Nông sản Việt Nam: Không còn là võ sĩ hạng nhẹ?

Cách đây vài năm, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế từng nói: Nếu tỉ trọng thị phần hàng hóa của Việt Nam dưới 10%, chỉ là võ sĩ hạng nhẹ trong WTO. Nhưng nay, nhiều sản phẩm đã có thị phần trên 10%, liệu những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có mãi còn là những… võ sĩ hạng nhẹ?

arabica coffee

Đã hết thời tính tấn, tính đô !?

Mới đây (30/12/2010), Bộ Công Thương tổ chức giao ban xuất nhập khẩu năm 2010, bàn về phương hướng nhiệm vụ 2011. Một tín hiệu đáng mừng từ các Hiệp hội – đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam – đã “đồng thanh tương ứng” rằng: sẽ chú trọng đến lợi nhuận thay vì những con số “triệu tấn”, “tỉ đô la” như trước đây.

Nếu thủy sản xin rút đăng kí sản lượng xuất khẩu năm 2011 và cho rằng đây là bước lùi “chiến thuật” thì các Hiệp hội khác cũng có những “miếng đánh” của riêng mình trên võ đài xuất khẩu 2011.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước tăng 16%, ước đạt khoảng 5 tỉ USD. Hiện thủy sản của Việt Nam đã có “tên tuổi” trên thị trường, nói đến cá tra, cá basa, tôm tức là nói tới Việt Nam.

Trước đây khi “tập tễnh” bước ra thị trường thế giới, chúng ta luôn đặt mục tiêu 1 tỉ USD, 5 tỉ USD rồi 10 tỉ USD xuất khẩu mỗi năm. “Nay chúng ta không tính vậy nữa, mà hãy nghĩ tới tại sao chúng ta mãi cứ phải chịu cảnh ép giá, xuất theo giá FOB mà không tính tới làm chủ thị trường…”, ông Dũng phân tích.

Đồng quan điểm khi phân tích lợi nhuận, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết: Từ năm 2010 về trước, gần như 100% các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ đều tính giá FOB (giá xuất ở cảng – hàng lên tàu là doanh nghiệp hết trách nhiệm), nên lợi nhuận thường thấp. Năm 2011, Hiệp hội sẽ thí điểm một số doanh nghiệp xuất khẩu theo giá CIF (giá tại cảng nhận hàng của đối tác), tức là sẽ tăng khâu dịch vụ, bảo hiểm… để thu được lợi nhuận cao hơn.

Lấy ví dụ một mặt hàng khác, đó là cà phê Robusta. Việt Nam đứng thứ nhất thế giới cả về năng suất và sản lượng, nhưng tỉ trọng chỉ chiếm 13% trên tổng sản lượng toàn thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê của VN năm 2010 ước giảm 2,4% về khối lượng nhưng tăng 24% kim ngạch.

Đặc biệt, loại cà phê Arabica Đà Lạt được xếp vào loại có chất lượng thơm ngon bậc nhất, được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và các nước EU đặt hàng. Tuy nhiên, cũng như các mặt hàng khác của VN, cà phê xuất thô đến trên 90%. Làm sao để cà phê có thương hiệu trên trường quốc tế là vấn đề bức bách.

Câu chuyện “bơi” ra biển lớn, làm chủ công nghệ, xuất khẩu có “ý đồ” đã được nhắc tới từ lâu. Nếu qua thời tấn, tỉ đô thì bây giờ là thời của lợi nhuận và… lợi nhuận. Tuy nhiên có nhiều chuyên gia nhận định, vài năm tới chúng ta vẫn chưa thể chơi “sòng phẳng” với các đối thủ, và câu chuyện lợi nhuận cũng không thể một sớm một chiều.

Đi tìm giải pháp

Chúng ta tự hào là thủ phủ thế giới của cây chè, cây café, cây lúa, cây điều… nhưng chưa bao giờ là thủ phủ của những thương hiệu nông sản uy tín cả. Cũng lấy cây café làm ví dụ, tại hội thảo “Nghiên cứu cơ sở khoa học thành lập hợp tác xã và Hiệp hội Người sản xuất cà phê VN” mới đây, cây cà phê được đánh giá là cây công nghiệp chủ lực nhưng giá trị kinh tế mang lại cho bà con nông dân lại không cao.

Nguyên do thì không mới, nào là sản xuất còn nhỏ lẻ (trên 85% số hộ trồng cà phê có diện tích dưới 2 ha – PV), chưa có sự liên kết và áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại hoặc tâm lý ăn xổi (nhiều mùa vụ bà con hái trái còn xanh, non)…

Trong khi đó, chế biến hiện lạc hậu, thủ công (trên 90% cà phê được chế biến bằng phương pháp khô và bán ướt; 80% sản lượng chế biến tại các hộ nhỏ lẻ, trong đó 50% hộ thiếu sân phơi và 80% hộ không có máy sấy)…

Ở tầng vĩ mô, không riêng gì cây café, nhiều ngành đã xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển đến năm 2020. Tuy nhiên những chiến lược này theo chính các doanh nghiệp và bà con nông dân khẳng định, nó vĩ mô và… xa với quá. Bởi những chính sách, giải pháp thiết thực nhất lại không đi kèm các chiến lược của các ngành.

Đơn cử một ví dụ, tại sao bà con phải bán café xanh, non hoặc bị thương lái ép giá; đó là do thiếu vốn sản xuất. Khi bà con phải đi vay mua máy bơm nước tưới mùa khô, mua chịu phân đạm để chăm bón. Nếu được mùa, chưa kịp hưởng thành quả thì các chủ nợ đã mang công nông đến tận vườn… hái hộ trừ nợ. Nếu rớt giá, bà con khóc ròng mà chả biết kêu ai.

Câu nói của TS Lê Đăng Doanh cứ ám ảnh tôi, thị phần dưới 10% chỉ là võ sĩ hạng nhẹ. thiết nghĩ, để bước lên võ sĩ hạng trung thôi, mỗi võ sĩ phải có “thực” mới vực được đạo. Mà thực ở đây là gì thì chúng ta vẫn… đang loay hoay tìm câu trả lời.

Năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 71,6 tỉ USD, tăng 25,5% so với năm 2009. Về giá trị, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 tăng 14,5 tỉ USD. Xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 38,8 tỉ USD, tăng 27,8% và chiếm 52,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước; xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 32,8 tỉ USD, tăng 22,7%.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều về đích sớm như: dệt may 11,2 tỉ USD, tăng 23%; da giày, thuỷ sản ước đạt 5 tỉ USD, tăng trưởng lần lựot là 14% và 9%; gạo đạt 3,2 tỉ USD; cao su đạt 2,38 tỉ USD”.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

78