 tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể chạm mức 2 tỷ USD. Đây là tin vui trước khi diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.

Chính phủ đã có rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho người trồng và người kinh doanh cà phê, nhằm hướng tới phát triển ngành cà phê một cách bền vững. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Lương Văn Tự: Một trong những chính sách quan trọng, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ trong năm qua là ban hành Quyết định 481/QĐ-TTg ngày 14/4/2010 cho phép mua tạm trữ tối đa 200.000 tấn cà phê sản xuất niên vụ 2009-2010 đã hỗ trợ trực tiếp cho người trồng cà phê và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê.

Quyết định trên được ban hành khi lượng cà phê trong nước còn nhiều mà đang bị tư thương ép giá cùng với giá cà phê xuống mức thấp nhất (khoảng 23,6 triệu/tấn). Khi thực hiện quyết định này giá cà phê được đẩy lên và đến khi kết thúc chương trình thì giá cà phê lên mức 29 triệu đồng/tấn.

Theo tôi, chính sách của Nhà nước đó đã cứu người dân và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê chứ không phải Chính phủ đặt mục tiêu là mua đủ 200.000 tấn cà phê. Đó là kết quả của một chính sách mà Nhà nước bỏ ra số tiền ít nhưng mang lại hiệu quả cao, một chính sách kích cầu hiệu quả.

Về phía người nông dân, khi giá cà phê lên thì nông dân phấn khởi tin tưởng vào công sức của mình sẽ được đền bù xứng đáng. Từ đó, họ yên tâm chăm sóc cho vụ cà phê tới. Như vậy là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ vừa có những cái lợi trực tiếp (tăng giá mua cà phê) và có những cái lợi lâu dài (người dân yên tâm, tin tưởng).

Tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần này có triển khai thí điểm lần đầu tiên sàn giao dịch cà phê theo kỳ hạn. Xin ông cho biết cụ thể phương thức này triển khai như thế nào và đem lại hiệu quả gì cho doanh nghiệp?

Ông Lương Văn Tự: Thực chất, thị trường giao dịch theo kỳ hạn này thế giới đã làm từ lâu. Nếu chúng ta thực hiện sàn giao dịch cà phê theo kỳ hạn sẽ gắn kết được với thị trường thế giới.

Hiện nay trong nước nhiều doanh nghiệp đã triển khai mua bán theo kỳ hạn qua các đối tác bên ngoài nhưng chưa mua bán qua sàn. Nếu bây giờ chúng ta triển khai sàn giao dịch cà phê theo kỳ hạn để kết nối với thế giới sẽ giúp chúng ta chủ động hơn và doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận với thị trường cà phê thế giới nhanh hơn.

Nhưng chúng ta phải đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi về ngoại ngữ, chuyên môn, hiểu về thương mại điện tử thì mới tham gia được. Đây cũng là thị trường để dẫn dắt giá cà phê, do đó phải có kỹ thuật mới có thể làm được.

Năm nay, Bộ NNPTNT và Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam có những chính sách và hoạt động cụ thể gì nhằm đẩy mạnh thị trường cà phê Việt Nam, thưa ông?

Năm nay, Hiệp hội tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng cho doanh nghiệp tham gia tạm trữ được vay thời hạn dài. Nhà nước cho nông dân vay tín chấp tới 50 triệu đồng. Đó là điều kiện để người nông dân giữ cà phê lại bởi hiện có khoảng 85% người trồng cà phê từ 2ha trở xuống, thực hiện chính sách trên sẽ bán một nửa và giữ lại một nửa. Do đó hiệu quả sẽ cao hơn.

Ngoài ra, hiện nay tỷ lệ cà phê già nhiều, chiếm 25-30% nên 10 năm tới phải thay thế vườn cà phê già và để giữ sản lượng.

Nhưng vấn đề chính hiện nay theo tôi là vốn, vì muốn tái canh cây cà phê thì mỗi ha cần phải hơn 2.000 USD. Khi tái canh chúng ta phải mất 2 năm cho đất nghỉ và 3 năm để trồng, như vậy là phải mất 5 năm mới có sản phẩm. Trong quãng thời gian này, nông dân vẫn phải có thu nhập để sống và trả vốn vay.

Vì vậy, Bộ NNPTNT đang triển khai để đa dạng hóa nguồn vốn nhằm thực hiện chương trình tái canh cây cà phê (như vốn của ngân hàng, doanh nghiệp, nước ngoài)…

Bộ NNPTNT cùng các tỉnh cũng đang có kế hoạch đẩy mạnh liên kết, tổ chức tập trung từ khâu canh tác, chế biến đến khâu xác định giá bán ra thị trường để tạo thành sức mạnh, không để từng hộ cá thể sản xuất riêng lẻ.

Ngoài ra, tiếp tục phát triển nâng cao chất lượng chế biến cà phê, để nâng giá trị cà phê, đặc biệt là cà phê hòa tan. Tăng cường đạt chuẩn những chứng chỉ quốc tế về cà phê như cà phê UTZ, Bộ nguyên tắc cà phê 4C, cà phê cân bằng, cà phê môi trường… Đó là hướng phát triển lâu dài, bền vững nhằm tăng giá trị của cà phê Việt Nam.

>> Năm 2011 xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể đạt 1,2 triệu tấn

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79